(Baonghean) - Hầu đồng, hay còn được gọi là chầu văn, ngự đồng… là nghi lễ quan trọng trong tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Tam Phủ - Tứ Phủ (Đạo Mẫu) của dân tộc ta. Các buổi lễ hầu đồng được tiến hành quanh năm, nhưng tập trung nhiều vào dịp đầu xuân, năm mới. Hiểu đúng bản chất, ý nghĩa của nghi lễ hầu đồng để đưa nghi lễ về đúng giá trị thực của nó là việc cần làm, nên làm…

Theo lời giới thiệu của bà T.M.C (phường Lê Mao, TP. Vinh), tôi đến Đền Củi (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) để chứng kiến tận mắt một buổi lễ hầu đồng dịp đầu năm. Thời điểm này được gọi là khóa hầu mùa Xuân, thu hút rất đông các thanh đồng, phụ đồng, con nhang, đệ tử … Thanh đồng (người đứng giá hầu) hôm nay là ông H.- một tiểu thương ở chợ Vinh, được mọi người gọi là “cậu”. “Cậu” đang vào giá Quan Hoàng, vận bộ đồ màu vàng đẹp mắt, phong thái uy nghi, kết hợp với tiếng chầu văn ca ngợi công đức, danh vọng hiển hách của “ngài” , điểm nhịp thanh la điêu luyện, mang đến cảm giác phấn chấn cho người xem. Bà T.M.C ngồi cạnh bên, giải thích cặn kẽ cho tôi tuần tự các bước của nghi lễ hầu đồng, đoạn bảo: “Mọi người ở đây đều theo tín ngưỡng Đạo Mẫu, thờ các vị Thánh và Thánh mẫu. Đến với nghi lễ này, ai cũng mang theo tâm niệm cầu quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, vạn sự bình yên...”.
images1135449_quang_c_nh_m_t_bu_i_h_u_d_ng.jpgQuang cảnh một buổi hầu đồng.
 
Theo quan sát, nghi lễ hầu đồng được thực hiện rất chặt chẽ, bài bản. Thanh đồng được xem là người có “căn”, hóa thân thành các nhân vật cụ thể với tính cách, phong thái hoàn toàn khác biệt. Mở đầu mỗi vấn hầu, thủ nhang thường đăng đàn cúng Phật, Thánh, sau đó người hầu đồng vào xin phép “loan giá ngự đồng”. Thanh đồng ngồi vào giữa 4 người hầu dâng, được trùm lên đầu một vấn khăn màu đỏ, gọi là khăn phủ diện và bắt đầu vấn hầu. Thường là mở đầu bằng giá Tam tòa Thánh Mẫu. Tiếp theo đó, người có căn Đức Thánh Trần thì hầu giá Đức Thánh Trần.
 
Trong nghi lễ hầu đồng có tất cả 36 giá đồng, mỗi giá thờ một vị Thánh, nhưng một buổi hầu không phải bao giờ cũng hầu đủ 36 giá, mà thường là từ 8 đến 15 giá, tùy thuộc vào tâm nguyện của thanh đồng. Tuần tự mỗi giá hầu là mỗi phục trang, đạo cụ, điệu nhảy múa và biểu cảm gương mặt, ví dụ giá Quan lớn thì phải oai phong lẫm liệt, tay múa kiếm, cung thể hiện sự dũng mãnh quyền uy; giá các cô thì phục trang màu sắc rực rỡ, tay cầm quạt, cầm cờ nhẹ nhàng duyên dáng; giá các cậu thì tinh nghịch, vui tươi… Mỗi giá hầu được thực hiện bài bản qua các bước: mời Thánh giáng, phán truyền, ban lộc và đưa tiễn. 
 
Cùng với đó là sự hòa điệu của cung văn. Cung văn trong nghi lễ hầu đồng gồm 3-5 nhạc công, sử dụng đàn nguyệt, trống con, thanh la, phách…, thể hiện nghệ thuật diễn xướng dân gian rất đặc sắc. Cung văn phải là những người thông thạo các bài văn cổ, có trí ứng tác nhạy bén để hát văn hợp với giá hầu, phụ họa cho thanh đồng thêm thăng hoa. Âm hưởng của loại hình âm nhạc ca trù có thể nhận thấy khá rõ trong những bài cung văn xướng lên như lối hát bỉ, phú bình, phú tỳ bà… Các bài hát có nội dung kể lại xuất thân, công trạng, tâm đức của các vị Thánh, mà hầu hết là những nhân vật trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc như: Trần Hưng Đạo - Đức Thánh Trần, Mẹ Âu Cơ - Mẫu Thượng Ngàn, Lê Khôi hay Nguyễn Xí - Ông Hoàng Mười, Trạng nguyên Phùng Khắc Khoan - Ông Hoàng Bơ, Bà Lê Chân - Thánh Mẫu Bát Nàn, Sát Hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn… Ví như thanh đồng H. đang vào giá Đức Thánh Ông, thì cung văn xướng: 
 
Thánh Ông có lệnh truyền ra
Các quan thủy bộ cùng là tư dinh
Hô vang trấn động Nam Thành
Đánh đông, dẹp Bắc tung hoành mọi nơi…
 
Sau lời phán truyền, là đến màn ban lộc. Các đệ tử, con nhang xung quanh, ai có nguyện vọng cầu xin gì thì gửi lời đến Thánh. Thánh sẽ ban “lộc”, có thể là ngọn chè xanh nếu là giá Mẫu Thượng ngàn, hoặc bánh trái, hương hoa, nước… tùy vào thanh đồng đang “ngự” ở “giá” nào. Người xin lộc, không kể lộc nhiều hay ít, đều lấy đó làm niềm vui và hy vọng năm mới tốt lành. 
 
Nghi lễ hầu đồng được thực hiện bài bản, có tính thẩm mỹ cao và giàu yếu tố văn hóa - nghệ thuật dân gian, phản ánh tín ngưỡng thờ Mẫu của dân tộc Việt với truyền thuyết “Con rồng, cháu Tiên” và mẹ Âu Cơ; đồng thời, thể hiện ước vọng của nền văn minh lúa nước, có thêm điểm tựa tinh thần, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn. Mặt khác, nét đặc sắc của hầu đồng là nhìn nhận đa văn hóa, đa dân tộc, điều này thể hiện ở việc có rất nhiều các vị thần linh trong Đạo Mẫu là những người dân tộc thiểu số. Như vậy, nghi lễ hầu đồng trong tín ngưỡng Đạo Mẫu gắn bó với cội nguồn và lịch sử dân tộc, trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước - một thứ chủ nghĩa yêu nước đã được tín ngưỡng hóa, tâm linh hóa. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh những nghi lễ hầu đồng mang tính chất tích cực, đúng đắn, thì do sự thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin, không ít người dân đã bị những đối tượng xấu mê muội, dẫn đến hiện tượng mê tín dị đoan, “mua thần, bán thánh”, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội. Một số nghi lễ hầu đồng ở phần ban lộc, thay vì hương hoa tượng trưng đã bị biến tướng thay bằng tiền, vàng…, vừa tốn kém vô bổ, vừa làm lệch lạc ý nghĩa tốt đẹp ban đầu, khiến không ít người có cái nhìn thiếu thiện cảm về hầu đồng. Mặt khác, phục trang, đạo cụ, cung văn đi kèm ngày càng “hoành tráng” cùng với số tiền đầu tư bỏ ra cho buổi hầu đồng, điều này không chứng minh được sự thành tâm, lại càng làm nhân lên hiện tượng đua nhau làm lễ to, lễ trọng, người sau nhìn người trước… Tại Nghệ An, nghi lễ hầu đồng được tiến hành thường xuyên tại các đền như đền Ông Hoàng Mười, đền Hồng Sơn… hoặc theo thói quen, một số người dân vẫn tham gia hầu đồng ở đền Củi (Hà Tĩnh). Việc nhìn nhận đúng đắn giá trị và bảo tồn, quản lý hoạt động văn hóa tâm linh này là điều cần làm, nhất là trong thời điểm đầu Xuân, năm mới… 
 
Bài, ảnh: Phước Anh
Mẫu Tam phủ - Tứ phủ chứa đựng tư duy của người Việt ở dạng nguyên sơ, chia làm 4 miền do 4 vị Thánh Mẫu cai quản: Mẫu Thượng Thiên cai quản miền trời, Mẫu Thượng Ngàn cai quản vùng đồi núi, Mẫu Địa cai quản miền đồng bằng, Mẫu Thoải cai quản miền sông nước. Tam Tòa Thánh Mẫu gồm Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên, Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn và Mẫu Đệ Tam Thoải Phủ. Bên cạnh các Mẫu là các Quan, các Đức Chúa, Đức Ông. Bên dưới có các Cô, các Cậu…
 
Với những giá trị độc đáo, ngày 9/9/2013, nghi lễ hầu đồng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, và Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã được Thủ tướng Chính phủ cho xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.