Trên Internet xuất hiện một số website nạp tiền di động online và diễn đàn hướng dẫn cách hack thẻ cào của các nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone. Không ít người tiêu dùng làm theo hướng dẫn đã mất tiền oan.
Tại website yeusim, một người tự xưng là Hoàng Kỳ Anh, sinh viên năm thứ 4, một trường đại học ở Hà Nội, chia sẻ cách hack tài khoản của nhà mạng Viettel. Theo đó, người muốn hack thẻ cào phải có sim Viettel với số dư lớn hơn 32.000 đồng và hoạt động trên 15 tháng.
Chủ thuê bao phải nhắn tin theo cú pháp *136*mật khẩu*00841647270072*... rồi nhấn phím gọi và ấn tắt ngay lập tức. Theo chủ trang web, cách làm trên sẽ giúp người dùng di động nhận được mệnh giá thẻ cào ngẫu nhiên của nhà mạng Viettel.
Nội dung trên đã được không ít diễn đàn, forum sao chép lại. Tuy nhiên, ở những trang web khác nhau, con số ở giữa cú pháp tin nhắn thường không giống nhau. Như cùng hack thẻ Viettel, tai web yeusim, dãy số là 00841647270072 nhưng ở diễn đàn khác, được chia sẻ từ người mang tên Thu Hằng, trong cú pháp lại xuất hiện số 008-416-7653-5765.
Cách hack thẻ cào của MobiFone và VinaPhone cũng được hướng dẫn tương tự. cú pháp dành cho thẻ VinaPhone là *999*mật khẩu*012-9947-2938*50000# và đối với mạng MobiFone là *119*012-28-371-692*30000 *11010#. Con số ở giữa có thể thay đổi ở những trang mạng khác nhau.
Cách hack tiền điện thoại của nhà mạng bị cho là lừa đảo xuất hiện trên nhiều trang mạng.
Không ít lời cảnh báo trên các diễn đàn cho rằng hướng dẫn trên là lừa đảo. Thành viên website simdepHaNoi cho hay, cách làm trên nhằm lừa người tiêu chuyển tiền vào các số điện thoại trung gian. Như cách hack thẻ Viettel của người mang tên Thu Hằng theo cú pháp trên là bắn tiền cho số thuê bao 016789883xxx.
Còn trên diễn đàn SSC, nick thuoctrusau đăng cách hack tiền cùng khuyến cáo “các bạn đừng tin nhé, không mất tiền oan. Nội dung này đã được post không dưới 20 lần trên VN-Z dưới nhiều nick khác nhau và không ít người đã bị mất tiền oan”
Anh Phúc, một người chuyên kinh doanh điện thoại, thẻ cào và sim số đẹp ở Hà Nội cho hay, cách lừa đảo trên dựa vào dịch vụ bắn tiền của nhà mạng như I-Share của Viettel, 2Friends của VinaFone và M2U của MobiFone. Bằng cách hướng dẫn như trên, người dùng di động sẽ bắn số tiền tương ứng với con số trong cú pháp: 30.000, 50.000... cho số điện thoại trung gian nằm kẹp giữa các dấu hoa thị. Đây cũng là lý do mà điều kiện để hack được thẻ cào là tài khoản phải có trên 30.000 đồng hay 50.000 đồng...
Theo anh Phúc, những website lừa nạp thẻ di động xuất hiện ngày càng nhiều, đa dạng về cách thức nên dù được cảnh báo liên tục, không ít người tiêu dùng vẫn mất tiền oan. Thời gian và tần suất của những trang web đó cũng tồn tại không lâu để tránh bị phát hiện. Song chỉ cần duy trì được từ một đến 2 hôm, “tác giả” cũng đã thu về số tiền không nhỏ từ việc lừa đảo.
Ngoài chiêu mời khách moi tiền nhà mạng, những trang web dẫn dụ người dùng di động tới cách thức nạp thẻ siêu khuyến mãi cũng xuất hiện. Cứ hôm nay, nhà mạng ra khuyến cáo, ngày mai, website lừa trên bị đóng cửa. Rồi khoảng một tuần sau đó, trang web khác lại được mở ra. Vẫn các chiêu câu khách bằng các chính sách khuyến mãi tặng tới 200%, thậm chí gần 300% giá trị thẻ cào cho các thuê bao VinaPhone, MobiFone và Viettel nạp tiền qua mạng. Không ít người đã sập bẫy lừa này.
Hơn một tháng trước, một webisite giả danh mạng Viettel cũng với hình thức lừa tương tự đã moi tiền không ít người dùng di động. Sau đó, hãng viễn thông Viettel đã có văn bản gửi cơ quan công an. Theo một cán bộ điều tra trước những lời chào mời trúng thưởng, hoặc khuyến mãi siêu rẻ, người dùng di động cần thận trọng.
Trên thực tế, rất nhiều lần đơn vị chức năng đã vào cuộc để điều tra, nhưng cái chính là người tiêu dùng chưa thực sự hợp tác. Hầu như khi bị lừa, thuê bao di động chỉ biết than thở chứ họ chưa nghĩ đến việc làm đơn khiếu nại, tố cáo với tư cách là người bị hại.