(Baonghean) - Chúng ta đang sống trong xã hội tiêu dùng. Hàng ngày chúng ta được các phương tiện truyền thông đại chúng "tiêm nhiễm", cổ vũ tiêu thụ các mặt hàng nhằm tăng sức mua để cân bằng với số lượng hàng hoá khổng lồ mà nền kinh tế, sản xuất dây chuyền tạo ra. Nghi vấn chuyển giá trốn thuế của Coca Cola Việt Nam vừa qua đang khơi dậy những phản ứng mạnh mẽ từ dư luận, là minh chứng cho thấy người dùng là sức mạnh cho xã hội tiêu dùng tiến lên, nhưng cũng hoàn toàn có thể huỷ diệt nó.

Về trường hợp của Coca Cola, tại sao vụ việc này lại gây tiếng vang lớn như vậy? Lý do không ngoài sự lớn mạnh của một đế chế bình dân, tồn tại từ lâu đời như là tượng đài bất khả chiến bại trong tiềm thức của người tiêu dùng. Những sản phẩm càng mang tính phổ cập, tiêu thụ rộng rãi thì phân cấp giai tầng xã hội tiêu dùng lại càng đa dạng. Nếu như một nhãn mác đồ hiệu xa xỉ, đắt tiền có thể chỉ được biết và ưa chuộng bởi một thành phần xã hội giới hạn thì những nhu yếu phẩm lại được tiêu thụ rộng khắp, từ tầng lớp bình dân cho đến giới "thượng lưu". Đó chính là điều làm nên sức mạnh của những nhãn hàng kinh điển quốc tế hoặc nội địa như Coca Cola, Pepsi, Starbucks, Omo, Colgate, cà phê Trung Nguyên... Tuy nhiên, nếu sức mạnh của những nhãn hàng bình dân phụ thuộc chặt chẽ vào người tiêu dùng thì điểm yếu chí mạng của chúng lại cũng nằm ở đó. Gây dựng nên hình ảnh và danh tiếng của một thương hiệu bình dân không chỉ một sớm một chiều, mà cần thời gian, tiền bạc, chiến lược quảng bá để phổ biến tên tuổi, đưa sản phẩm đi vào đời sống và được người tiêu dùng tiếp nhận, thu nạp thành một thói quen. Ấy vậy mà bấy nhiêu công sức chỉ cần một vết nứt nhỏ cũng có thể đánh sập cả một đế chế hùng mạnh lâu đời? Vì sao vậy?

Sức mạnh của xã hội tiêu dùng có thể bao gồm những yếu tố chính sau: sự thiếu hụt thông tin, tính truyền miệng và số đông. Sự thiếu hụt thông tin ở người tiêu dùng thực ra không đồng đều, mà phụ thuộc vào giai tầng xã hội, vị trí địa lý, giới tính, tuổi tác, trình độ học vấn, thậm chí là cả bối cảnh văn hoá - xã hội - chính trị của thị trường tiêu thụ được đề cập đến.

Có thể đến đây, các bạn đọc đang băn khoăn không hiểu vì sao sự thiếu hụt thông tin lại làm nên sức mạnh của người tiêu dùng? Nghe có chút ngược đời nhưng chính đặc điểm tưởng chừng như tiêu cực nhiều hơn là tích cực này, khi cộng hưởng với hai điều còn lại là tính truyền miệng và số đông lại đem lại quyền năng và sức mạnh không tưởng của số đông. Như vậy, nếu như vì một sự thiếu hụt thông tin nào đó mà người tiêu dùng có định kiến với một sản phẩm, sản phẩm đó sẽ dễ dàng và nhanh chóng bị tẩy chay bởi số đông người tiêu dùng và ngược lại, một sản phẩm đáp ứng được nhu cầu trước mắt (dù cho bộ máy đứng đằng sau có nhiều bất cập) sẽ tạo được hiệu ứng đám đông, được người tiêu dùng ủng hộ và củng cố vị trí trên thị trường tiêu thụ.

Qua đó có thể hiểu được vì sao những nhãn hàng nổi tiếng, những tượng đài tưởng chừng bất khả chiến bại trên trường cạnh tranh quốc tế và nội địa vẫn không ngừng đổi mới, đầu tư những khoản tiền khổng lồ vào các chiến lược quảng cáo để đảm bảo tên tuổi của mình luôn phủ sóng ở khắp mọi thị trường lớn bé. Vì người kinh doanh có tầm nhìn xa trông rộng, là người hiểu được rằng mối quan tâm của quần chúng thực ra ít khi sâu xa mà chỉ dừng lại ở lớp vỏ bên ngoài, những điều mắt thấy tai nghe. Vậy nên mới có những dòng sản phẩm được quảng cáo là thân thiện với môi trường, hoặc có liên quan đến các tổ chức, hoạt động từ thiện, nhằm chiếm lấy thiện cảm và mối quan tâm của người tiêu dùng. Thực chất những điều ấy liệu xuất phát được bao nhiêu phần từ sự nhận thức, trách nhiệm và lòng nhân đạo của các nhà kinh doanh (xin không phủ nhận hoàn toàn điều đó), hay phần nhiều là để chạy theo thị hiếu, mối quan tâm đương thời của xã hội?

Trở về với nghi vấn chuyển giá trốn thuế của Coca Cola Việt Nam làm xôn xao dư luận thời gian gần đây, xin tạm thời chưa đưa ra những phán xét về mặt pháp lý. Tuy nhiên, phản ứng của dư luận thì ai mà cấm đoán được? Khách hàng là thượng đế, thượng đế ưng hay không ưng, kẻ tôi tớ phải chịu chứ biết làm sao? Rất nhiều người đang kêu gọi tẩy chay Coca Cola, không hẳn vì họ hiểu thấu đáo nguồn cơn vấn đề, nhất là về mặt pháp lý hay hậu quả kinh tế mà hành vi trốn thuế (như đã nói ở trên, vẫn còn là nghi vấn) của Coca Cola Việt Nam gây ra cho Nhà nước. Thật ra điều gây bức xúc nhất đối với số đông người tiêu dùng là sự bất công khi những người dân thấp cổ bé họng, vật lộn bươn chải chỉ đủ lo cơm, áo, gạo, tiền mà vẫn sống trách nhiệm với cộng đồng bằng việc đóng thuế đầy đủ thì những ông lớn của nền kinh tế lại ngang nhiên "ăn trắng mặc trơn", chối bỏ nghĩa vụ của mình, dù doanh thu của họ tăng đều đều trên mồ hôi nước mắt của người tiêu dùng. Nhất là đối với một doanh nghiệp được bảo trợ bởi một thương hiệu hàng đầu thế giới thì gần 20 năm làm ăn thua lỗ nghe sao quá phi lý, điều này một thường dân cũng có thể thấy được chứ đâu cần học vấn cao siêu gì?

Tết Nguyên đán sắp đến, cũng là khoảng thời gian tiêu thụ mạnh của những mặt hàng bánh kẹo, bia rượu, nước giải khát. Với tình hình trước mắt, không khó để tiên đoán được viễn cảnh không mấy sáng sủa của Coca Cola Việt Nam Tết năm nay. Các ông tây, ông ta của Coca Cola muốn thanh minh gì thì cứ thanh minh, nhưng tin rằng nếu các ông không có câu trả lời xác đáng với pháp luật và với quần chúng, đồng thời có những động thái tích cực để xoa dịu dư luận, thì xin cứ nhìn tấm gương của Vedan và gần đây nhất là chuỗi cửa hàng Starbucks ở Anh mà làm gương. Như thế để các nhà kinh doanh biết rằng, kể cả khi luật pháp có sơ hở, có bị họ luồn lách, qua mặt thì vẫn còn một nhà tư pháp vô hình nhưng có quyền năng tối thượng, sẵn sàng lên tiếng trước những bất cập trong xã hội, ấy là người dân. Phiên toà chất vấn đã mở ra rồi, không biết họ đã chuẩn bị lời bào chữa cho mình hay chưa?


Hải Triều (Email từ Paris)