(Baonghean) Xa quê hương đã khá lâu, những Xứ Nghệ trong ông, không chỉ là mảnh đất thiêng, là nơi quê cha đất tổ mà còn ẩn trong đó là một niềm tự hào...

Tôi tình cờ được gặp ông Nguyễn Trọng Đệ - đồng tác giả của cuốn sách "Văn hóa và con người xứ Nghệ - Những bức chân dung" vào một ngày ông có dịp về quê. Bên tách trà nóng, câu chuyện của chúng tôi xoay quanh cuốn sách dày gần 600 trang vừa xuất bản, được đánh giá là chứa đựng nhiều thông tin nhất về xứ Nghệ trong gần 10 năm trở lại đây.


"Tôi là người yêu sách một cách đặc biệt", những dòng tâm sự của ông định bắt đầu như vậy. Niềm đam mê đó, bắt đầu từ ngày ông còn là cậu sinh viên nghèo ở Trường Đại học Vinh. Khi đó, dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhiều bữa cơm ăn không đủ no nhưng chỉ cần thấy một cuốn sách hay là ông như quên hết và không ít lần, "tôi vay tiền của bạn để mua sách".


Tích cóp, bền bỉ suốt gần 50 năm qua, đến nay, ông có một kho sách đồ sộ với hàng nghìn đầu sách, trong đó có những quyển cực kì quý hiếm mà không phải ai cũng còn cất giữ được.

774084_small_72507.jpg

                    Tác giả Nguyễn Trọng Đệ và PV Báo Nghệ An


Niềm đam mê với sách cũng là cơ duyên để ông đến với cuốn "Văn hóa và con người xứ Nghệ - Những bức chân dung". Ông nói rằng, do đặc thù nghề nghiệp nên ông thường xuyên tìm đọc và nghiên cứu những cuốn sách viết về quê hương.

Thế nhưng, sách thì nhiều, song thường một cuốn sách chỉ viết về một khía cạnh, muốn tìm một cuốn để tìm hiểu về tổng thể xứ Nghệ hầu như không có. Trước thực tế này, ông ấp ủ biên soạn một cuốn sách, một cuốn "từ điển sống" về Nghệ Tĩnh. Nỗi khát khao đó được ông ấp ủ và chuẩn bị hơn 10 năm, đã có nhiều lần ông muốn bỏ cuộc vì "bí" trong quá trình tìm kiếm tài liệu. Bản thân những người bạn, người đồng hương, khi nghe ông trình bày ý tưởng này cũng hết sức e ngại. Ông vẫn còn nhớ lời của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm nói khi nghe ông tâm sự: "Khó đấy, vì đề tài rộng lớn quá, phải thật am hiểu và phải là một con người rất yêu xứ Nghệ".


Trước những thách thức đó, cái khảng khái của người Nghệ trong con người ông càng có dịp được trỗi dậy. Ông đã cùng với Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Duy Quý ròng rã hơn chục năm nghiên cứu, tìm hiểu, sưu tầm và viết hàng trăm trang bản thảo. Khi mọi thứ đã "hòm hòm" thì một vấn đề khác lại nảy sinh, đó là tìm đâu ra kinh phí để in một cuốn sách gần 600 trang, một cuốn sách thật "dày dặn và sang trọng".

Trong hoàn cảnh đó, ông lại nhớ về thời sinh viên, thời còn là anh viên chức nghèo vẫn thường vay tiền bạn đi mua sách nhưng khi nào cũng tự hào là "tôi vay tiền để đi mua cái sang trọng". Để có "cái sang trọng" đó, lần này ông và Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Duy Quý vét hết tiền của gia đình, sau đó vay thêm bạn bè gần 200 triệu đồng nữa để in sách. Bạn bè ông nghe vậy, có người gàn, có người nghi ngại, nhưng đến khi cầm trên tay cuốn sách được in với giấy trắng, bìa láng bóng sang trọng, ai cũng thầm khâm phục.

Điều vui hơn, tuy là sách có tính chất nghiên cứu, khảo cứu nhưng 1.000 cuốn sách vừa xuất bản xong đã được bán gần hết. Điều quý giá ở cuốn sách này là sự trình bày công phu, khối lượng kiến thức đa dạng, phong phú, khắc họa nhiều chân dung nổi tiếng và kho ảnh đồ sộ. Ngoài ra, đọc cuốn sách cảm nhận được tình cảm, tình yêu quê hương và niềm tự hào vô bờ bến của người biên soạn và một "khát khao vừa nồng nàn, vừa mạnh mẽ ấp ủ trong muôn con tim xứ Nghệ muốn góp phần phấn đấu xây dựng quê hương phát triển mạnh mẽ".


Là một người con của xã Nam Trung, huyện Nam Đàn, tác giả Nguyễn Trọng Đệ nguyên là một nhà giáo và đã có nhiều năm đóng góp cho ngành Giáo dục tỉnh nhà. Rời quê hương ra Hà Nội đã lâu, nhưng trong ông tính cách và tâm hồn người Nghệ dường như vẫn nguyên vẹn và càng vun đầy hơn mỗi khi ông có dịp về quê gặp lại bạn bè, đồng nghiệp. Với cuốn sách "Văn hóa và con người xứ Nghệ - những bức chân dung", ông xem đó là một món quà để dành tặng quê hương, đó còn là động lực để ông ấp ủ những dự án tiếp theo, cũng về "quê hương và văn hóa, con người xứ Nghệ".


Mỹ Hà