(Baonghean) - Trong xã hội phong kiến ngày trước, từ "vua" chỉ được dùng để dành cho bậc thiên tử (con trời), thay trời trị dân. Thế nên, vua là vị trí độc tôn, chẳng có ai thay thế được. Thế mà nay, lại xuất hiện chữ vua, nhưng lại ở số nhiều, thế mới lạ. Những ông vua này, cho dù là không có ngai, nhưng uy quyền chẳng kém gì vua phong kiến, bởi họ có thể vượt qua cả pháp luật và định chế nghiêm ngặt để kiếm ăn một cách vô độ và phi pháp. Bài viết "Vua không ngai" của tác giả Duy Hương đã đề cập đến vấn đề này một cách sâu cay.
Hệ lụy của xe quá khổ, quá tải không chỉ ảnh hưởng đến an toàn giao thông mà còn làm cho lòng tin của dân vào cơ quan chức năng hao mòn. Ngay ngày đầu tháng 8/2014, Chính phủ, các cơ quan chức năng và dư luận lại sôi động quanh việc những chiếc xe “vua” lộng hành trên nhiều tuyến đường; xe quá tải đi qua nhiều trạm kiểm tra tải trọng xe ở nhiều địa phương nhưng vẫn không bị xử lý. Sau khi Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cương quyết lập lại trật tự kỷ cương trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong lực lượng thực thi công vụ và xử lý nghiêm các đối tượng “xã hội đen” thì dường như câu chuyện có móc nối, có bảo kê mới dần được sáng tỏ; dường như công tác quản lý mới được xem xét đến.
Đề cập đến hiện tượng này, tác giả viết: "Như mới đây, trong chiến dịch chống xe quá khổ, quá tải, xuất hiện khái niệm “xe vua” dùng để chỉ những chiếc xe tải cỡ lớn được một số vị “tai to, mặt lớn” trong bộ máy công quyền “chống lưng” hay còn gọi là “bảo kê” nên “coi trời bằng vung”, chở quá tải trọng cho phép khá nhiều, nhưng đi lại rất nghênh ngang và có thể vượt trạm cân và vào, ra bất cứ nơi đâu mà không bị lực lượng chức năng tuýt còi".
Sự kiện trên chỉ là một ví dụ rất nhỏ, và cũng chẳng làm nhiều người ngạc nhiên. Bởi trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, không nhiều thì ít, họ đều thấy có những biểu hiện tiêu cực của một bộ phận cán bộ, những người được giao thực thi nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Rõ ràng là, nếu như không có sự móc nối tạo ra tiêu cực của lực lượng thực thi công vụ, nếu như không có tổ chức, không có bảo kê thì liệu rằng những chiếc xe quá tải có ung dung chạy từ Nam ra Bắc được hay không? Vậy nên, chuyện dư luận khẳng định có sự "tiếp tay" cho những chiếc xe quá tải qua mặt các cơ quan chức năng là một thực tế, chẳng có gì phải bàn cãi.
Như thế, hàng đoàn xe nặng lặc lè, "cần mẫn" chạy xuyên ngày, xuyên đêm, bất chấp mọi lệnh cấm có phải là một loại "vua không ngai"? Mà tư lệnh ngành Đinh La Thăng đã phải than rằng: "Chỉ cần dán một phù hiệu lên xe là chạy vô tư mà không bị ai kiểm soát. Phù hiệu không phải của Bộ Giao thông Vận tải, không phải của Bộ Công an, mà của một cá nhân dán lên xe là đi được, hành vi này nằm ngoài hệ thống pháp luật của Việt Nam”. Còn tác giả Duy Hương thì bình tĩnh hơn khi nhận xét rằng: "Thật ra, khái niệm đó đã lặng lẽ lan truyền theo cửa miệng trong dân gian từ lâu rồi (có nơi còn gọi là “xe bùa” vì đã có “lá bùa hộ mệnh” là tên tuổi của một vị chức sắc nào đó). Nhưng nay mới chính thức hiện diện trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong các văn bản chính thống với tư cách một khái niệm mới, sau khi ông Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đăng đàn khẳng định: Hầu như địa phương nào cũng có đoàn “xe vua” được bảo kê bởi một số quan chức địa phương".
Cảm khái từ câu chuyện của những chuyến xe "vua", tác giả viết tiếp "Cũng từ khái niệm này, suy rộng ra, không chỉ có “xe vua” mà còn có các “ngành vua”. Đó là những ngành muốn làm gì thì làm hầu như không phụ thuộc, không chịu sự chi phối, điều chỉnh của bất cứ ai cả. Cụ thể như là xăng dầu, điện và một số ngành độc quyền khác nữa". Đến đây thì người viết đã mở rộng địa hạt, tạm gọi là địa hạt của sự "nhiễu nhương", ra rộng quá rồi. Bởi những ngành "không nói thì ai cũng biết" đấy luôn là các bác hội độc quyền, thích gì làm nấy, hay như dân gian gọi là "một mình một chợ", chẳng ai dám động vào. Từ bấy lâu nay, dân chỉ có è cổ ra mà gánh phí, chứ đã nào dám kêu.
Còn xăng dầu, đây cũng là một câu chuyện dài chưa có hồi kết, và có lẽ chẳng bao giờ mới biết là có hồi kết (dẫu cho là không tốt đẹp lắm đi chăng nữa). Tác giả đã phải rất bức xúc khi viết rằng "Ngành xăng dầu ở ta hoạt động theo cảm tính, thích tăng thì tăng, thích giảm là giảm. Có điều khi tăng thì tăng nhanh, tăng nhiều. Khi giảm thì giảm chậm, giảm ít. Nên giá xăng dầu ở một nước trung bình như Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 2 nghìn USD lại cao hơn nước Mỹ có mức thu nhập tính theo đầu người là hơn 47 nghìn USD. Có mỗi chuyện công khai minh bạch cách tính giá toàn dân và đến cả Thủ tướng đích thân yêu cầu công bố mà ngành xăng dầu cũng chưa thèm có động thái đáp ứng. Rõ là họ chẳng sợ ai và cũng chẳng coi ai ra gì. Lợi ích quốc gia, dân tộc cũng chẳng bằng lợi ích của chính ngành nghề của họ. Tuyên bố một đằng, làm một nẻo đã không bị ai điều chỉnh, răn đe mà lại còn được không ít chức sắc xông ra thanh minh, bênh vực".
Có lẽ cũng không cần nhắc thêm một vài "ông vua không ngai" khác đang lăm le nhảy vào như "Đó là khi nhà máy đạm Ninh Bình và một số nhà máy phân bón khác làm ăn kém cỏi, hàng của họ ế ẩm, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) liền “dâng sớ” lên bộ chủ quản kiến nghị tăng thuế nhập khẩu một số loại phân bón lên thêm 6% nữa để giúp cho ngành phân bón của họ bán được hàng và thoát hiểm. Nếu kiến nghị này được chấp thuận, hàng triệu nông dân lại phải móc túi ra trả tiền cho cái chỗ tăng thêm 6% đó". Đến đây, ta chỉ có thể thêm một lần đồng cảm cùng tác giả Duy Hương, rằng "Một khi còn có những đoàn “xe vua”, những “ngành vua” là còn lợi ích nhóm. Mà còn lợi ích nhóm thì lợi ích của quốc gia, dân tộc tiếp tục bị xem nhẹ, bị coi thường. Cuộc sống của dân chúng sẽ còn gặp nhiều khó khăn. Cho nên, nhất thiết phải có cách để xử lý những “vua không ngai” đó". Đồng cảm và cầu mong sẽ không tồn tại thứ "vua" viển vông, không ngai ấy nữa cho một cuộc sống công bằng hơn.
Người xây dựng