(Baonghean) - Huyện Noọng Hét (còn gọi là Noọng Hẹt) thuộc tỉnh Xiêng Khoảng (Lào), giáp ranh với xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Lần đầu đến với miền đất này đã để lại trong tôi những cảm xúc khó tả. Đó là niềm vui thú vị trước một miền đất xen lẫn những trăn trở…

Có nhiều chuyện về miền đất Noọng Hét tôi từng nghe từ các cựu binh chống Mỹ, đánh phỉ Vàng Pao, và chuyện nào cũng hay như cổ tích. Rồi sau vài lần lên chợ biên giới Nậm Cắn của rẻo cao Kỳ Sơn, cũng gọi là đã đặt chân sang đất Lào, sang Noọng Hét rồi. Nhưng cả khu chợ, người Việt đông hơn người Lào, cuộc sống của họ chẳng khác mấy so với những bản làng vùng cao nước mình. Âu cũng là điều dễ hiểu bởi 2 nước có chung đường biên giới, đều có người Mông, Khơ mú, Thái, Ơ đu, Đan Lai, Tày Poọng… văn hóa, tập quán nhiều điểm tương đồng. Như vào đầu tháng 2 dương lịch, cuối năm âm lịch, ở Noọng Hét có lễ hội hoa đào, vinh danh những người trồng đào, phục vụ khách Việt Nam sang mua đào về chơi Tết.
images1135446_tr__cua_b_u_trong_n_y_h_i.jpgTrò cua bàu trong ngày hội.
 
Tôi mỉm cười lấy làm thú vị: Té ra, người anh em Lào của chúng ta cũng chịu chơi ra phết. Để thu hút khách mua đào, người ta sẵn lòng bỏ công tổ chức cả một lễ hội. Dẫu chưa thành một lễ hội lâu năm những cũng gây được sự chú ý của người dân dọc các địa phương phía hai bên khu vực biên giới. Tôi chợt nhớ đến thông tin trên một trang mạng nói rằng môi trường kinh doanh ở nước Lào có sức thu hút hàng đầu khu vực. Có lẽ, sức thu hút này có được cũng nhờ cái cách tiếp thị sản phẩm có phần hồn nhiên, vô tư của người Lào.
 
Tôi gọi điện cho anh bạn phóng viên xin được đi nhờ xe của một cán bộ Viện Kiểm sát huyện Kỳ Sơn. Anh cán bộ người Thái nói tiếng Lào như tiếng mẹ đẻ lúc nào cũng thủ sẵn cuốn hộ chiếu, cứ vài tuần lại sang chơi cùng mấy người bạn thân và thưởng thức những món ngon nước Lào. Nghe vậy chúng tôi có phần yên tâm về thủ tục thông quan qua Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn vì đã có thổ địa của cả hai bên khu vực biên giới giúp đỡ rồi.
 
Những ngày giáp Tết Ất Mùi, tại Thị trấn Mường Xén, trung tâm huyện lỵ Kỳ Sơn nắng đẹp. Mặt trời ửng đỏ như một trái nhót chín. Vậy mà chỉ sau nửa giờ ngồi trên chiếc ô tô bán tải chúng tôi đã lạc vào một vùng sương mù dày đặc. Rừng và thung lũng đều chìm trong sương núi. Tầm nhìn giảm chỉ còn vài chục mét. Ô tô, xe máy đều phải bật đèn. Sương gió vậy mà người mua đào vẫn nườm nượp. Để có cành đào núi chơi Tết, nhiều nhà đã bỏ ra hàng chục triệu, cả một gia tài đối với người vùng cao.
 
Vậy là tôi đã được đặt chân sang đất Noọng Hét. Đất trời biên giới cũng mờ mịt trong sương. Nhìn tấm biển chỉ đường với 2 thứ tiếng Lào và Anh chúng tôi biết rằng còn cách Thị trấn Noọng Hét 15 km nữa. Thông quan dễ nhưng chúng tôi lại gặp khó khăn khi đặt chân sang đất Lào. Trên đoạn Quốc lộ 7 của nước bạn Lào nối liền với Quốc lộ 7A của ta, một hàng dài xe tải đang phải nhích từng mét. Cả hai chiều đường từ Cửa khẩu Nậm Cắn sang Noọng Hét và ngược lại đều tắc nghẽn. Những chiếc xe tải chủ yếu chở đào và nông sản (thường là ngô) ì ạch, lầm lũi trong sương. Mặt đường lầy lội như có mưa rào. Phải mất gần 2 giờ đồng hồ, chúng tôi mới thoát được cảnh tắc đường. Càng xuống gần Thị trấn Noọng Hét sương càng mỏng dần và nắng nhẹ đã bắt đầu xuất hiện.
 
Phải đến chiều tối mới bắt đầu khai hội, thế nhưng đào đã về tụ hội từ chiều hôm qua. Tôi nhìn quanh quất phố xá nơi đây thấy chẳng khác mấy những thị trấn vùng cao ở Việt Nam. Đàn ông Thái, Mông, đàn ông người Lào cũng mặc âu phục như bên mình. Phụ nữ Lào thì xúng xính trong váy áo truyền thống. Những bộ váy được con gái Lào mặc đi hội và cũng là trang phục trong sinh hoạt, lao động ngày thường. Tôi tha thẩn đến khu vực lễ hội. Đào được bày bán trong nhà, ngoài đường theo đúng kiểu hội chợ. Tôi sà vào một hàng bán đào, đang định vận dụng vốn liếng tiếng Lào ít ỏi của mình để hỏi giá thì nghe chị bán đào nói bằng giọng Diễn Châu quen thuộc: “Chọn đào hả anh?” Tôi có đôi phần ngạc nhiên, vì lâu nay vẫn nghe bạn bè đi Lào xây nhà, làm đường về kể bên này người Việt cũng đông đúc lắm. Thế nhưng khi nghe chị bán đào bảo rằng cả khu vực này hầu hết là đào của người Việt sang đây thu mua rồi bày bán khiến tôi có phần ngạc nhiên.
 
Tôi lại tha thẩn quanh khu vực bán đào. Một cô bé trong trang phục nữ người Lào đứng vắt vẻo trên thùng xe trống trơn. Hỏi tên, cô bé trả lời: “Paothao. Năm nay 7 tuổi”. Cô bé bảo nhà ở trong bản, theo bố ra chợ bán đào. “Nhà cháu có một vườn đào và cái xe tải thế này”. Đã gần trưa thế mà những chiếc ô tô tải loại nhỏ vẫn chở đào từ các bản ra trung tâm thị trấn.
 
Tôi tìm đến khu hội chợ. Tại một sân bãi rộng, nơi sẽ làm không gian tổ chức lễ hội con trai Mông ở những bản lân cận mang con quay ra thi. Một người ném con quay xoay tít giữa bãi đất, những người khác dùng con quay bổ tới sao cho trúng con quay đang thách đấu. Trò chơi chẳng có giải thưởng hay cá cược gì vẫn thu hút khá đông người chơi. Lúc này anh bạn phóng viên muốn mua một vài món quà bày bán tại hội chợ nhưng chẳng hàng nào chịu nhận tiền Việt Nam. Chúng tôi tìm được một anh bạn người Lào nhiệt tình giúp đỡ. Qua câu chuyện đầu anh giới thiệu tên Vang, họ Giàng, ở Phôn-sa-vẳn. Nhà anh cách Thị trấn Noọng Hét 117 km. Anh là cán bộ, lo việc giấy tờ ở huyện Noọng Hét. Anh hỏi về công việc của tôi. Chẳng biết diễn đạt thế nào cho anh hiểu về công việc của người làm báo, tôi đành đưa chiếc máy ảnh, máy ghi âm ra. Anh Vang hiểu ra và gật đầu và cười rất tươi.
 
Anh bạn mới quen dẫn chúng tôi đi đến một ngân hàng ở Thị trấn Noọng Hét, cô nhân viên ngân hàng bảo: “Không có tiền Việt!”. Vậy là chỉ còn cách ra khu chợ ở trung tâm huyện. Anh Vang dẫn chúng tôi vào cửa hiệu của một người Việt. Ban đầu, cô gái bán hàng lắc đầu, nhưng khi nghe chúng tôi nói tiếng Việt lại có một người Việt Nam ở gần đó nói giúp, cô gái cũng “chiếu cố” đổi cho anh bạn tôi 500.000 đồng được 185.000 kíp Lào. Theo yêu cầu muốn ăn trưa của chúng tôi, anh bạn Lào dẫn vào một hiệu cơm ven đường. Ở đây cũng có những món ăn như canh chua, cá rán, thịt kho như bên mình. Tôi hỏi: “Thế có món nào của người Lào không?”. Cô chủ quán chợt nói bằng tiếng Việt: “Người Việt hay đến ăn, chỉ có món Việt thôi!”. 
 
Trong bữa cơm, tôi tranh thủ vận dụng vốn liếng tiếng hạn hữu của mình hỏi chuyện anh bạn mới quen. Anh kể về gia đình mình. Cha mẹ đều ở Phôn-sa-vẳn, một cô em gái học ở Trường ĐH Vinh bên Việt Nam. Vì phải đi làm xa nên vợ con anh cũng chuyển theo chồng để gia đình được gần gũi. Mỗi tháng anh lại bắt xe về thăm cha mẹ một lần. Các cháu đều đã đi học nhưng cũng tiện lợi vì trường gần chỗ làm. Những câu chuyện của chúng tôi bên mâm có món thịt nướng, canh chua khiến tôi có cảm giác gần gũi như ngồi ăn ở quê nhà. Nhưng ngẫm lại, vẫn thấy thiếu một điều gì đó, ví như một món ăn đặc trưng của người Lào chẳng hạn. Tôi không thể tìm được trong bữa ăn trưa đầu tiên tại Thị trấn Noọng Hét.
 
Chúng tôi chia tay anh bạn mới quen đầy nhiệt tình. Anh hẹn mùa Hè này sẽ sang Việt Nam, đi tắm biển Cửa Lò sẽ ghé thăm chúng tôi. Tôi lại tha thẩn trong khu vực trung tâm hội chợ. Lễ hội hoa đào vẫn chưa bắt đầu và không khí trước ngày khai hội thật chẳng khác nào tại nhiều lễ hội truyền thống ở nước mình. Những sới trò chơi ăn tiền chiếm phần lớn các gian hàng tại hội chợ.
 
Chúng tôi không chờ được đến giờ khai hội hoa đào. Anh cán bộ Viện Kiểm soát huyện Kỳ Sơn đã gọi chúng tôi lên để về. Đường trở về ngày cuối năm, lượng xe từ bên kia biên giới vào Việt Nam vẫn đông nghịt, hối hả. Trong màn sương mờ mịt. Đến đây thì đã có sóng điện thoại phía Việt Nam. Tôi nhấc máy gọi cho anh bạn Lào mới quen. Đầu dây bên kia nói: “Hôm sau lại sang nhé. Anh sẽ dẫn đi khắp Noọng Hét. Em vẫn chưa biết nhiều đâu!”. Tôi chỉ đáp lại lời anh Vang: “Vâng ạ!” và cũng tự hứa với lòng mình sẽ trở lại đất này một ngày gần nhất…
 
Bài, ảnh: HỮU VI