Công bố nghiên cứu về tình hình sinh đẻ của sản phụ tuổi vị thành niên do bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, và các đồng nghiệp thực hiện cho thấy trong 2 năm 2017-2018, tại bệnh viện chuyên ngành sản phụ khoa lớn nhất miền Bắc này có tới 227 sản phụ trong độ tuổi vị thành niên (10-18 tuổi) đến sinh đẻ. Trong số này, có 178 trường hợp đã lập gia đình, số sản phụ 17-18 tuổi chiếm đại đa số (83,5%); số sản phụ từ 14-16 tuổi là 34 trường hợp, trong đó có 4 cháu bé mới 10-13 tuổi.
13338415_1952019.jpgTư vấn sức khỏe sinh sản cho vị thành niên tại một phòng khám ở Hà Nội. Ảnh: Bích Ngọc
Số sản phụ "nhí" là học sinh, sinh viên có 27 người và gần 50 sản phụ chưa lập gia đình. Đây là những người khi mang thai, sinh đẻ sẽ gặp nhiều khó khăn, áp lực. Theo các bác sĩ, tỷ lệ này không nhỏ, qua đó, đòi hỏi sự quan tâm giáo dục về giới tính và sức khỏe sinh sản.

Theo một số bác sĩ sản khoa, không ít bậc cha mẹ thấy con cái bụng ngày càng to lại nghĩ con béo, bị đau dạ dày, bị khối u bụng... "Có em chỉ 13-14 tuổi nhưng đã mang thai 19-20 tuần tuổi mà mẹ không biết, đến khi bác sĩ "bắt bệnh" thì mới té ngửa. Một trong những sai lầm của nhiều bà mẹ khi con cái gặp những bất thường về sức khỏe sinh sản là họ thường đưa con đến bác sĩ nhi khoa trong khi lẽ ra phải đến bác sĩ chuyên khoa sản" - một bác sĩ chia sẻ.

Một thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam ghi nhận, mỗi năm cả nước có hàng trăm ngàn ca nạo phá thai ở độ tuổi từ 15 đến 19 tuổi. Còn theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), mặc dù tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây giảm, nhưng tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên, thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng.

Một sản phụ sinh con khi chưa đủ 18 tuổi. Ảnh: Lê Thạch
Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu của trẻ vị thành niên ngày càng sớm. Các trường hợp 12-13 tuổi có thai không còn hiếm gặp.
Một thống kê trước đó tại Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM ghi nhận trong số hơn 60.000 ca phá thai thì có gần 3.500 trường hợp là trẻ vị thành niên (chiếm gần 6% tổng số ca phá thai).

Theo kết quả khảo sát nhanh về tình hình phá thai to ở trẻ vị thành niên tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương của bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Vân và đồng nghiệp từng công bố trước đó, hơn 10% ca phá thai to ở độ tuổi từ 13-19 tuổi. Theo nghiên cứu này, phần lớn trẻ vị thành niên có hiểu biết về nguy cơ mang thai khi quan hệ tình dục nhưng có đến hơn 80% số em không sử dụng biện pháp tránh thai. Nguy hiểm hơn là nhiều em chỉ nghĩ đơn giản rằng không muốn có con thì bỏ.

Các chuyên gia trong lĩnh vực sản khoa cảnh báo vị thành niên mang thai phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật nhiều hơn người trưởng thành, bởi cơ thể người mẹ chưa phát triển đầy đủ để nuôi dưỡng thai nhi, kéo theo nhiều nguy cơ tai biến sản khoa như: Tiền sản giật, sản giật, chảy máu…

Đặc biệt, nguy cơ thai nghén ở đối tượng này cũng cao hơn, dễ bị các tai biến thai nghén hơn. Trẻ được sinh ra bởi những bà mẹ tuổi vị thành niên cũng có nhiều nguy cơ tử vong cao hơn, sức khỏe yếu ớt, còi cọc, chậm phát triển hơn so với em bé được sinh ra bởi những bà mẹ trưởng thành. Với người mẹ vị thành niên, nhiều em chưa đủ sức cho cuộc đẻ bình thường nên phải mổ lấy thai. Đây có thể là một cú sốc đối với các sản phụ "nhí".