(Baonghean) - Tuần qua, loạt bài “Xung quanh vụ việc người lao động Công ty CP xây dựng cầu đường Nghệ An đòi quyền lợi” (2 kỳ) của nhóm PV đăng trên nhật báo ra ngày 7 - 8/8 có phiếu đề cử tin, bài hay cao nhất. Sau đây là một số lời bình dành cho bài viết.
Xuất phát từ vụ việc người lao động của Công ty cổ phần Xây dựng Nghệ An biểu tình đòi quyền lợi, nhóm PV đã đi sâu tìm hiểu, điều tra làm rõ, qua đó, làm nổi bật được 2 vấn đề chính: Thứ nhất, đó là những thiệt thòi mà người lao động phải gánh chịu; Thứ hai, quy kết trách nhiệm cho các bên liên quan.
Ở kỳ 1 “Người lao động bị bỏ rơi”, các tác giả đã nêu rõ sự việc 5 năm qua, 138 lao động của Công ty CP xây dựng cầu đường Nghệ An mặc dù đã nghỉ việc nhưng chưa được chốt sổ BHXH. Những người này phải sống cảnh dở khóc, dở cười, “tiến thoái lưỡng nan”, không có các chế độ, chính sách tối thiểu của người lao động.
Đó là những lao động như chị Nguyễn Thị Quyên; anh Nguyễn Ngọc Việt, chị Đinh Thị Hương…Trong suốt quá trình làm việc, họ luôn nỗ lực hết mình, tham gia đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ. Đến khi công ty gặp khó khăn, công nhân không có việc làm, họ phải đi làm thuê ở ngoài, hàng quý mang tiền xuống công ty để nộp bảo hiểm xã hội cho mình với mong muốn không bị gián đoạn quá trình tham gia BHXH và sẽ được nhận lương hưu sau khi đến tuổi nghỉ. Vậy nhưng, sau hàng chục năm còng lưng, è cổ xoay đủ đường để đóng BHXH thì giờ đây, khi làm thủ tục để nghỉ hưu, họ lại trắng tay vì công ty đang nợ bảo hiểm xã hội. Thật cám cảnh khi đọc đến đoạn: “Cầm những tờ phiếu thu tiền mặt có đóng dấu đỏ của Công ty CP xây dựng cầu đường Nghệ An trên tay, chị Hương nói như mếu rằng: “Cả đời tui cống hiến cho công ty, sắp đến tuổi nghỉ vẫn phải nai lưng đi làm thuê để có tiền đóng bảo hiểm nhưng hiện nay vẫn không có quyền lợi gì, sổ bảo hiểm không thể chốt”.
Hóa ra, ròng rã 10 năm trời, Công ty cổ phần xây dựng cầu đường nợ BHXH. Theo thống kê của BHXH tỉnh Nghệ An, hiện nay, có 138 lao động của Công ty CP cầu đường Nghệ An đã nghỉ việc, đã giảm đóng bảo hiểm xã hội nhưng vẫn chưa được chốt sổ bảo hiểm xã hội. Trong số này, có 23 người đã đủ thời gian công tác và điều kiện để về hưu, nhưng vì thiếu nợ bảo hiểm xã hội nên vẫn chưa được hưởng chế độ hưu trí. Tình trạng trên đã đặt người lao động vào thế khó, họ không biết xoay sở ra sao, không thể tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội vì từ tháng 8/2013, công ty đã không cho phép công nhân tự đóng bảo hiểm xã hội qua công ty nữa. Nhiều người muốn rút sổ bảo hiểm xã hội để tham gia ở đơn vị khác cũng không thể… Đặc biệt, từ năm 2009 đến ngày 30/6/2014, Công ty CP cầu đường Nghệ An đã không thanh, quyết toán cho 21 trường hợp chế độ ốm đau và 9 trường hợp nghỉ thai sản với cơ quan BHXH khiến quyền lợi người lao động bị xâm phạm một cách nghiêm trọng.
Có thể khẳng định rằng, nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng người lao động kéo đến các cơ quan chức năng để đòi quyền lợi cho mình là do chủ sử dụng lao động – Công ty CP cầu đường Nghệ An đang rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, công ty đang còn nợ thuế Nhà nước hơn 15 tỷ đồng, trong đó riêng tiền phạt là hơn 5 tỷ đồng. Đến thời điểm 30/6/2014, công ty đang nợ bảo hiểm xã hội 3,282 tỷ đồng, nợ các ngân hàng gần 20 tỷ đồng, gồm cả tiền gốc và tiền lãi suất. Đặc biệt, từ nhiều năm nay, việc tổ chức sản xuất, kinh doanh của công ty gặp rất nhiều khó khăn, hầu như không nhận được các công trình xây dựng vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Lãnh đạo công ty không tạo được việc làm cho người lao động khiến mọi người phải chịu cảnh thất nghiệp. Việc nợ đọng bảo hiểm xã hội đã kéo theo quá nhiều hệ lụy mà người lao động chính là những người thiệt thòi nhất.
Nhưng, tại sao từ năm 2004 đến nay, Công ty CP cầu đường Nghệ An liên tục nợ đọng bảo hiểm xã hội, quyền lợi của người lao động không được giải quyết mà cơ quan BHXH vẫn chưa tìm ra được một giải pháp nào thực sự hiệu quả để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Phải chăng, cơ quan BHXH đã đứng ngoài cuộc, người lao động bị bỏ rơi khi công ty khốn khó?
Để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo Công ty CPXD cầu đường Nghệ An qua các thời kỳ từ năm 2004 đến nay, song trách nhiệm của cơ quan BHXH cũng không nhỏ. BHXH là một chính sách thể hiện tính nhân văn, ưu việt, là sự bảo đảm cho an sinh xã hội. Thế nhưng hiện nay những người tham gia đóng bảo hiểm xã hội ở Công ty CPXD cầu đường Nghệ An cũng như một số công ty khác hiện đang đứng trước nguy cơ không được thụ hưởng chính sách BHXH. Đến nay, 138 lao động của Công ty CPXD cầu đường Nghệ An đã nghỉ việc, làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không được chốt sổ BHXH.
Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao tình trạng nợ đọng của công ty kéo dài suốt gần 10 năm nhưng không thể xử lý dứt điểm? Tại sao, ngay từ những năm 2005 - 2006, khi Công ty CPXD cầu đường Nghệ An bắt đầu có tình trạng nợ đọng BHXH, cơ quan BHXH không có các hình thức để thông báo cho người lao động biết họ đang nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN theo quy định? Hay việc họ bị công ty chiếm dụng tiền BHXH, BHYT, BHTN để họ có phương án xử lý, như chủ động xin chốt sổ mang đi đóng tại đơn vị khác hoặc chuyển sang tham gia bảo hiểm tự nguyện... Rõ ràng, trách nhiệm thuộc về cơ quan BHXH. Họ chưa làm hết trách nhiệm của mình với người lao động, bỏ rơi người lao động, khiến họ “thiệt đơn, thiệt kép”...
Người xây dựng