(Baonghean) - Vào năm học mới, lại nghe nhắc những Huồi Mới, Huồi Xái, Nậm Tột, Mường Lống, Pà Khốm, Huồi Luống… những tên bản thẳm xa của xã biên viễn Tri Lễ (Quế Phong) từng một thời “nổi tiếng” là bản 3 không, 4 không.

Trước thềm năm học mới, theo chân các giáo viên lên kiểm tra cơ sở vật chất các điểm trường, mới thấm thía phần nào những nhọc nhằn của hành trình “cõng” chữ lên non.

Hành trình vượt dốc

Từ TP. Vinh, vượt qua chặng đường gần 250km, chúng tôi chạm đất vùng biên Tri Lễ. Mây nặng trĩu dọc đường đi, đến khi vào được Trường Mầm non Tri Lễ, cơn mưa rừng đã ào ào trút xuống. Cô giáo Lê Thị Minh - Hiệu trưởng Trường mầm non bảo: Ở đây mùa này là thế, thoắt nắng, thoắt mưa. Mưa rừng càng “to cơn” càng chóng tạnh, nhưng đường sá đến các điểm trường vẫn lầy lội lắm.

“6 điểm trường lẻ là nơi học của học sinh 8 bản người Mông: Huồi Mới 1, Huồi Mới 2, Huồi Xái 1, Huồi Xái 2, Nậm Tột, Mường Lống, Pà Khốm, Huồi Luống. Nếu trời nắng to vài ngày thì đảm bảo sẽ dẫn nhà báo đi bằng hết các điểm trường, nhưng mưa như thế này thì đi nhiều chỗ phải bì, có khi vào rồi lại không ra kịp... Ta đi Pà Khốm thôi nhé” - cô giáo Minh quyết định.

1503397388662.jpgĐiểm trường Pà Khốm, Trường Mầm non Tri Lễ (Quế Phong). Ảnh: Phước Anh

Ngồi sau xe máy của 2 giáo viên được xem là chắc tay lái nhất trường, chúng tôi bắt đầu hành trình lên Pà Khốm cheo leo nằm ở độ cao 1.000m so với mực nước biển. “Ôm chặt vào!” - cô Bé, Hiệu phó dặn đi dặn lại. Những con dốc lên các bản đồng bào người Mông nhiều vô kể, mà dường như dốc nào cũng được gọi bằng cái tên “dốc số 1”.

Gọi thế là bởi xe máy leo dốc chỉ cắm cúi cài số 1 mà… bò lên, tiếng máy chạy rì rì vang vọng suốt quãng đường rừng thinh vắng. Một bên vực sâu hun hút, một bên cheo leo vách đá tai mèo, gió thổi cóng tai khi quãng đường di chuyển ngày càng ngắn lại. Cô giáo Bé vừa đi, vừa kể chuyện ngắt quãng: “Thời tiết trên này khắc nghiệt lắm, giữa trưa mùa hè nắng chang chang nhưng trở chiều là đổi gió ngay, đêm hè cũng phải đắp chăn bông”. 

Các giáo viên cắm bản nói, nay đường vào Pà Khốm đã “sướng” hơn nhiều. Bởi cách đây độ hơn 1 năm, phong trào mở đường vào bản Mông của lực lượng đoàn viên, thanh niên huyện Quế Phong đã vỡ ra thêm một khoảng sải tay cho những cung dốc ngoặt.

Cũng chỉ hơn có thế thôi, còn đá núi lởm chởm, ổ voi trơn tuột chực chờ bẫy người, những đường hằn đất đỏ gồ lên, lõm xuống theo từng triền dốc thì dường như vẫn tệ như trước. Đang đi, xe của cô giáo chở đồng nghiệp phía trước ngã ập xuống về bên vực thẳm. “May quá không sao, có đường hào giao thông giữ lại” - đồng nghiệp trấn an.

Toát mồ hôi vật cả xe, cả người đứng dậy, may có mấy phụ huynh người Mông đi rẫy ngang qua đỡ một tay. “Sợ không nhà báo? Chúng tôi gặp chuyện này thường xuyên, chân tay cô giáo nào cũng có sẹo kỷ niệm đường rừng, còn xe máy thì thay xích, siết phanh, đổi lốp suốt vì leo dốc nhiều” - cô Bé, Hiệu phó nói.

"Gọi" học trò đến trường

Cách trường chính 20km, điểm Trường Mầm non Pà Khốm chơ vơ 2 túp lều trên đỉnh núi. Một lều dành cho trò học chữ, một lều là nơi nghỉ ngơi của cô giáo. Nghe nói, cơn bão số 2 vừa quét qua mấy tháng trước đã tốc hết cả 2 túp lều, giáo viên mới đi vận động phụ huynh góp tranh tre, gỗ tạp dựng lên lại.

Chưa tựu trường, học sinh còn theo cha mẹ đi nương rẫy, sương mù len theo những khe hở vách gỗ vào lớp học, khiến mùi ngai ngái của nền đất ẩm sau mưa, mùi ẩm mốc lưu cữu của bốn bề tranh nứa xộc lên. Cô Hiệu phó loay hoay mở cửa phòng học - cửa được ghép bằng 4 tấm ván gỗ xộc xệch. “Cũng chẳng có gì quý giá để cất giữ đâu, đóng cửa để gà lợn của dân bản xung quanh khỏi vào phá phòng, cũng là để tránh chút sương gió trên đỉnh Pà Khốm này thôi”.

Cơ sở vật chất nghèo nàn bên trong điểm trường Pà Khốm. Ảnh: Phước Anh

Phòng học vỏn vẹn khoảng 15m2, là nơi học tập của 10 trẻ. 1 chiếc bàn gỗ nhỏ để giáo cụ, 1 tủ gỗ long cánh vỡ đáy để chút ít đồ dùng cho trẻ, chục chiếc ghế nhựa xanh chỏng chơ, hai con ngựa nhún là quà tặng của một nhóm thiện nguyện mấy năm trước, nay đã long ốc vít nằm ngả nghiêng.

Phòng học đơn sơ chỉ quét mắt một vòng đã hết. Điểm trường Pà Khốm là “điển hình” của các điểm trường 3 không: không đường, không điện, không nước sạch. Không có điện, giờ học buổi chiều của cô và trò nơi đây thường xuyên mờ mịt vì sương. Không nước sạch, trẻ người Mông chạy ào xuống khe nước cạnh trường uống vã. Bao năm như thế, khổ đã thành quen.

Đường lên Pà Khốm gập ghềnh, dốc cao trơn trượt. Ảnh: Phước Anh

Nếu như thời điểm này, ở các trường mầm non thành phố đang xôn xao bốc thăm, chọn trường chọn lớp cho con, thì với những điểm trường tột cùng xa như Pà Khốm, các giáo viên vẫn cặm cụi gõ cửa từng nhà để động viên học sinh tới trường. Đi vận động học sinh phải đi vào giờ khuya, bởi đặc thù người Mông làm nương rẫy ở xa, buổi ngày không có ai ở nhà.

Đường rừng thăm thẳm, chỉ có ánh sáng từ chiếc đèn pin và tiếng bước chân của cô giáo bản. Ở đây, vào đầu năm học mới, việc các giáo viên bỏ tiền túi mua sách vở, áo quần, trực tiếp đến nhà làm giấy tờ nhập học cho học sinh là chuyện thường xuyên. Vài năm lại đây, dạy học ở các bản người Mông đã có phần thuận lợi hơn, bởi một số điểm trường đã có biên chế giáo viên người Mông về cắm bản.

“Thuận tiện về ngôn ngữ, phong tục tập quán, trao đổi với học sinh và phụ huynh tốt hơn. Hiện Trường Mầm non Tri Lễ đã có 3 giáo viên người Mông được phân công dạy tại 3 điểm trường, còn thiếu 3 giáo viên nữa, chúng tôi đang mong chờ biên chế năm nay” - Hiệu trưởng Lê Thị Minh cho biết.

Trường Mầm non Tri Lễ hiện có 23 nhóm lớp, 581 học sinh, trong đó 150 học sinh là con em đồng bào dân tộc Mông, còn lại là dân tộc Thái và Khơ mú. Toàn trường có 23 phòng học, trong đó chỉ có 4 kiên cố, 4 bán kiên cố, còn 14 phòng học bằng tranh tre, nứa lá…

Phước Anh - Chu Thanh

TIN LIÊN QUAN