"Ai muối không...!" Tiếng rao khàn đục, buồn buồn vọng từ đầu làng, khối phố. Bán tại ruộng thì giá quá thấp. Diêm dân đành thồ muối bằng chiếc xe đạp cà tàng, đi trên những nẻo đường hun hút gió mưa, nắng cháy để mưu sinh...
Nghề bán muối rong tập trung nhiều nhất ở các xã Diễn Ngọc, Diễn Vạn, Diễn Bích (Diễn Châu). Khi trời vừa tảng sáng là những chiếc xe đạp chở muối nối đuôi nhau lên đường. Họ rong ruổi từ miền xuôi lên tận miền sơn cước, tối đâu ngủ đó, bán hết muối mới trở về làng. Cả xã Diễn Vạn ai cũng biết đến hoàn cảnh gia đình anh Sinh. Bán muối rong ở Diễn Vạn (Diễn Châu)
Vợ đau yếu, 4 đứa con nheo nhóc, miếng cơm manh áo, thuốc thang cho vợ đều phụ thuộc những chuyến xe thồ muối của anh. Rồi một trưa nắng rát, anh Sinh đẩy xe muối lên lưng chừng dốc Truông Vên (Tân Kỳ), thì bất ngờ quỵ xuống đột tử. Người làng kể lại do "sức tàn, lực kiệt" anh vẫn gắng gượng chở muối qua dốc nên đã "đứt hơi". Ven đường vào xóm Vạn Nam có một căn chòi nhỏ, ở đó chị Đặng Thị Lý một người đàn bà tật nguyền không chồng con đang ngồi như hoá đá.
Nhớ về tuổi thanh xuân nước mắt chị rơm rớm: Làm nghề muối từ thuở 13, tuổi thanh xuân đẹp mặn mòi hương biển, hơn 7 năm đi thồ muối chị đã đi hết Kẻ Dinh, Kẻ Gám, Kẻ Mòi...Trong một lần bị ngã xe chở muối, đôi chân chị cứ quắt dần rồi trở thành... đơn độc, sống bằng tình thương yêu đùm bọc của người làng. Hay mới đây, giữa trưa hè nắng gắt, tại đội 9 xã Xuân Thành (Yên Thành), người ta thấy một thanh niên gầy gò đổ vật ra giữa đường cùng xe muối. Người làng cõng anh vào nhà xoa bóp hồi lâu mới tỉnh. Dân làng thương tình, kẻ ít người nhiều, họ mua cho anh hết cả bao muối.
Chị Vũ Thị Quyên ở xóm Vạn Nam - Diễn Vạn, kể: Nhiều phụ nữ ở Diễn Vạn bụng mang, dạ chửa vẫn cứ đi bán muối rồi đẻ rớt trên đường. May mà trời thương nên vẫn "mẹ tròn, con vuông". Chị tâm sự: Thân gái dặm trường đi bán muối rong cực lắm anh ạ. Chở một lúc 2 bao muối nặng trên 100 kg, đạp xe đi Yên Thành rồi ngược lên tận Anh Sơn, Thanh Chương, vào TP. Vinh. Áo lúc nào cũng ướt đầm đìa vì mồ hôi, rao khản cả giọng có khi chẳng bán hết muối. Nhiều hôm phải vào nhà dân xin ngủ nhờ, hoặc ngủ ở nhà kho để ngày mai bán hết muối mới trở về làng. Đổi lại những bì muối nặng lúc ra đi, là mớ tiền lẻ trong túi, hoặc thậm chí cả thóc, cả ngô được "đổi ngang". Mấy bữa trời mưa rả rích không có muối, chị Quyên phải sang tận An Hoà - Quỳnh Lưu để mua muối với giá 100.000 đ/tạ. Chịu khó rong ruổi cả hai ngày trời, chị lãi được 50.000 đồng đến 70.000 đồng. "Bèo bọt lắm nhưng không đi bán muối thì lấy gì để nuôi con...". Chị Quyên than thở.
Ngoài dùng xe đạp đi bán muối loanh quanh ở các huyện lân cận, những năm qua diêm dân Diễn Vạn đã năng động "đánh bắt xa bờ", 5-6 gia đình gom muối lại thuê một ô tô chở muối lên tận các huyện rẻo cao như Con Cuông, Kỳ Sơn, Tương Dương, sau đó dùng xe máy chở vào các bản làng để bán. Anh Vũ Hoàng Hải 30 tuổi ở xóm Vạn Nam kể: "Riêng gia đình anh thuê một xe tải chở 5 -6 tấn muối lên Tương Dương, tập kết tại thuỷ điện Bản Vẽ. Chi phí vận chuyển mất từ 2,5-3 triệu đồng".
Từ đây, hàng ngày anh Hải dùng xe máy chở hơn 100 kg muối vào các xã vùng sâu như Yên Hoà, Yên Tĩnh, Nga My, Xiêng My đi bán. Đi bán muối kiểu này vất vả vô cùng, chở muối vượt qua những con dốc dựng đứng, nhiều bữa mưa gió đường trơn trượt, bị ngã xe là "chuyện thường ngày". Hải còn mang muối lên xuồng theo lòng hồ vào những xã xa nhất của Tương Dương như Nhôn Mai, Mai Sơn... Trong này không có đường xe máy, anh phải dùng sức người hết cõng, rồi vác bao muối nặng hơn 50 kg vào tận các bản Piêng Cọc, Phá Kháo của người Mông. Hải kể: "Đưa được muối vào tận nơi "khỉ ho cò gáy này" bà con trả cho giá khá cao - hơn 3000 đ/kg muối. Họ tình cảm lắm, có gia đình còn nấu cơm cho ăn, cho ngủ nhờ". Khoảng vài chục ngày mới bán hết xe ô tô muối, rồi Hải lại hành trình lên huyện Kỳ Sơn theo thượng nguồn dòng Nậm Mộ vào tận Mường Típ, Mường Ải, bán muối cho bà con, rồi công trường đường tuần tra biên giới.
Anh Minh Tuấn - cán bộ khuyến nông xã Diễn Vạn cho biết: Cả xã Diễn Vạn có 370 hộ làm nghề muối, thì mỗi hộ gia đình đều có một người theo nghề bán muối rong, trong số đó thì phần đa là phụ nữ. Dẫu nghề này cực nhọc gian truân nhưng bao đời nay họ vẫn cùng với những chiếc xe đạp thồ muối lên đường vì có đi bán xa mới kiếm được thêm đồng thu nhập. Bán tại làng thì tư thương ép giá bèo bọt.
Trời chính ngọ. Nắng như thiêu như đốt, tôi vẫn nghe tiếng rao muối ngoài ngõ. Giọng rao vời vợi lan trong gió Lào bỏng rát. Đời... rao muối đang hành trình trên con đường vạn dặm đầy gian khó.