Giá thịt lợn tại các chợ  ở Hà Nội vẫn giữ nguyên mức cao của đầu tháng 7 cho dù trước đó Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) dự báo mặt hàng này sẽ ‘hạ nhiệt’ vào tháng 8.

Tại chợ Phương Mai , mỗi cân thịt nạc thăn vẫn có giá 140.000 đồng, thịt mông sấn giá 120.000 đồng, thịt ba chỉ từ 110.000 đồng đến 120.000 đồng. Tại các chợ Mơ, Quỳnh Mai, Nguyễn Công Trứ đều có giá tương tự.

Giá thịt lợn trong các siêu thị còn cao hơn như vậy. Ghi nhận tại Big C Thăng Long, giá mỗi kg thăn chuột là 146.000 đồng; đắt hơn 1.000 đồng so với nạc thăn và ba rọi. Rẻ hơn là nạc đùi giá 124.900 đồng; bắp heo không xương giá 135.000 đồng một cân.

768019_small_65712.jpg

              Giá thịt lợn tháng 8 vẫn giữ ở mức cao. Ảnh: Xuân Ngọc

Mặt bằng giá này không thay đổi so với thời điểm thịt lợn đắt nhất vào tháng 7.
Khảo sát của VnExpress.net tại các chợ đầu mối cho thấy, giá thịt lợn đã bắt đầu giảm từ 2.000 đồng đến 5.000 đồng mỗi kg so với tháng trước. Nạc thăn không mỡ, giá 120.000 đồng, mông sấn, ba chỉ có giá 85.000-95.000 đồng mỗi kg.

Song, mức hạ đó vẫn chưa thấm vào đâu so với giá lợn hơi giảm trong vòng một tháng qua. So với giữa tháng 7, hiện nay, lợn hơi tại miền Bắc đã rẻ hơn 4.000 - 9.000 đồng một cân (từ 68.000-73.000 đồng xuống 63.000 đồng); tại miền Nam giá xuống còn 55.000 - 57.000 đồng mỗi kg, thay cho 58.000-60.000 đồng cho lợn thịt hơi xuất chuồng cùng chủng loại.

Như vậy, giá thu mua từ người nông dân đã giảm khoảng 8% nhưng qua nhiều khâu trung gian như vận chuyển, giết mổ, phân phối, ... người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn với giá rất đắt.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, ông Nguyễn Văn Đồng cho rằng, thời gian gần đây, dịch bệnh chăn nuôi đã được khoanh vùng, khắc phục nên nguồn cung nhiều hơn. Nhưng theo ông cần phải chờ thời gian giá mới có thể giảm bởi từ lúc tái đàn cho tới khi xuất xuống không thể nhanh như mong muốn.

“Phải kết hợp đồng bộ nhiều biện pháp từ chăn nuôi, phòng dịch bệnh, phân phối, kiểm soát giết mổ...thì giá thịt mới giảm. Hiện nay, giá lợn hơi đã giảm. Đó là dấu hiệu cho việc ‘hạ nhiệt’ mặt hàng này trong thời gian tới”, Phó Giám đốc Sở cho biết.

Nguyên Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ông Nguyễn Đăng Vang cho rằng, giá thịt lợn trên thị trưởng đã có dấu hiệu giảm nhưng còn rất hạn chế nên người tiêu dùng khó lòng nhận thấy. Ông dự báo, đến cuối tháng 9, giá thịt lợn mới hạ rõ rệt. Và từ nay đến cuối năm, giá mặt hàng sẽ còn giảm.

Theo tính toán của ông, một con lợn từ khi bắt đầu đưa vào nuôi đến lúc xuất chuồng mất khoảng 5 tháng. Thịt trên thị trường hiện nay chủ yếu là lứa chăn nuôi từ tháng 3, tháng 4. Khi đó, số lượng vẫn chưa nhiều do hậu quả sau dịch. Nhưng bắt đầu từ tháng 5, khi giá lợn hơi ở thời điểm đó là 60.000 đồng thì nhiều người đã tái đàn. Đến tháng 6 vừa rồi, giá thịt tiếp tục tăng, nông dân có điều kiện đã mở rộng quy mô sản xuất.

"Tất cả những đàn lợn của tháng 5, tháng 6 sẽ được xuất ra thị trường vào cuối tháng 9 và tháng 10. Nguồn cung dồi dào, giá thịt từ cuối tháng 9 sẽ giảm rõ rệt", ông Vang nói.

Đây cũng là lý do khiến ông Vang tin từ giờ đến cuối năm, đặc biệt là dịp Tết, thị trường sẽ không thiếu thịt. Bởi khi giá thịt lập đỉnh hồi tháng 7, nhiều hộ nông dân tái đàn. Lứa lợn đó sẽ xuất ra thị trường vào tháng 12 tới đây. Song, chuyên gia này khuyến cáo, việc đưa con giống vào chăn nuôi lấy thịt cần có sự định hướng, tính toán, tránh lặp lại tình trạng thừa cung khiến giá lại rớt thê thảm, người chăn nuôi bị thiệt hại.

Thêm đó, theo Nguyên Cục trưởng Cục chăn nuôi, khi giá thịt lợn trong nước ngang với Trung Quốc như hiện nay, tình trạng xuất lợn qua biên giới sẽ không còn. Ông Nguyễn Đăng Vang phân tích: “Giá lợn của Việt Nam như hiện nay cộng với vận chuyển, chi phí, thương lái Trung Quốc không thu mua nữa, hàng tập trung phục vụ trong nước nên thời gian tới không lo thiếu nguồn cung như mấy tháng trước. Nhờ vậy, giá cũng rẻ hơn”.

Giải thích về lý do khiến giá thịt lợn hơi đã giảm, nhưng giá tại các chợ dân sinh chưa hạ, chuyên gia này cho rằng, các thương lái trung gian và người giết mổ thủ công, tự phát đã ghìm giá, chưa chịu xuống theo giá thu mua. Nhưng ông cho rằng, thị trường cạnh tranh kinh doanh tất yếu sẽ kéo giá thịt lợn xuống trong thời gian tới.

Tỷ lệ tăng trưởng thịt lợn hàng năm của Việt Nam là 5-9%. Năm 2010, con số này đạt 7,4%. Năm 2011, theo ước tính, tổng số thịt lợn trên thị trường phải tăng 8,6 % mới đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Nhưng do dịch bệnh nên tỷ lệ này bị giảm đáng kể. Thêm đó, một lượng thịt lợn đã bị tiểu thương thu gom xuất sang Trung Quốc trong thời gian vừa qua. Những nguyên nhân đó khiến nguồn cung trong nước bị thiếu hụt trong 6 tháng đầu năm 2011 và giá tăng cao như vậy.


(Theo VnExpress)