(Baonghean) - 50 năm làm công tác nghiên cứu khoa học, với 72 công trình và 10 đầu sách đã được công bố, hàng trăm bài phát biểu tại các cuộc hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế, bài luận tốt nghiệp ra trường khi còn là sinh viên tổng hợp đến công trình khoa học được Giải thưởng Hồ Chí Minh..., tất cả đều nghiên cứu về loài cá nước ngọt. Suốt cuộc đời làm khoa học của mình, TS Nguyễn Thái Tự gắn bó với những cuộc tìm kiếm các loài cá...


Luôn nỗ lực vì một nguyên lý...


TS. Nguyễn Thái Tự sinh năm 1937 trong một gia đình có 7 anh chị em ở xã Yên Sơn (Đô Lương). Năm 1950 ông vào học trường Quốc học Vinh (nay là Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng), lúc bấy giờ đóng ở xã Bạch Ngọc huyện Đô Lương. Vì thành phần gia đình bị quy sai, việc học của ông bị gián đoạn trong 3 năm. Sau 3 năm ở nhà cày ruộng, ông mới được tiếp tục học lên bậc THPT ở Vinh. "Những năm tháng học THPT ở Vinh vất vả, cơ cực lắm. Tôi cùng người em trai phải làm công nhật để lấy tiền trọ học. Nhưng chính gian khổ đã rèn cho chúng tôi ý chí, nghị lực vươn lên..." - ông bộc bạch.


  774280_small_72730.jpg

           Thầy Nguyễn Thái Tự cùng sinh viên nghiên cứu khoa học

Năm 1959, ông thi đậu vào trường Đại học Tổng hợp, khoa Vạn vật học. Học hết năm thứ 3 đại học, theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông cùng một số đồng nghiệp khác được điều động về giảng dạy tại khoa Sinh Trường ĐHSP Vinh (nay là Trường ĐH Vinh). 40 năm đứng trên bục giảng, ông luôn ghi nhớ lời dạy của GS, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu: "Kết hợp giữa giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và thực tiễn". Những bài giảng của ông không dừng lại ở những kiến thức lý thuyết suông mà luôn gắn với những công trình, những nghiên cứu khoa học. Ông chia sinh viên thành nhiều nhóm nhỏ, đưa họ đi thực địa, đi khảo sát; cùng ông mày mò trong các phòng thí nghiệm... Bao lớp sinh viên đã trưởng thành nhờ cách giảng dạy đó của ông, nhiều sinh viên trong quá trình học đã trở thành những cộng sự đắc lực trong các công trình nghiên cứu khoa học của ông, nhiều người sau này đã trở thành những nhà khoa học nổi tiếng, những giảng viên có tầm...


Suốt đời tìm cá...


Trong gian phòng khách chật hẹp của ông không có những vật trang trí như bình hoa, chậu cảnh, tranh thêu, mà thay vào đó là giá sách, tạp chí nghiên cứu, là những bình, lọ, ống nghiệm đựng các mẫu vật về các cá thể cá. Đó như là một "bảo tàng" thu nhỏ về các loài cá nước ngọt: cá chép ở sông Lam, cá lá giang ở Vũ Quang (Hà Tĩnh), cá ton (Phong Nha, Kẻ Bàng), cá chình, cá bù... Sau nhiều năm nghiên cứu về cá nước ngọt, Tiến sỹ Nguyễn Thái Tự đã sưu tầm được 150 cá thể cá (trong tổng số 500 loài của Việt Nam) ở vùng Phong Nha - Kẻ Bàng và 157 loài cá trên lưu vực sông Lam.


Tên tuổi của ông gắn với những công trình về cá: "Cá nước ngọt sông Lam", "Bảo tồn tính độc đáo và quý báu của đa dạng sinh học cá vùng núi đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng (PN-KB)", "Nguồn lợi cá và bảo vệ loài cá ở Vũ Quang (Hà Tĩnh)", "Khu hệ cá Bến En"; "Một họ cá, một khu địa động vật quan trọng với nghề cá Việt Nam"... Những công trình đó là kết quả của bao nhiêu chuyến cơm đùm, cơm nắm vượt suối băng rừng, lặn lội khắp các con suối, con sông, lăn lộn ở các chợ nông thôn của miền Trung để tìm... cá. Hàng năm trời, ông đi nhờ thuyền của những hợp tác xã đánh bắt cá trong tỉnh, rong ruổi cùng ngư dân trên những con thuyền kéo chài, quăng lưới, lội suối cùng bà con để bắt cá...

Đó là quãng thời gian cả tháng trời cùng ngư dân ăn cơm nắm, ngủ rừng trong núi đá vôi Phong Nha, Kẻ Bàng, là những chuyến theo dân vạn chài Nam Đàn, Thanh Chương để nghiên cứu về loại cá có tên là "cứt cò". Đáng nhớ nhất là cuộc săn tìm cá chình ở đập Thủy điện Sai Phố (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Ông kể: "Năm 1937, nhà khoa học Pháp Chevey tìm được cá chình ở ngoại thành Hà Nội. Sau đó, nhiều nhà khoa học cất công tìm kiếm nhưng không thành. Bản thân tôi cũng săn tìm nhưng thất vọng. Đến năm 1976, nghe tin một số ngư dân ở Hà Tĩnh bắt được cá chình, mừng hơn được vàng, tôi bắt xe vào đến tận nơi nhưng cá đã bị làm thịt và kho làm thức ăn. Mùa nước cạn năm sau đó, tôi cùng các sinh viên lại lặn lội vào đập thủy điện Sai Phố để tìm cá chình. Đợt ấy, nhờ sự giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh, đập Thủy điện đóng cửa, ngăn dòng, nước trong khe rút hết, nước đổi dòng, cá chình ở khe bơi ra và chúng tôi bắt được loài cá bấy lâu nay mong ước. Hiện cá thể cá chình này đang được lưu giữ tại Trường ĐH Vinh...


Những con cá không tên nhỏ li ti, những loài mà ngư dân gọi là "cá đục, cá còm" qua công sức nghiên cứu của ông đã được định danh bằng tên khoa học quốc tế, trở thành tư liệu giao lưu về cá trên phạm vi quốc tế...


"Ý tưởng nghiên cứu về cá, xem nó có lợi gì, loài cá nào quý hiếm, loài nào đang có nguy cơ tuyệt chủng, nguồn gốc, xuất xứ, đặc tính của từng loài, nó ảnh hưởng như thế nào đối với đa dạng sinh học, với nghề cá của các địa phương... đeo đẳng trong tôi từ lâu. Nhưng phải đến những năm 1964, việc tham gia đoàn điều tra động vật và ký sinh trùng do cố GS Đặng Văn Ngữ, Đào Văn Tiến chỉ đạo đã thôi thúc tôi bắt tay vào nghiên cứu. Sau công trình "Cá sông Lam" là hàng loạt bài viết, công trình nghiên cứu khoa học về cá nước ngọt." Ông chia sẻ.


Và đỉnh cao của các
công trình khoa học


Giải thưởng Hồ Chí Minh là phần thưởng cao quý nhất trong lĩnh vực khoa học và công nghệ được tổ chức 5 năm một lần nhằm tôn vinh các nhà khoa học, tác giả công trình khoa học công nghệ xuất sắc, có giá trị trong thực tiễn. Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2012 có 12 công trình, cụm công trình thuộc 5 lĩnh vực: khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học nông nghiệp, khoa học Y dược được trao tặng. TS Nguyễn Thái Tự vinh dự là đại diện duy nhất của tỉnh Nghệ An được nhận giải thưởng đợt này.


Cụm công trình được vinh danh lần này có tên "Động vật chí Việt Nam và thực vật chí Việt Nam, sách đỏ và danh lục đỏ Việt Nam". Đây là công trình lớn liên quan đến nhiều đề tài khoa học do 45 tác giả và 77 cộng sự đóng góp. Riêng TS Nguyễn Thái Tự đã đóng góp phần nghiên cứu chuyên sâu về cá nước ngọt. Đây là công trình mang tầm quốc gia và quốc tế và là kết quả của hoạt động điều tra, khảo sát, nghiên cứu về cá nước ngọt trong suốt một quá trình lâu dài từ đầu thế kỷ tới nay.

Công trình có giá trị trên nhiều lĩnh vực: là tài liệu chuẩn, tương đối đầy đủ để sử dụng vào các công trình nghiên cứu về nông nghiệp, khai thác nguồn lợi thủy sản, nuôi đánh bắt cá có giá trị kinh tế. Các dữ liệu chính xác phân loại học, phân bố, sinh học sinh thái của các loài là cơ sở cần thiết để sử dụng vào nghiên cứu các biện pháp sử dụng các đối tượng có giá trị kinh tế. Chẳng hạn qua công trình nghiên cứu của mình, ông đã phát hiện và chứng minh được Phong Nha Kẻ Bàng chính là chiếc nôi thứ 4 trên thế giới sản sinh ra loài cá chép, cá diếc, góp phần khẳng định Phong Nha, Kẻ Bàng là di sản của nhân loại. Hay việc phát hiện ra các loại cá quý hiếm như cá ton, cá chình... có giá trị xuất khẩu cao; phát hiện ra cá bù sông Lam, cá lá giang ở chân thác Vũ Môn (Vũ Quang, Hà Tĩnh) là những loài mới chỉ có ở vùng này...


Bên cạnh đó, công trình nghiên cứu của ông còn phát hiện ra những loài thuộc danh mục sách đỏ Việt Nam, là cơ sở khoa học cho việc đề xuất và thực hiện các biện pháp bảo vệ các loài cá đã được đánh giá là có nguy cơ tuyệt chủng trong thiên nhiên, góp phần phục vụ bảo tồn thiên nhiên, góp phần đa dạng sinh học cho các vườn quốc gia.


75 tuổi, gần 50 năm dành cho nghiên cứu khoa học về loài cá nước ngọt, nhưng TS Nguyễn Thái Tự vẫn còn rất nhiều dự định, ấp ủ nhiều đề tài khác về cá, và có nghĩa, cuộc tìm kiếm, niềm đam mê với cá vẫn chưa dừng lại...


Thanh Phúc - Thảo Nhi