"Phải làm thật!”
Đó là quan điểm của người đứng đầu LĐLĐ Nghĩa Đàn - ông Trần Văn Dương, khi chia sẻ về vai trò của tổ chức công đoàn. Ông Dương nhấn mạnh: “Đặc thù của LĐLĐ huyện Nghĩa Đàn là ít doanh nghiệp nhưng chủ yếu là doanh nghiệp quy mô lớn với số lượng công nhân đông trên địa bàn rộng. Để khuấy động phong trào, tạo tầm ảnh hưởng và xây dựng niềm tin cho người lao động và chủ doanh nghiệp, cán bộ công đoàn phải thật sự là những người tâm huyết, nói được, làm được, làm thực chất với kết quả thực chất!”
Những ngày này, khi số lượng lao động trở về từ vùng dịch lớn, diễn biến dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, LĐLĐ huyện Nghĩa Đàn tiếp tục đồng hành cùng nhân dân và chính quyền, quyên góp nhu yếu phẩm, thực phẩm cho khu cách ly, chia sẻ cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch. Với uy tín của mình, những cán bộ công đoàn LĐLĐ huyện Nghĩa Đàn đã kêu gọi được sự ủng hộ của nhiều mạnh thường quân và nhân dân từ những địa phương khác. Ý nghĩa, nhân văn của những hoạt động này đã góp phần tạo nên dấu ấn của màu áo xanh công đoàn trong lòng người dân Phủ Quỳ.
Nhiều năm nay, vai trò chăm lo cho người lao động được Công đoàn Nghĩa Đàn cụ thể bằng nhiều chương trình thiết thực, hiệu quả. Trong tháng Công nhân 2021, LĐLĐ huyện Nghĩa Đàn đã hỗ trợ xây mới 1 nhà "Mái ấm Công đoàn" với kinh phí 40 triệu đồng; Tặng 115 suất quà, mỗi suất 500 ngàn đồng cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn; Hỗ trợ 4 triệu đồng cho 4 gia đình đoàn viên đặc biệt khó khăn; Trao tặng 4 triệu đồng cho 7 con em đoàn viên mắc bệnh hiểm nghèo; Thăm hỏi công nhân lao động khu nhà trọ và trao 21 suất quà, mỗi suất quà trị giá 300 nghìn đồng; Động viên 8 CNLĐ tại các công ty xử lý rác thải trên địa bàn, mỗi suất quà trị giá 300.000 đồng; Thực hiện chương trình “Giải nhiệt mùa hè” với 1.000 ly sữa, 600 cốc nước mía cho công nhân lao động...
Bên cạnh những chương trình chung của hệ thống công đoàn, LĐLĐ huyện Nghĩa Đàn còn khuyến khích và hỗ trợ CĐCS tổ chức nhiều hoạt động mang tính sáng tạo, lan tỏa như: hưởng ứng ngày “Quốc tế hạnh phúc” với chủ đề “Người TH hạnh phúc” (chương trình do Công đoàn Công ty CPTP Sữa TH tổ chức); tổ chức cuộc thi “Viết về người đồng nghiệp yêu quý”, hoạt động thiện nguyện “Kết nối yêu thương - lan tỏa hạnh phúc”, thi trang trí góc làm việc...
Trong Tháng Công nhân 2021, LĐLĐ huyện đã ban hành công văn, tuyên truyền công đoàn cơ sở vận động đoàn viên, người lao động tích cực trực tiếp tham gia “giải cứu” 90 tấn quýt PQ (trị giá 1,5 tỷ đồng) cho đoàn viên, nông dân huyện nhà. Cũng như nhiều hoạt động khác, hoạt động này đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Hình ảnh những gương mặt mướt mồ hôi tất tả gọi điện, vận chuyển hàng giải cứu, những áo xanh công đoàn không nề hà vất vả, quyên góp, bốc vác hàng cứu trợ người dân vùng dịch Covid-19... đã để lại ấn tượng tốt đẹp.
Quan điểm của người đứng đầu Công đoàn Nghĩa Đàn cũng chính là tinh thần của tất cả cán bộ công đoàn ở đây. Chính điều này đã tạo nên những dấu ấn đặc biệt của màu áo xanh công đoàn trên vùng đất đỏ Phủ Quỳ.
Tiên phong trong lao động sáng tạo
Không chỉ nổi bật trong Tháng Công nhân, LĐLĐ huyện Nghĩa Đàn còn được LĐLĐ tỉnh đánh giá là đơn vị dẫn đầu trong phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo.
Ở những doanh nghiệp lớn thường có sự quan tâm, đầu tư cho việc cải tiến công nghệ - đây cũng chính là một lợi thế của LĐLĐ huyện Nghĩa Đàn. Tuy nhiên, cái khó của LĐLĐ huyện là đa số người lao động chưa thật sự quan tâm đến công tác làm hồ sơ đề nghị khen thưởng, dù LĐLĐ huyện thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn. Lý giải điều này, bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang - Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Nghĩa Đàn cho hay: “Một số CNLĐ có tâm lý sợ mất thời gian, một số CNLĐ trực tiếp lại chỉ tập trung vào rèn luyện tay nghề, trau dồi chuyên môn mà chưa thành thạo về kỹ năng soạn thảo, tiếp cận văn bản nên gặp khó khăn trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để trình khen thưởng theo đúng quy định. Bên cạnh đó, một số lãnh đạo doanh nghiệp, trưởng các bộ phận còn có tâm lý lo lắng khi sợ làm lộ bí mật sáng chế của đơn vị, một số sáng kiến là công sức, tâm huyết của cả tập thể bộ phận, tuy nhiên theo quy định lại chỉ khen cho cá nhân có tỷ lệ đóng góp cao nhất nên gây khó khăn, cản trở cho việc khen thưởng đúng đối tượng”.
Nắm bắt được tâm lý và thực tế đó, LĐLĐ huyện đã bố trí 1 cán bộ chuyên trách am hiểu về công tác khen thưởng trực tiếp hướng dẫn công đoàn cơ sở và người lao động nơi có sáng kiến để tiếp cận và cập nhật, hoàn tất các quy trình thủ tục đề nghị công nhận sáng kiến. LĐLĐ huyện cũng thường xuyên thông tin, trao đổi, đề xuất với lãnh đạo doanh nghiệp để tạo điều kiện cho công nhân lao động được nhanh chóng áp dụng, tiếp cận công nghệ, mạnh dạn thử sức với những cải tiến khoa học kỹ thuật mới...
Năm 2020, huyện Nghĩa Đàn có 11 sáng kiến cải tiến khoa học - kỹ thuật của CNLĐ khối doanh nghiệp được đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng khen lao động sáng tạo với tổng giá trị làm lợi gần 20 tỷ đồng. Cùng từ sự động viên của những cán bộ công đoàn LĐLĐ huyện Nghĩa Đàn, đoàn viên, người lao động huyện đã nhiệt tình tham gia chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn Lao động tổ chức với 404 sáng kiến chất lượng, thực tế.
Chia sẻ về sự hỗ trợ, động viên của tổ chức công đoàn trong việc tạo điều kiện để đoàn viên công đoàn có những sáng kiến, ý tưởng góp phần cải tiến công việc, tăng năng suất lao động, anh Nguyễn Cảnh Tứ - Chủ tịch Công đoàn Công ty CPTP Sữa TH cho biết: “Từ sự quan tâm, sâu sát của LĐLĐ huyện, chúng tôi đã có những chính sách kịp thời động viên, khen thưởng cho CNLĐ dựa trên giá trị làm lợi của sáng kiến, tổ chức vinh danh sáng kiến tại Hội nghị Người lao động, tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh của bộ phận và công ty... Bên cạnh đó, chúng tôi cũng bố trí 1 ủy viên BCH công đoàn trực tiếp theo dõi, đôn đốc, tổng hợp sáng kiến cải tiến của NLĐ để hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận lao động sáng tạo theo đúng quy định”.