(Baonghean) - Trong 43 năm công tác, chiến đấu và cầm phấn trên bục giảng, có lẽ 5 năm đầu đời dạy học (1961 - 1965) ở Trường cấp 3 Quỳnh Lưu là khoảng thời gian để lại nơi tôi nhiều kỷ niệm khó phai mờ.
Nhớ những ngày đầu tháng 9/1961, trời miền Trung mưa tuôn sầm sập, rả rích suốt mấy tuần liền, nước ngập trắng đồng, trắng cả sân trường. Lúc này, Trường cấp 3 Quỳnh Lưu mới có quyết định thành lập, cơ sở chính là ngôi trường cấp 2 của huyện với 8 gian nhà tranh nằm phía Bắc thị trấn Cầu Giát. Sau mấy tháng hè, sân trường cỏ mọc lút gối, chìm rạp dưới nước mưa. Dãy nhà tập thể của giáo viên và các lớp học, mái thủng lỗ chỗ, phên vách xiêu vẹo, cọt kẹt mỗi lần cơn gió thoảng qua. Nhìn tình cảnh này, bao khí thế hừng hực trong lá đơn đề nguyện vọng "tam bát kỳ" ngày thi tốt nghiệp của anh sinh viên trẻ tiêu tan đâu hết.
Thế rồi mưa cũng tạnh, gió cũng ngừng, trời bắt đầu hửng nắng. Ngày tập trung học sinh đầu năm học đã đến. Từng tốp các em từ Hoàng Mai, Văn-Thạch-Hậu vào; từ bãi ngang Lương-Minh-Bảng, đồng chiêm Bá-Hưng-Ngọc lên; vùng núi Tam-Châu xuống; Lâm-Giang- Diễn ra ... chuẩn bị cho ngày khai trường. Chỉ mấy ngày, thầy trò dọn dẹp, buộc lại mái tranh, thưng lại vách nứa, phát quang cỏ dại, trường lớp trở lại khang trang. Sự hân hoan, háo hức thể hiện rõ trên từng khuôn mặt, từ cán bộ huyện đến phụ huynh và đặc biệt là học sinh. Từ nay huyện Quỳnh Lưu, ngay trên quê nhà đã có trường cấp 3 - cấp học cuối cùng của giáo dục phổ thông. Tuổi trẻ Quỳnh Lưu như được chắp cánh ước mơ, toại nguyện vẫy vùng trên bầu trời tri thức. Tất cả niềm hân hoan, hồ hởi ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho lòng yêu nghề, yêu trẻ để các thầy vững bước vươn lên.
Năm học đầu tiên (1961 - 1962), Trường chỉ có 3 lớp 8 (lớp 10 ngày nay) với 138 học sinh, nên vẫn còn nối thêm 6 lớp cấp 2 (344 học sinh). Số giáo viên chính thức dạy cấp 3 chỉ có 6 người: thầy Nguyễn Văn Diệm, thầy Nguyễn Tường Lân (Văn); thầy Nguyễn Trung Diễn (Sử); thầy Đinh Ngọc Hồ, thầy Trần Cường (Toán); thầy Trần Đức Lâng (Thể dục).
Năm thứ hai (1962-1963) Trường có 6 lớp với 130 học sinh lớp 8, 161 học sinh lớp 9, ngoài 6 thầy giáo cũ còn có thêm nhiều thầy cô mới: Phan Bá Hàm, Nguyễn Đức Quýnh (Văn); Lê Đình Trác, Trần Văn Thuyết (Chính trị); Nguyễn Thị Năm, Bùi Xuân Vỹ (Ngoại ngữ); Phan Long (Toán); Nguyễn Đăng Xuân (Lý); Hoàng Ất (Hóa); Nguyễn Hữu Long (Sinh).
Năm học thứ ba (1963 -1964), Trường có đầy đủ các khối: 9 lớp-415 em, giáo viên được bổ sung, có thêm một số thầy: Nguyễn Văn Quang, Lê Văn Tăng, Phan Hoãn, Vương Đình Lợi... Văn phòng năm đầu tiên là thầy Nguyễn Văn Nho, từ năm 1962-1963 trở đi là cô Ngô Bạch Mai thay thế. Hè năm học này, Quỳnh Lưu có "mẻ gang" đầu tiên ra lò, đó là gần 130 em học sinh lớp 10 dự thi tốt nghiệp tại cụm thi Trường cấp 3 Diễn Châu, với 5 môn thi thì 2 môn Hóa và Sử thi vấn đáp. Tuy là "mẻ gang" đầu, song Trường tốt nghiệp trên 80%, ngang bằng các trường trong tỉnh.
Năm học thứ tư (1964 - 1965) cuộc chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ ra miền Bắc ngày càng khốc liệt, số lớp vẫn giữ như trước, số giáo viên mới về trường ít hơn, nhà trường chuyển sang hoạt động theo thời chiến, hầm hào đào ngang dọc chi chít khắp sân trường. Học sinh đi học đội mũ rơm, tấm áo choàng ngụy trang loang lổ phẩm nhuộm. Các thầy cô giáo trẻ đều đứng trong đội tự vệ của trường, quần âu cắt ống, áo trắng nhuộm màu, mỗi người được trang bị một khẩu súng trường, ngày ngày cùng dân quân Cầu Giát chiến đấu khi máy bay Mỹ đến dội bom đánh phá nhà ga, cầu, bệnh viện, nhà bưu điện... Khi tiếng máy bay ngớt, tối tối các lớp học lại đỏ đèn "sôi" Văn, "nấu" Toán, thầy miệt mài giảng dạy, trò cần mẫn học tập. Học từ 7 giờ đêm không xong, trường chuyển sang học từ 2 giờ sáng, rồi sơ tán về Quỳnh Bá. Cuối năm đó, gần 150 học sinh được nhà trường xét tuyển sang học tập tại các nước XHCN. Cùng với các khóa học sinh sau này, hàng trăm cán bộ có học hàm, học vị, hàng ngàn cán bộ có trình độ đại học từ mái trường này đã đến làm việc khắp mọi cơ quan của Đảng, Nhà nước. Thật tự hào biết bao.
Do số giáo viên nhiều năm liền không đủ, nhất là hai năm đầu, Ty Giáo dục phải điều các thầy từ cấp 2 lên dạy. Với tinh thần trách nhiệm cao, với lòng say mê yêu nghề, các thầy: Chu Trọng Huyến (Sử), Đặng Cơ Mưu (Lý), Ngô Đạt Động (Hóa, Sinh)... vẫn đảm bảo mặt bằng kiến thức để các em thi tốt nghiệp đạt kết quả cao. Đặc biệt trong những năm học ấy, hoạt động xã hội của trường gắn với phong trào sôi sục của quê hương thật sự đáng ghi nhận. Liên tiếp nhiều năm liền nhà trường tổ chức cho học sinh lên vùng đồi núi Quỳnh Châu, Quỳnh Tam khai hoang, trồng cây lương thực, đào đắp hồ thủy lợi; về Quỳnh Hưng, Quỳnh Ngọc thực hiện chuyển giao kỹ thuật nuôi bèo hoa dâu, trồng lúa cho thanh niên địa phương. Tuy mệt nhọc, vất vả nhưng sự gắn bó tình cảm giữa thầy, trò và nhân dân vùng nghèo đói, khó khăn càng thêm sâu sắc, hòa quyện. Chính những việc này đã làm cho ý thức quan tâm đến cộng đồng, ý thức lao động, tình cảm quê hương được nhen nhóm trong học sinh.
Sang năm thứ 5 (1965 -1966), Trường cấp 3 Quỳnh Lưu tách thành 2 trường: Quỳnh Lưu 1 và Quỳnh Lưu 2. Trường Quỳnh Lưu 1 tiếp tục sơ tán về Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hưng, Quỳnh Hoan. Nhiều thầy cô được điều động thêm về Trường, một số thầy cô được điều đi giúp nước bạn Lào, một số thầy cô được điều về Ty Giáo dục...
50 năm không khỏi buồn thương vì nhiều thầy cô và cả một số học sinh đã đi về cõi vĩnh hằng; nhiều người đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu để cho cuộc sống hôm nay trọn vẹn, bình yên; nhiều người mái tóc đã bạc, pha sương:
Năm mươi năm vọng tiếng trống trường,
Tô vào trang sử thắm quê hương,
Tiền tuyến, hậu phương đều góp sức,
Quỳnh Lưu ơi! Mãi mãi nhớ thương.
Nhớ trường xưa
Nguyễn Trung Diễn