Bà Thu, vợ ông Phiên ở xóm 6, xã Lăng Thành (Yên Thành) vừa mua 20 con vịt về thả vào khu vực chuồng trại nuôi lợn, bộc bạch: Chú coi từ khi lợn bị dịch tai xanh đến nay đã 5 tháng nhưng chuồng trại vẫn bỏ không, vì sau khi hết dịch, lợn giống quá đắt. Một con lợn giống trên dưới 10 kg có giá trên 1 triệu đồng, mà đã nuôi ít nhất cũng phải 3 - 4 con cho bõ công.
Vợ chồng làm nông nghiệp, lại phải nuôi 3 đứa con đang theo học cao đẳng, đại học, lấy tiền mô mà mua lợn giống nữa. Không có lợn giống nên đành bỏ chuồng không, nhà nông thức ăn dư thừa từ sản phẩm nông nghiệp lúc nào cũng có, lãng phí quá. Nóng ruột, sáng nay tôi tìm mua đàn vịt thả vào chuồng lợn để tận dụng thức ăn dư thừa.
Tìm hiểu được biết, không riêng gì gia đình bà Thu, mà nhiều gia đình khác ở huyện Yên Thành, đặc biệt là những địa phương trọng điểm "dịch tai xanh" hiện nay cũng rơi vào tình cảnh "chuồng không, trại trống".
Những hộ có điều kiện đầu tư thì nơm nớp lo sợ dịch bệnh tái diễn, trong khi thức ăn gia súc tăng cao. Phải chăng đây là nguyên nhân chính dẫn đến thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trên thị trường trong thời gian qua, khiến cho giá thịt lợn tăng cao! Các địa phương cần có giải pháp để tái tạo nhanh đàn lợn, đặc biệt là các trại sản xuất lợn giống để cung ứng cho người chăn nuôi.