(Baonghean) - Có thể bạn không thích các làn điệu dân ca quê hương, hoặc chưa bao giờ bạn nghe trọn 1 câu ví. Nhưng rất có thể tất cả sẽ thay đổi nếu ngày nào đó khi bạn lạc lõng giữa vùng đất xa lạ với những khuôn mặt chưa bao giờ quen biết và bất chợt ngân lên trong gió câu dân ca quê hương. Bạn sẽ muốn khóc vì đã tìm thấy sự thân thuộc đâu đó giữa phương trời xa xôi.

Tôi không còn nhớ  mình đã bao nhiêu lần được nghe những làn điệu Dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Và những lúc cao hứng còn có thể “tự bạch” được vài câu ví để cuộc sống tinh thần không quá đơn điệu, nhàm chán. Tuy vậy, dường như tất cả điều này chỉ đơn thuần nhằm khẳng định cái sự “biết” của mình về  1 trong những di sản tinh thần đặc sắc nhất của quê hương. Chỉ đến khi đi qua phía bên kia biên giới, xa lạ giữa chốn người bỗng yêu, bỗng nhớ câu dân ca đến lạ kỳ. Cảm giác ấy cứ bám riết lấy tôi trong chuyến công tác dài ngày trên đất nước Lào và Thái Lan do UBND tỉnh tổ chức vào những ngày thượng tuần tháng 9. Đây là lần thứ 2 kể từ năm 2014 UBND tỉnh Nghệ An tiến hành hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại đất nước Lào và Thái Lan.
 
Hoạt động này nhằm khai thông hành lang du lịch theo tuyến đường bộ: Nghệ An  - Lào - vùng Đông Bắc Thái Lan. Vừa hay đi cùng đoàn công tác có các nghệ sỹ của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Những người làm công tác văn hóa Nghệ An muốn thêm một lần giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa tinh thần đặc sắc của quê hương.
 
 
image_8079859.jpgCác nghệ sỹ Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh biểu diễn phục vụ Hội nghị quảng bá, xúc tiến tuyến du lịch đường bộ và đường hàng không Việt Nam - Lào - Thái Lan tại Khỏn Kèn (Thái Lan), tháng 9/2015.
Buổi sáng hôm ấy khi chúng tôi có mặt tại hội trường lớn của Khách sạn Kosa ở trung tâm Thành phố Khon Kaen – tỉnh Khon Kaen (Khỏn Kèn – Thái Lan) để tham dự Hội nghị Xúc tiến quảng bá cho tuyến du lịch thì đã thấy rất đông người chờ đợi, chào đón đoàn. Họ là thương nhân, đại diện các công ty lữ hành du lịch và đặc biệt là đông đảo kiều bào, người lao động Việt Nam đang làm ăn, sinh sống trên đất Khon Kaen. Mọi người cùng ồ lên khi nhìn thấy những nghệ sỹ đến từ quê hương với khăn đóng, áo nâu sòng và rất nhiều đạo cụ đưa từ trong nước sang.
 
Trong không gian chan chứa nắng vàng ở vùng Đông Bắc vương quốc Chùa Tháp, mọi người đã trào dâng cảm xúc khi lắng hồn cùng khúc dân ca quê hương. Đã có nhiều gương mặt đầm nước mắt khi lần đầu tiên được nghe, được nhìn, được trực tiếp thưởng thức câu ví, giặm quê nhà. Dường như trong sâu thẳm tâm khảm của nhiều người đâu đó vẫn vọng vang 2 tiếng “quê hương” cho dù họ đã là thế hệ thứ 3, thứ 4 sinh ra lớn lên trên vùng đất từng được gọi “Xiêm La”.
 
Trong số những người vừa ngồi xem các nghệ sỹ biểu diễn vừa đưa tay gạt nước mắt tôi nhìn thấy 1 người đàn ông tuổi trạc 60. Hỏi chuyện hơi ngượng ngùng, ông cho biết lâu lắm rồi mới lại được trực tiếp tham gia vào bữa tiệc dân ca quê nhà. Ông là Praset, tên Việt Nam là Nguyễn Văn Bé quê gốc ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh tản cư sang Thái Lan từ năm 1970. Ông Bé nói rằng mỗi khi nghe câu hò, điệu ví đều thấy đau đáu, day nứt nỗi nhớ quê hương. Cùng với tâm trạng đó, ông Meky - Lê Văn Văn, một thương nhân chuyên sản xuất, kinh doanh đồ dân dụng tại Khỏn Kèn chia sẻ: Dù đã nghe, đã biết về Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nhưng chỉ khi được trực tiếp tiếp xúc với các nghệ sỹ thì mới thấu hết cái tình, cái nghĩa, cái đằm thắm sâu sắc của quê cha đất tổ. 
 
Trên chuyến xe vào buổi chiều muộn của đoàn công tác Nghệ An đến với Hội người Việt Nam tỉnh Khỏn Kèn, tôi ngồi bên cạnh Nghệ sỹ Ưu tú Hồng Dương  - Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca ví, giặm xứ Nghệ, anh tâm sự rằng có ra nước ngoài, có đến với bà con kiều bào mới thấy việc mình làm thật có ý nghĩa. Nghệ sỹ Hồng Dương còn nhắc 1 kỷ niệm vào năm 2014, khi anh và các nghệ sỹ trung tâm biểu diễn phục vụ cộng đồng người Việt tại Sakon Phanom, một trong những nơi tập trung kiều bào đông nhất ở Thái Lan. Khi đó anh và Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Lựu đến chợ và bất ngờ “bị” bà con phát hiện và vây quanh. Trước yêu cầu nhiệt thành của mọi người, giữa những sạp hàng với thịt, với cá, 2 nghệ sỹ đã hát bằng tất cả tình yêu gửi vào câu ví dành tặng bà con. “Mấy chục năm đi theo câu dân ca quê hương, đứng dưới ánh đèn sân khấu, đó là lần đầu tiên tôi hát giữa chợ. Hát một cách say sưa và quên hết mọi thứ” -  Nghệ sỹ Ưu tú Hồng Dương cho biết. 
Nghệ sỹ Thiên Huế đón nhận tình cảm của kiều bào.
Nghệ sỹ đưa tiếng hát phục vụ đồng bào Việt Nam ở nước ngoài không phải là chuyện mới, nhất là hiện nay việc đi lại giữa các quốc gia không phải là điều quá khó khăn. Tuy nhiên, hát Dân ca Nghệ Tĩnh ở nước bạn nhằm quảng bá về vùng đất, con người xứ Nghệ vẫn là hoạt động nhiều mới mẻ. Nghệ sỹ Thiên Huế nói rằng, từ khi sinh ra chị đã “nhiễm” làn điệu dân ca quê hương và câu hò, điệu ví ngấm vào mình lúc nào không hay. Thiên Huế đã 10 năm làm việc, cống hiến tại Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Đây là lần đầu tiên cô gái có nụ cười đằm thắm ấy được biểu diễn ở nước ngoài. “Nỏ biết răng anh ạ. Ở trong nước em đã rất nhiều lần biểu diễn trên sân khấu trước hàng ngàn người nhưng không hồi hộp, xúc động bằng ở đây. Bà con họ quý lắm, thương lắm. Có lẽ vì rứa mình hát cảm xúc hơn” - Thiên Huế chia sẻ.
 
Trong đoàn nghệ sỹ đi biểu diễn phục vụ bà con tại tỉnh Khỏn Kèn có lẽ nghệ sỹ Minh Thông có kỷ niệm sâu sắc nhất về những ngày lưu diễn trên đất Thái. Số là hôm ấy trước buổi biểu diễn Minh Thông bị cơn đau bụng dữ dội. Mọi người phải đưa anh vào cấp cứu tại Bệnh viện tỉnh Khỏn Kèn. Không muốn vì mình mà ảnh hưởng đến cả đoàn, buổi tối Minh Thông vẫn gắng dậy cùng các nghệ sỹ khác biểu diễn phục vụ bà con kiều bào. Anh nói rằng không muốn phụ lòng mong mỏi của bà con dành cho quê hương qua câu hát. 
 
Hiện nay trên đất nước Thái Lan có khoảng 100.000 người là kiều bào, người lao động Việt Nam đang làm ăn sinh sống. Trong đó vùng Đông Bắc Thái Lan có khoảng 60.000 người. Điều đặc biệt, cộng đồng người Việt Nam ở vùng Đông Bắc Thái Lan chủ yếu có quê hương, gốc gác thuộc khu vực miền Trung nước ta. Chính vì vậy, bà con hiểu và yêu hơn những làn điệu dân ca trên mảnh đất miền Trung khắc nghiệt đầy gió nắng và Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh không phải là ngoại lệ. Tình yêu của bà con kiều bào dành cho câu ví, câu giặm còn xuất phát từ tính chất Dân ca xứ Nghệ là tấc lòng của muôn lớp người con trên dải đất Lam Hồng gửi vào xứ sở; lời ca tiếng hát thoát thai, bắt nguồn từ lao động sản xuất, từ mặn chát những giọt mồ hôi. Ông Cao Văn Hợi hay còn gọi tên Thái là Naixomphon Daochon – thành viên Hội người Việt Nam tại tỉnh Khỏn Kèn cho biết quê gốc của ông ở tỉnh Hà Nam, nhưng mỗi khi nghe Dân ca Nghệ Tĩnh đều không cầm lòng được. Ông mong các nghệ sỹ Dân ca Nghệ An sẽ đến Khỏn Kèn nhiều hơn để bà con được gần gũi quê hương hơn.  
 
Ông Nguyễn An Ninh, Trưởng đoàn dân ca truyền thống - Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh cho biết, kể từ khi Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho đến nay, trung tâm đã có 5 lần được ra nước ngoài tham gia biểu diễn phục vụ đồng bào ta. Đến đâu đoàn cũng được bà con kiều bào chào đón bằng tất cả tình cảm. Ông Nguyễn An Ninh còn cho hay vào ngày 30/9 có 5 nghệ sỹ của Nghệ An bắt đầu thực hiện hành trình đưa câu dân ca quê hương phục vụ đồng bào tại Austraylia. Tham gia tour lưu diễn này có Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Lựu và Nghệ sỹ Ưu tú Tiến Dũng. “Thế mới biết câu Dân ca xứ Nghệ có sức sống và sự lan tỏa mạnh mẽ như thế nào” – ông Nguyễn An Ninh chia sẻ. 
 
Bài, ảnh: Đào Tuấn