(Baonghean) Ngày 15 tháng 3 năm 1953, Bác Hồ ký quyết định thành lập ngành Điện ảnh, nhưng phải 6 năm sau đó, chúng ta mới có bộ phim truyện đầu tiên Chung một dòng sông. Nhà văn Đào Xuân Tùng - một người con xứ Nghệ là một trong những nghệ sỹ lớp đầu đã có công viết kịch bản cho bộ phim quan trọng có tính chất bước ngoặt này của nền điện ảnh nước nhà.


Thực ra, trước khi sản xuất "Chung một dòng sông", một tác phẩm phim truyện khác đã được xây dựng. Nhưng tác phẩm ấy chưa thành công và không được công bố. Hoàn cảnh lịch sử lúc đó, đế quốc Mỹ đã nhảy vào miền Nam, đất nước chia cắt làm hai, dòng sông Bến Hải trở thành giới tuyến cắt chia đất nước.

Theo chỉ đạo của cấp trên, Xí nghiệp phim truyện Việt Nam quyết định làm một bộ phim về sự gắn bó keo sơn giữa nhân dân hai miền Nam Bắc trong hoàn cảnh tạm thời bị chia cắt. Bộ phim này lúc đầu có tên là "Đôi bờ", nhưng khi hoàn thành đã đổi lại là "Chung một dòng sông". Tình cảm keo sơn giữa 2 miền Nam - Bắc đã được hình tượng hoá qua mối tình đậm sâu và đầy ngăn cách của Hoài và Vận. Sự cách chia, nhung nhớ và đau thương của họ, cũng như tình cảm trắng trong, chung thuỷ của họ chính là biểu tượng cho nỗi đau chia cắt và tình yêu không thể phai nhoà giữa nhân dân hai bờ sông Bến Hải.


774002_small_72407.jpg

                             Cảnh phim "Chung một dòng sông".

Như vậy, ngay từ bộ phim truyện đầu tiên, các nhà làm phim đã đi sâu vào đề tài nóng bỏng: tình cảm lớn của dân tộc. Tác phẩm vừa có tính ẩn dụ sâu sắc, lại xây dựngđược cốt truyện lôi cuốn và nhân vật khá sống động. Tất nhiên, bộ phim cũng có những hạn chế do điều kiện sản xuất phim còn đơn sơ và hầu hết các nhà điện ảnh của chúng ta lúc đó đều chưa có kinh nghiệm. Dù vậy, bộ phim khi hoàn thành, được công chiếu rộng rãi đã được đông đảo đồng bào đón nhận. Nó thực sự trở thành một dấu son trong lịch sử phim truyện nước nhà.

Chia sẻ với tôi về câu hỏi: "Vì cơ duyên nào mà nhà văn Đào Xuân Tùng được giao cùng với Cao Đình Báu viết nên kịch bản Chung một dòng sông?" Ông Đào Xuân Lâm cho biết:Đào Xuân Tùng xuất thân trong giađình cách mạng. Thân sinh của ông là người sáng lập chi bộ Cộng sản ở Diễn Châu, Nghệ An năm 1930. Đào Xuân Tùng từng tham gia cướp chính quyền ở quê Diễn Hồng, Diễn Châu năm 1945, rồi sau đó làm trưởng phòng thông tin tuyên truyền của huyện Diễn Châu từ năm 1945-1948.

Từ năm 1949, ông là Phó Ty Thông tin tỉnh Nghệ An; từ năm 1950 đên 1953 ông là Trưởng Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Thừa Thiên. Thời kỳ 1956-1957, ông tu nghiệp về kịch bản phim truyện ở Xưởng phim Trường Xuân tại Trung Quốc. Năm 1959 Đào Xuân Tùng là Phó Bí thư, kiêm Trưởng phòng Biên tập phim truyện Xưởng phim Việt Nam. Chính từ thực tiễn hoạt động cách mạng trên mảnh đất miền Trung trong chiến tranh máu lửa, nên Đào Xuân Tùng được cấp trên và đồng nghiệp tin tưởng giao phó nhiệm vụ viết kịch bản về mảnh đất và con người trong nổi đau chia cắt, phân ly.


Suốt gần 30 năm sau đó, từ năm 1960 đến 1987, Đào Xuân Tùng là người phụ trách sáng tác kịch bản của Xưởng phim truyện Việt Nam, và là một nhà sáng tác có uy tín. Theo ký ức của anh Đào Xuân Dương, con trai trưởng của nhà văn, (hiện là Phó Ban Văn hoá xã hội - HĐND TP. Hà Nội) thì suốt gần 30 năm ấy, hai bố con ông sống trong một căn phòng nhỏ chỉ vỏn vẹn hơn 10 m2 ở phố Châu Long, Hà Nội. Dẫu bận rộn, khó khăn và nhà cửa chật chội, ông luôn hết lòng với công việc. Với cương vị người phụ trách kịch bản, ông đã lặng lẽ đóng góp vào sự thành công của hàng trăm bộ phim truyện nước nhà trong những năm chống Mỹ và cả khi hoà bình lập lại, gắn bó máu thịt với sự trưởng thành của ngành phim truyện nước nhà.


 
Ngoài thời gian làm việc ở hãng phim, ông luôn tranh thủ viết. Năm 1960, tiểu thuyết "Nhãn đầu mùa" (viết chung với Trần Thanh) ra đời. Cuốn sách gây được sự chú ý của nhiều tầng lớp độc giả, trở thành một hiện tượng văn học thời kỳ ấy. Cuối những năm 70 của thế kỷ trước, một lần nữa, vốn kiến thức, hiểu biết về thời kỳ đầu cách mạng ở Nghệ An đã giúp ông cùng với người bạn đồng hương thân thiết - nhà thơ Trần Hữu Thung, sáng tác nên kịch bản phim "Ngày ấy bên bờ sông Lam". Tác phẩm này đã được dựng thành một bộ phim nổi tiếng về sự đấu tranh ngoan cường, sự hy sinh cao cả của những chiến sỹ cách mạng và nhân dân xứ Nghệ - cái nôi của cánh mạng nước ta trong thế kỷ 20, chống lại thực dânPháp xâm lược.


Đào Xuân Tùng cũng đã viết tiểu thuyết "Tiếng chuông" về một vùng công giáo trên quê hương ông cùng nhiều đề tài về chiến tranh cách mạng khác. Ông cũng ôm khát vọng viết về đề tài Bác Hồ... Nhưng hoàn cảnh đất nước lúc ấy, việc xuất bản và làm phim gặp nhiều khó khăn. Không ít tác phẩm của ông đã chưa có cơ hội xuất hiện trước công chúng. Và một điều không may đã xảy ra, năm 1984, trong một trận mưa lũ, toàn bộ tác phẩm lưu chưa xuất bản của ông đã bị huỷ hoại. Đào Xuân Dương, con trai ông đã đem phơi những tập bản thảo bị ướt, nhưng do giấy cũ, gặp mưa đã hư nát, nét mực đã nhoà, không có cách nào phục hồi lại được.


Sau khi về hưu năm 1987, ông về quê sống bên người vợ hiền. Bà chấp nhận sống xa chồng mấy chục năm trời, tần tảo nuôi 6 người con khôn lớn và thành đạt. Chỉ tiếc, mấy năm sau, đầu những năm 1990, ông bị bệnh cột sống quá nặng, không đi lại được. Thế là đành phải gác lại giấc mộng văn chương, nghệ thuật. Biết bao dự định sáng tác không thể nào thực hiện được nữa.


Có lần về quê, tôi đã đến thăm ông. Biết tôi công tác trong ngành Điện ảnh, ông hỏi thăm về những người bạn, những học trò cũ. Ông cũng tâm sự nhiều suy tư về nền điện ảnh nước nhà. Ngày 24 tháng 11 năm 2005, ông lặng lẽ qua đời ở tuổi tròn 80. Tên tuổi ông, dù lặng lẽ đến đâu, vẫn lấp lánh sáng. Và mai sau, chắc người ta vẫn còn nhắc đến ông cùng với sự ra đời của bộ phim bất tử "Chung một dòng sông" trong cái thuở ban đầu khai sinh ra ngành phim truyện nước nhà.


Thiên Sơn