LTS: Báo Nghệ An xin đăng tải bài viết của ông Nguyễn Hồng Hải, Cục phó Cục Thuế Nghệ An nhân chuyến tham quan và học tập của ông tại Nhật Bản.

(Baonghean) - Chính phủ, Bộ Tài chính Nhật không giao dự toán thu thuế cho Tổng cục Thuế. Hệ thống ngành Thuế sắp xếp theo khu vực, không chịu ảnh hưởng theo địa giới hành chính. Việc thu thuế chỉ tuân thủ theo các luật thuế và thực tế kết quả SXKD, thu nhập của người dân Nhật.
 
Chính sách và bộ máy thu thuế của Nhật hiện nay đã duy trì (và cả đổi mới)  gần 119 năm. Pháp luật trao cho công chức thuế đầy đủ quyền hạn để thu thuế theo “văn hóa truyền thống Nhật Bản”. Chính vì vậy công tác quản lý thuế của Nhật cũng mang đặc trưng văn hóa Nhật: Rất tiên tiến nhưng lại rất bảo thủ truyền thống; rất khoa học nhưng lại chấp nhận thực tế một số công đoạn chưa khoa học; rất dân chủ nhưng rất quyết liệt và “độc tài” khi xử người không tuân thủ luật thuế. 
 
Theo thông tin phía bạn trao đổi, cách đây mấy năm tình trạng nợ thuế của Nhật cũng còn căng hơn ở Việt Nam ta hiện nay, doanh nghiệp nghiệp nợ nhiều, quá hạn, không có khả năng thu… Nhưng, họ đã áp dụng các biện pháp “đặc trưng Nhật” một cách quyết liệt, nay tình trạng trốn thuế, nợ thuế lớn hầu như không xảy ra.
 
Với nguồn nhân lực ngành Thuế gần bằng số lượng của ta, để làm tốt nhiệm vụ quản lý thuế, họ có những giải pháp tương đối hay. Chẳng hạn như việc họ tập trung nhân lực, nguồn lực quản lý thuế các doanh nghiệp có quy định rất chặt ở chỗ mức độ kinh doanh nào thì phải thành lập doanh nghiệp… Họ chủ trương “buông” hộ kinh doanh cá thể theo hướng tuyên truyền, hỗ trợ để hộ kinh doanh tự kê khai nộp thuế. Theo thông tin từ phía bạn, thì mảng thuế này cũng có thất thu, nhưng so sánh trên bình diện quốc gia thì không lớn.
 
Cơ quan quản lý thuế chỉ xử lý nặng tay “rất Nhật” mang tính điển hình, răn đe khi phát hiện sai phạm thông qua hệ thống dữ liệu quốc gia hoặc khi có khiếu nại, tố cáo. Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi có vào 3 cửa hàng bán dụng cụ thể thao, dùng nghiệp vụ thuế để thử họ: “Tôi là khách du lịch nước ngoài, tôi không lấy tích kê bán hàng, có thể giảm giá thêm cho tôi không?”. Họ trả lời: “Lấy tích kê hay không, không quan trọng! Nếu muốn hoàn thuế tiêu thụ 8% (tựa như VAT bên ta) thì không được giảm giá vì chúng tôi phải nhập đầy đủ thông tin bán hàng vào máy tính. Nếu muốn giảm giá thì phải trả tiền mặt và không làm thủ tục hoàn thuế tiêu thụ”. Tôi hỏi giảm được mấy %, họ trả lời giảm 20%.
 
Người phiên dịch nhanh miệng giới thiệu tôi ở Việt Nam sang học tập công tác thu thuế của Nhật. Tự nhiên thấy gương mặt họ đổi khác, họ nói họ không thích làm bạn với cán bộ thuế. Người này phàn nàn, kể chuyện các ông thuế Nhật “ác độc lắm”, khổ cho ai chậm nộp đến kỳ cưỡng chế thì bị  khám nhà thu tài sản. Công an và viện kiểm sát khám nhà, bắt người thì khi đi tù về còn có nhà để ở, còn các ông thuế đã khám nhà thì đào bới cả sàn nhà, vách tường, bể tắm, thậm chí cạy tung cả ti vi, tủ lạnh… sau khi khám xong thì “tan hoang như sóng thần”.
 
Ở Nhật Bản, họ triển khai ứng dụng công nghệ thông tin một cách đồng bộ, thống nhất: Tất cả dữ liệu chính phủ, dữ liệu của người dân, dữ liệu doanh nghiệp, dữ liệu khách du lịch đến Nhật đều được cập nhật vào một hệ thống “dữ liệu quốc gia” dùng chung cho tất cả các ngành, từ chính phủ đến người dân. Không sử dụng  nhiều phần mềm ứng dụng “cát cứ” cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương như ta.
 
"Trăm nghe không bằng một thấy", chính nhờ có “hệ thống dữ liệu quốc gia” thủ tục hoàn thuế tiêu thụ cho khách nước ngoài do hộ kinh doanh Nhật tiến hành “nhanh như điện”, chỉ chừng 3 - 5 phút là xong. Nếu tổng tiền thanh toán của người mua trên 10 ngàn yên (tương đương với 1,8 triệu đồng Việt Nam), họ yêu cầu đưa hộ chiếu để quét vào đầu đọc như thể quét thẻ tín dụng ở trang có ảnh và các ký tự, ngay lập tức thông tin của người mua hiển thị trên máy tính: Họ tên, quốc tịch, ngày đến Nhật, thời gian được ở Nhật, số tiền mặt mang theo có kê khai Hải quan… và chỉ một thao tác đơn giản, số tiền hoàn thuế được trừ ngay vào số tiền khách hàng phải thanh toán.
 
Một việc nữa chúng tôi cũng được "mắt thấy, tai nghe" đó là việc Tổng cục Thuế Nhật Bản áp dụng các biện pháp đôn đốc nộp thuế tương đối hay, có thể áp dụng ở Việt Nam. Chẳng hạn như ở các cục thuế vùng, họ có “Trung tâm đôn đốc nộp thuế qua điện thoại”, người nợ thuế sẽ bị nhắc nhở liên tục qua hệ thống tổng đài tự động gọi điện thoại bởi các giao dịch viên suốt cả ngày cho đến khi có sự cam kết nộp thuế.
 
Khi người nộp thuế nhấc máy “hệ thống dữ liệu” sẽ tự động hiển thị lên màn hình thông tin về thuế của DN để giao dịch viên sử dụng. Nếu quá hạn cam kết, công chức thuế sẽ tự động chuyển sang cưỡng chế thu thuế… và quan trọng nhất, pháp luật Nhật Bản cho phép công chức thuế được toàn quyền hành động “kiểu Nhật” đã được pháp luật quy định, để thu bằng được tiền thuế vào NSNN.
 
Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử ở Nhật thua Việt Nam...
 
Khi đến khảo sát tại Cục Thuế vùng Osaka và 1 chi cục vùng Kyoto để tìm hiểu về các quy trình quản lý thuế của họ, tôi tình cờ phát hiện, họ cũng có những cái dở hơn ta... Theo thông tin do Tổng cục Thuế Nhật Bản cung cấp, tỷ lệ DN nộp tờ khai thuế qua mạng internet chưa đến 50%, tỷ lệ nộp thuế điện tử họ không theo dõi, nghe nói chỉ khoảng vài ba chục phần trăm. Họ đang duy trì nhiều hình thức khai thuế: Khai thuế điện tử; Tờ khai thuế thủ công; Tờ khai thuế có mã vạch và muốn gửi qua bưu điện hoặc mang nộp tại cơ quan thuế đều được.
 
Cái mà họ quan tâm là sự hài lòng của người nộp thuế và cái quan trọng nhất là tất cả đều “chạy được trên hệ thống dữ liệu quốc gia”.
 
Duy trì quầy thu tiền mặt tại cơ quan thuế
 
Các ông lãnh đạo cơ quan thuế Nhật có vẻ rất tự hào giới thiệu với chúng tôi khá kỹ quy trình thu tiền mặt tại các chi cục thuế. Họ chỉ máy đếm tiền cho chúng tôi (xem như thể là Việt Nam chưa có), giới thiệu có các chuyên gia kiểm đếm bằng tay nhanh…
 
Ở Nhật không có hệ thống kho bạc như Việt Nam. Người nộp thuế có thể nộp thuế bằng bất kỳ hình thức nào, bất kỳ ở đâu tùy thích.