(Baonghean) - Từ bao giờ người ta bắt đầu về họp chợ dưới chân những khu nhà cao tầng tập thể ở Quang Trung? Đó là câu hỏi mà những người thuộc thế hệ trẻ như tôi vẫn thường tự nhủ mỗi khi đi qua khu chợ đông đúc nhất nhì thành phố nhưng cũng rất đỗi bình dị này...
Chợ Quang Trung được “quây” ở chính giữa đường Quang Trung, đường Hồng Bàng và đường Lê Hồng Phong kéo dài - một vị trí hết sức “đắc địa” ở trung tâm thành phố. Tôi nhớ hồi nhỏ theo mẹ đi chợ, mẹ không gọi là chợ Quang Trung mà gọi “chợ C8”. Theo lời giải thích của mẹ thì đó là tên gọi theo khu nhà tập thể C8 Quang Trung. Chợ họp ngay cạnh nhà ở, đường ra lối vào vừa hẹp lại vừa quanh co, không có cửa chính, cửa lớn, lại càng không có biển tên như các khu chợ khác trong thành phố. Tuy vậy, đã thành thông lệ, chợ Quang Trung vẫn là sự lựa chọn yêu thích vào hàng nhất, nhì của các bà, các chị nội trợ trong thành phố. Tôi từng đem điều này thắc mắc với mẹ và nhận được câu trả lời: “Thực ra ngày xưa thành phố làm gì đông đúc, tấp nập như bây giờ. Ngay đến khu vực xung quanh bến xe nay nhộn nhịp là thế, khi xưa chỉ là khu đất hoang vắng, trống trải. Vào những thập niên 70, khu nhà tầng tập thể Quang Trung xem như được xếp vào hàng “công trình chọc trời” của thành phố. 6 khu nhà A, 6 khu nhà B, 9 khu nhà C, 2 khu nhà D quây quần quanh khu vực hai bên đường Quang Trung này là nơi ở của các cán bộ công nhân viên chức nhà nước và gia đình. Dần dà, từ một bãi đất trống đã hình thành nên “cái rốn” thu hút người dân thành phố về đây kinh doanh, buôn bán nhỏ, cứ như vậy mà họp thành chợ Quang Trung và duy trì đến tận ngày nay. Do khách mua đông nên người bán hàng không sợ ế, có thể nhập hàng mới mỗi ngày, nhờ vậy các thức đồ bao giờ cũng mới, tươi ngon. Một lý do nữa là chợ có nhiều lối vào từ ba trục đường Quang Trung, Hồng Bàng, Lê Hồng Phong (kéo dài) nên rất tiện cho người mua hàng không có nhiều thời gian ghé vào trong chợ”.
Chợ Quang Trung và những khu nhà tập thể ở đây đối với mẹ tôi và với nhiều người dân thành phố khác không chỉ đơn thuần là một địa điểm đông đúc, tụ hội của thành phố mà còn lưu giữ nhiều kỷ niệm qua từng thời kỳ thay đổi, phát triển của xã hội. Những dãy nhà tập thể Quang Trung là chứng nhân của giai đoạn đất nước đang trên đà xây dựng, phục hồi vết thương chiến tranh. Đó là thời kỳ bao cấp mà bây giờ nhắc đến, người ta thường nghĩ ngay đến những cửa hàng mậu dịch với quyển tem, phiếu và những hàng người chờ nhận thực phẩm, nhu yếu phẩm những ngày đầu/cuối tháng. Bà ngoại tôi vốn là một cô mậu dịch, một thân một mình nuôi cậu và mẹ tôi khôn lớn trưởng thành sau khi ông ngoại hy sinh ở chiến trường Lào. Bà vẫn thường kể cho tôi nghe rằng thời xưa, người ta lưu truyền câu “trai lái xe, gái mậu dịch”, ý nói rằng đây là hai nghề nghiệp “lý tưởng” nhất để chọn vợ, chọn chồng thời bấy giờ. Rồi thời kỳ bao cấp đi qua, những người như bà, như mẹ tôi lại chứng kiến sự chuyển mình đổi thay quan trọng của xã hội. Kinh tế thị trường mở cửa cho nhiều thành phần, những cửa hàng mậu dịch dần dần nhường chỗ cho các cửa hàng, hộ kinh doanh tư nhân. Có lẽ chợ Quang Trung cũng hình thành và cứ lớn thêm, đông đúc thêm từ trong thời kỳ này chăng?
Ngày nay, khu nhà tập thể Quang Trung cũ kỹ có phần mâu thuẫn, tách biệt với cảnh quan đô thị hiện đại. Những toà nhà cao tầng với cửa kính, với cầu thang máy thi nhau mọc lên, khiến cho những dãy nhà A, B, C, D thuở xưa bỗng hoá nhỏ bé, khiêm nhường nép mình vào một góc rất xưa, rất cổ, chứng kiến hơi thở thời đại thổi vào thành phố những đổi thay từng ngày. Như những chứng nhân già nua, cũ kỹ của một thời đã qua, một thời đã xa và không còn hiện hữu, không còn tồn tại trong tâm trí của thế hệ hôm nay, ngày mai, những dãy nhà tập thể ấy để lại cho những người trẻ một sự tò mò và những câu hỏi bỏ ngỏ. Một cái nhíu mày khi nghĩ đến sự đối lập tương phản giữa cũ và mới, già và trẻ. Cần hay không cần, giữ lại hay xoá bỏ, đó có thể là một câu hỏi ngây thơ của đứa trẻ trước một sự vật mà nó chưa từng biết để hiểu, để yêu, để nhớ. Cũng câu hỏi đó, sẽ lại rất khó khăn, đôi khi là cả sự chua xót đối với những người đã đi qua một thời…
Tôi vẫn nhớ hồi còn nhỏ khi được mẹ cho đi theo vào chợ Quang Trung, thường ghé hàng bán đậu pha của một bác đã luống tuổi ở ngay gần lối vào chợ. Từ bé cơ địa tôi đã yếu, hay ốm vặt và bị nhiệt trong người nên mẹ tập cho tôi thói quen ăn những thức đồ từ các loại hạt, rau củ có tính hàn, giải nhiệt, giải độc, trong đó có đậu pha và đậu nành. Chiều nào ghé qua chợ tôi cũng được mẹ cho nán lại ở hàng đậu pha, ăn thả cửa trong lúc chờ mẹ vào chợ mua đồ. Mãi đến sau này, khi đậu pha, đậu nành không còn được người ta ưa dùng mà thay vào đó là các loại đồ ăn, thức uống chức năng ngoại nhập, tôi vẫn thường vẩn vơ nhớ lại hương vị mộc mạc nhưng rất thật, rất dịu dàng của một bát đậu pha trắng ngần nhỏ vài giọt tinh dầu chuối thơm lừng vào một chiều mùa hè oi ả. Mới đây có dịp ghé lại chợ Quang Trung, ngạc nhiên thấy hàng đậu pha vẫn còn đó, nhưng người bán hàng không phải là người đàn bà luống tuổi năm xưa. Cô thiếu nữ ngày nào còn quanh quẩn phụ mẹ bán hàng, giờ bàn tay múc đậu, chắt sữa đã thành thạo lắm rồi. Tôi kéo ghế ngồi lại bên gánh hàng nhỏ, gọi một bát đậu pha và một cốc sữa đậu nành. Hương vị năm xưa vẫn vẹn nguyên, ngay đến nụ cười của cô con gái cũng như lưu giữ lại vẻ hiền hậu, dịu dàng của bà mẹ năm xưa, khiến người ta thấy ấm lòng mà muốn xích gần lại để được thấy, được nghe những tiếng vọng của một dĩ vãng đáng yêu, đáng nhớ...
Chợ Quang Trung vẫn đông đúc như thưở nào, chỉ có những dãy nhà tập thể xưa nay đìu hiu, trầm lắng hơn nhiều. Dưới chân những toà nhà cũ kỹ ấy, vẫn còn nguyên những tiệm may, những hàng quán nhỏ mà nhìn biển tên đã thôi đã thấy một cảm giác hoài cổ ùa về trong tâm trí. Không ít những hàng quán mới mọc lên, chiều chiều thu hút về đây một số lượng lớn thanh thiếu niên thành phố. Các em ngồi thưởng thức các món ăn vặt đường phố, vừa tán chuyện rôm rả. Chắc các em không mảy may biết rằng nơi mình đang ngồi, đang dựa vào, vốn có sự tích, ngọn nguồn như thế nào, lại càng không hiểu được nỗi nhớ nhung, khắc khoải của những người thuộc thế hệ đi trước. Chiều nay có cụ già ngồi dưới chân nhà C8 Quang Trung, nhấp ngụm nước chè chát, thấy như chát đắng cả lòng khi mường tượng đến cảnh mai đây khi những dãy nhà này sẽ được thay thế bởi những công trình hiện đại, mới mẻ, phù hợp hơn và đồng bộ hơn với toàn cảnh thành phố.
Nhưng rồi cũng không níu giữ mãi được đâu, vì chẳng gì hữu hình mà tồn tại mãi được cùng với thời gian. E rằng chỉ có nỗi niềm nhớ thương, trân quý là sẽ in dấu mãi trong tâm khảm của những người đã sống, đã nhìn thấy, đã gắn bó với một thời quá khứ. Mai đây khi không còn những dãy nhà tập thể nữa, cái tên sẽ đi theo khu chợ này mà nán lại ít lâu trong tâm thức của người dân thành phố. Những cô con gái rồi sẽ lớn lên, sẽ nối chân mẹ mà tìm đến chợ Quang Trung, hay gọi thân thiết hơn là chợ C8 này, để bán hay để mua - không quan trọng. Điều đáng nói nhất là ở khu chợ đó, người ta thấy hiện lên rõ ràng sự chuyển giao, kế thừa và tiếp nối giữa thế hệ này qua thế hệ khác. Giữa xã hội cũ và xã hội mới, giữa mẹ và con, giữa cổ xưa và hiện đại, tất cả tạo nên vòng xoay đều đặn của cuộc sống, để nhịp đập hơi thở của thành phố cứ thế mà kéo dài mãi, không ngừng lại bao giờ...
Thục Anh