(Baonghean) - Nhà thơ Quang Huy quê Hải Dương, sinh năm 1931 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng và nhân văn. Vào đời với nghề dạy học, năm 1958, ông được điều về huyện Yên Thành, dạy Văn cấp 2. Từ đó cho tới khi trở ra Hà Nội nhận công tác mới, nhà  thơ đã có 20 năm gắn bó và đóng góp cho đất và người Nghệ An, chủ yếu về văn học nghệ thuật… Mồng 1 Tết năm Ất Mùi vừa qua, do bạo bệnh, nhà thơ Quang Huy trút hơi thở cuối cùng tại Hà Nội. NACT trân trọng gửi đến bạn đọc 2 bài viết của những người có nhiều kỷ niệm sâu sắc với nhà thơ...

 
Sáng Mồng 2 Tết Ất Mùi, đang ngồi nhâm nhi bát nước chè xanh mới om thì có tiếng chuông di động
images1135444_2081222070925.jpgNhà thơ Quang Huy và vợ. Ảnh internet
gọi. Anh Hoàng Quỳ, người bạn giáo viên đã về hưu thông báo: “Quang Huy đã mất trưa hôm qua rồi”. Tôi ngồi lặng đi...
 
Vậy là Quang Huy, người bạn thơ của tôi cách đây non 60 năm đã ra đi!. Trong năm qua (2014), tin anh bị bạo bệnh, phải mấy lần sang Singapore để chữa trị, tôi chưa thể ra thăm anh được. Nhiều năm trước, mấy bận có dịp ra Hà Nội, tôi vẫn đến nhà. Ngồi nghe anh nói chuyện, những câu chuyện tếu táo bạn bè thân thiết kể với nhau không cần giữ ý tứ. Vẫn cái giọng hóm hỉnh có phần bộc toạc như thuở nào, cách nói chuyện của anh đối với tôi, có sức hút kỳ lạ.
 
Còn nhớ năm 1956, một hôm ông bạn bộ đội chí cốt cùng đơn vị rủ tôi đến thăm một cô bạn gái vừa ở Khu học xá (Trung Quốc) về chơi. Cô ấy nói với tôi rằng, có một anh tên là Quang Huy thường nhắc đến thơ của tôi. Quả là ngày ấy, tôi đã có một số thơ in ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội và một số tờ báo Trung ương. Nghe vậy, tôi rất mừng. Hôm cô ấy sắp trở sang Trung Quốc, bảo tôi nếu có gì muốn gửi cho Quang Huy, cô ấy sẽ chuyển giùm. Thực tình, lúc bấy giờ tôi chưa hề biết gì về Quang Huy nhưng tôi vẫn viết vội 4 câu thơ nhờ cô gái ấy gửi tặng anh. Không ngờ sau này, khoảng cuối năm 80 của thế kỷ trước, một hôm bóc tờ lịch treo tường, tôi phát hiện ra 4 câu thơ của mình được Quang Huy đưa vào lịch. Bốn câu ấy như sau: “Chủ nhật sao tôi thừa thãi quá/ Nắng nhiều nhưng ít nắng trong tôi/ Làm sao có một bàn tay nhỉ/ Một thoáng hình em, một thoáng thôi”.
 
Lại nhớ năm 1958, tại nhà ông bố vợ của tôi ở Chợ Dinh, xã Hoa Thành, Yên Thành (sát đường 538), tôi đang đứng tha thẩn trước cửa thì thấy một anh chàng khoác chiếc ba lô, đầu đội nón lá lững thững đi bên kia đường, anh dừng lại nhìn trước nhìn sau như muốn hỏi thăm đường. Tôi ra, nhìn anh từ đầu đến chân và hỏi: “Anh tìm nhà ai?”. Anh trả lời: “Tôi muốn hỏi Trường cấp II Hoa Thành ở đâu?”. Biết ngay là một thầy giáo mới, tôi hỏi ngay: “Xin lỗi, thầy tên là gì?”, - “Tôi là Quang Huy”
 
- A! Anh Quang Huy. Có phải anh đã ở Khu học xá ?
- Sao anh biết?
- Tôi là Huy Huyền đây!
 
Cả hai cùng reo lên và chúng tôi xiết chặt tay nhau. Từ đó tôi làm bạn với anh. Ngày ấy anh là thầy giáo có dạy Văn mấy người em trai và em gái của tôi ở Yên Thành. Sau này anh đổi về Vinh dạy Trường Bổ túc công nông rồi ít lâu sau chuyển công tác sang Hội Văn nghệ Nghệ An. 
 
Những năm 1958 - 1959, lúc tôi còn là bộ đội đóng quân ở một xã của huyện Nghi Lộc, sát nách Thành phố Vinh, có  bài thơ nào, tôi đều mang đến hội nhờ anh góp ý, sửa chữa và biên tập giùm.
 
Những ngày Chủ nhật, tôi thường lên chơi với Quang Huy hoặc trao đổi về thơ hoặc rủ nhau đi chơi ở đâu đó. Nhớ một hôm, có bà chị Việt kiều Thái Lan về nước, chúng tôi tổ chức một bữa cơm thân mật. Quang Huy tự tay nấu nướng. Về khoản này, Quang Huy là nhất. Các món ăn do anh chế biến bao giờ cũng khoái khẩu (kể cả món cầy tơ bảy món). 
 
Thơ của tôi làm dạo ấy thường được anh biên tập và đưa vào tạp chí của hội. Cũng chính anh đã in cho tôi và Biển Hồ chung một tập thơ nhỏ với tựa đề “Cửa Lạch vào mùa”. “Cửa Lạch” là phần thơ của ông bạn Biển Hồ (nay cũng đã khuất bóng), “Vào mùa” là phần thơ của tôi, lần đầu trong đời được ra mắt độc giả… Bài thơ “Bài ca dũng sỹ nung vôi” của tôi, anh in ở tạp chí hình như được giải Ba của hội, và nghe nói còn được người ta ngâm trong những buổi biểu diễn lưu động của Đoàn Nghệ thuật Nghệ An.
 
Từ tháng 8/1969, tôi được đơn vị cho đi thi và học Trường ĐHSP Hà Nội nên phải xa Quang Huy. Từ cuối 1960 tôi về dạy ở Đô Lương. Một hôm, cô Mai Sương - sau này là vợ của Quang Huy, lên Đô Lương và có ghé vào thăm tôi. Trong câu chuyện, Mai Sương cười và muốn được thay đổi một vài từ trong câu thơ cuối cùng của “Bài ca dũng sỹ nung vôi”. Nguyên văn: “Một lò vôi sừng sững giữa đồng/ Một đảo lửa mấy đêm liền âm ỉ”. Mai Sương muốn sửa lại là: “Một lò vôi sừng sững giữa đồng/ Một đảo lửa mấy năm liền âm ỉ”. Có lần tôi kể lại, Quang Huy cười và nói rằng câu thơ ấy đã vận vào hoàn cảnh của Mai Sương, nhiều năm liền tốt nghiệp phổ thông trung học nhưng vẫn không được thi vào đại học vì lý do hoàn cảnh gia đình”. Té ra là vậy!
 
Quang Huy là người đã giúp đỡ tôi trong thơ ngay cả những năm bận việc dạy học mà sao nhãng việc sáng tác. Sau này chính anh đã đưa bài thơ “Nhớ Hương Sơn” vào Tuyển tập thơ “Lục bát Việt Nam” lúc anh còn là Giám đốc của Nhà xuất bản Văn hóa. Bài thơ “Riêng mình ta say” rất được anh thích và theo đề nghị của anh được Ban Biên tập đưa vào Tuyển tập thơ thế kỷ XX của Hội Nhà văn Việt Nam.
Tôi mến phục anh, tác giả của những bài thơ như: “Chiếc cầu đám cưới mới đi qua”, “Thị Nở”, “Hư vô”... Bây giờ thì Quang Huy đi thật rồi. Cầu cho anh được an giấc ở chốn vĩnh hằng. Nhớ đến anh, tôi lại nhớ đến những câu thơ trong bài thơ “Hư vô”:
 
Chỉ còn mãi với thời gian
Tình yêu từ thuở hồng hoang dại khờ
Gắng ngồi viết cạn bài thơ
Bài thơ rồi có hư vô như mình?
 
Những câu thơ ấy để lại cho mai sau và cũng như tôi, hẳn nhiều người mãi mãi vẫn nhớ.
 
Anh, người đã sống, làm việc và có nhiều duyên nợ với mảnh đất Yên Thành, với Nghệ An. Với tôi, Quang Huy là một nhà thơ, một bạn thơ đích thực, lúc nào cũng cởi mở, phóng khoáng, luôn cười nói vui vẻ với bạn bè. Và nhiều người trong chúng tôi vẫn nói: Ngồi với Quang Huy, nghe anh nói “chuyện trạng”, có khi quên khuấy cả thời gian.
 
HUY HUYỀN