(Baonghean) - Sau khi Báo Nghệ An đăng bài viết “Cảnh giác với chiêu trò trúng thưởng qua mạng xã hội”, nhiều bạn đọc đã “thú nhận” mình đã từng “nhẹ dạ cả tin” mắc bẫy bọn lừa đảo. Hy vọng rằng, qua câu chuyện mà họ chia sẻ mọi người hãy nêu cao tinh thần cảnh giác, phối hợp với cơ quan công an sớm tìm ra các đối tượng lừa đảo để nghiêm trị trước pháp luật…
Hẹn mãi, anh N. N. D, trú tại xã Nghi Trung (Nghi Lộc) mới đồng ý gặp phóng viên và kể về việc mình trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo qua mạng. Anh D cho biết: Vào ngày 28/3, máy điện thoại của anh báo có tin nhắn qua hệ thống maessenger của Facebook. Tin nhắn thông báo là anh D đã trúng thưởng giải Nhất chương trình “Tri ân khách hàng maessenger” từ Công ty Cổ phần Tập đoàn Messenger. Phần thưởng là một xe máy Liberty 150 l.E, 1 phiếu quà tặng trị giá 100 triệu đồng tiền mặt. Anh D được hướng dẫn gọi điện vào số máy 00841676564711 để biết thêm chi tiết. “Như ma xui, tôi liền gọi điện vào số máy trên thì được một người đàn ông, giọng miền Trung hướng dẫn làm hồ sơ qua mạng. Khi khai báo đầy đủ các thông tin cá nhân, người này nói phải nạp 2,5 triệu đồng chi phí làm hồ sơ chính thức. Tôi cũng không nghĩ ngợi gì liền ra mua 5 thẻ Viettel, mỗi thẻ mệnh giá 500 ngàn đồng để nộp”, anh D kể lại. Sau đó, anh D bị đối tượng trên yêu cầu nạp thêm 7,5 triệu đồng tiền phí trước bạ và 12,5 triệu đồng tiền thuế. Tổng số tiền anh D đã nộp cho đối tượng trên qua hình thức thẻ cào là 22 triệu đồng.
Lúc đó, anh D chỉ có 10 triệu đồng tiền mặt. Để đủ tiền nộp cho đối tượng trên, anh D phải đi vay nóng 6 triệu đồng, cầm cố chiếc điện thoại Iphone 5 với số tiền 6 triệu đồng. Thấy “cá” cắn câu, các đối tượng trên tiếp tục giở trò để “moi” thêm tiền từ anh D. Bọn chúng gọi điện và thông báo rằng, giải thưởng trên là của quý I và hiện nay đã chuyển sang quý II là 1 chiếc xe SH cùng với phần quà có giá trị tiền mặt 300 triệu đồng. Chúng yêu cầu anh D phải nộp thêm 20 triệu đồng nữa mới được nhận giải. Khi anh D nói không có tiền và hẹn sáng mai sẽ nộp thì các đối tượng lừa đảo quay sang dọa dẫm.
Anh D kể: Một người đàn ông khác nói với tôi là nếu tôi không nộp 20 triệu đồng thì phải bồi thường hợp đồng là 300 triệu đồng và sẽ báo công an bắt tôi. Vì quá hoảng loạn, tôi đã kể lại với mẹ, sau đó mẹ hướng dẫn tôi đi báo công an. Qua sự việc của bản thân, tôi mong muốn mọi người cần cảnh giác hơn để không bị lừa như tôi”, anh D chia sẻ.
Anh P. V. A, trú tại xã Nghi Ân (TP. Vinh) cũng là nạn nhân của các đối tượng lừa đảo trên mạng. Trong đơn trình báo công an, anh A kể lại rằng: Vào khoảng 10h29phút, ngày 23/3, anh A có nhắn tin với một Facebook có nick là “kelangthang”. Đây là nick của anh Nguyễn Hồng T (anh họ của A) hiện đang đi XKLĐ tại Italya. Trong quá trình trò chuyện thì người dùng nick Kelangthang có nhờ anh A mua thẻ cào điện thoại và gửi qua tin nhắn facebook để bán cho người Việt ở nước ngoài.
Do tin tưởng là anh họ mình nên anh A đã mua 16 triệu đồng tiền thẻ cào điện thoại Viettel gửi vào facebook có địa chỉ trên. Sau khi gửi xong, anh A được người đó nói sẽ gửi tiền về qua Ngân hàng Viettinbank. Người này đã dùng đầu số 82690501 gửi tin nhắn qua máy anh A rằng đã gửi tiền về. Nhưng khi anh A ra ngân hàng kiểm tra thì mới biết mình bị lừa. Anh A cho biết: Có thể, bọn chúng đã theo dõi facebook của tôi và biết được tôi hay trò chuyện với anh họ nên chúng lập một facebook có tên, hình ảnh và các thông tin tương tự để lừa tôi. Nghĩ rằng là anh họ mình nên tôi không mảy may nghi ngờ nhưng các đối tượng này rất cao tay. Đây là bài học cho bản thân tôi và cho nhiều người hiện đang sử dụng facebook để liên lạc với người thân.
Sau khi tiếp nhận đơn trình báo của các bị hại, Công an Thành phố Vinh đã sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để thu thập thông tin liên quan. Song, do một phần các bị hại không khai báo đầy đủ, nhiều người còn từ chối cung cấp thông tin nên gây khó khăn cho cơ quan công an. Hiện nay, công an Thành phố Vinh đang lên kế hoạch thành lập một chuyên án để nhằm thu thập thông tin liên quan để đấu tranh với nhóm tội phạm này.
Bên cạnh đó, công an thành phố sẽ huy động các phòng, ban liên quan, nhờ sự giúp đỡ về nghiệp vụ của công an tỉnh để sớm truy tìm được thủ phạm. Qua đây, chúng tôi cũng đề nghị người dân, khi phát hiện có dấu hiệu bị gạ gẫm, hay bị lừa đảo thì nên trình báo với cơ quan công an địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Và hơn hết, người dân cần phải tỉnh táo, sáng suốt khi tiếp nhận các thông tin trên mạng dưới mọi cách thức. Đây là lời cảnh tỉnh cho những ai “nhẹ dạ cả tin” vào những hình thức khuyến mãi “chỉ có trong cổ tích” như vậy.
Phạm Bằng