(Baonghean) - Năm 2014 là một năm có nhiều khó khăn ảnh hưởng đến công tác thu ngân sách của tỉnh. Trong bối cảnh đó, Cục Thuế Nghệ An tập trung nhiều giải pháp xử lý và thu hồi nợ đọng thuế.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ thuế hiện nay một phần do tình hình suy thoái kinh tế kéo dài nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn, thua lỗ, thậm chí phá sản. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp tuy được hưởng chính sách gia hạn thuế, nhưng cố tình không nộp khi đến hạn, chủ yếu là những doanh nghiệp ở các lĩnh vực nông sản, xây dựng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lợi dụng lách luật, chiếm dụng tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT) của Nhà nước...
 
images1099071_chi_c_c_thu__vinh_cu_ng_ch__thu_h_i_n__thu_...jpgChi cục Thuế TP. Vinh thực hiện quyết định cưỡng chế thu hồi nợ thuế.
 
Trước tình hình đó, Cục Thuế Nghệ An đã có nhiều giải pháp hiệu quả nhằm xử lý nợ đọng thuế. Đó là, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp thu nợ tiền thuế đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản khi cấp mới, cấp lại, gia hạn và đề nghị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định tại Điều 58, Luật Khoáng sản; chỉ đạo các chi cục tham mưu cho UBND huyện thành lập và duy trì hoạt động của các ban chỉ đạo, các đoàn kiểm tra liên ngành để xử lý, thu hồi nợ thuế (đến nay đã có 37 ban chỉ đạo và đoàn liên ngành hoạt động). Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành trong công tác thu ngân sách, thu hồi nợ thuế và đã thu được hơn 401 tỷ đồng. Đồng thời, ngành Thuế phối hợp Sở Xây dựng thu hồi nợ của 5 doanh nghiệp, số tiền 804 triệu đồng; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thu hồi nợ của 7 doanh nghiệp, số tiền 1,753 tỷ  đồng; phối hợp Sở Giao thông - Vận tải thu hồi nợ của 4 doanh nghiệp, số tiền 4,583 tỷ đồng; phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường thu nợ thuế của 33 doanh nghiệp, số tiền 17,559 tỷ đồng; kiến nghị Sở Tài nguyên & Môi trường phối hợp đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đối với 6 doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước.
 
Ông Dương Hồng Quảng - Phó phòng tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế - Cục Thuế cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục phối hợp với cơ quan Công an trong xử lý các doanh nghiệp có dấu hiệu phạm tội, bỏ trốn còn nợ thuế; thường xuyên phối hợp với các ngân hàng thương mại để xác minh thông tin về tài khoản của doanh nghiệp, phối hợp để cưỡng chế nợ thuế. 10 tháng đầu năm 2014, chúng tôi đã phối hợp xác minh thông tin, thực hiện cưỡng chế trích tiền từ tài khoản 3.488 lượt doanh nghiệp; số thuế thu hồi qua cưỡng chế 127,9 tỷ đồng... Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên tuyền chính sách pháp luật về thuế, chú trọng công tác tuyên truyền về các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định của luật đến các doanh nghiệp…”. 
 
Một trong những giải pháp quan trọng của công tác thu hồi nợ thuế, là rà soát phân loại các khoản nợ, các doanh nghiệp nợ thuế để áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp từng đối tượng. Thời gian qua Cục Thuế chỉ đạo các chi cục thực hiện hoàn thiện hồ sơ của các hộ kinh doanh đã được phân loại vào nhóm nợ khó thu có đủ điều kiện xóa nợ theo hướng dẫn tại Thông tư số 179/2013/TT-BTC. Kết quả toàn cục đã được Tổng cục Thuế ban hành quyết định xóa nợ cho 12.273 hộ kinh doanh, số tiền nợ được xóa 6,774 tỷ đồng. Đối với doanh nghiệp bỏ trốn còn nợ thuế hoặc giải thể không tuân theo pháp luật, doanh nghiệp có dấu hiệu tội phạm đã củng cố hồ sơ chuyển cơ quan Công an phối hợp kịp thời để ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật về thuế. 
 
Đối với nợ chờ xử lý, Cụ̣c Thuế ban hành công văn chỉ đạo về việc phối hợp xử lý các khoản nợ “ảo” như: Phối hợp Kho bạc Nhà nước xử lý các khoản nợ xây dựng cơ bản vãng lai ngoại tỉnh, số đã nộp ngân sách do sai sót chờ điều chỉnh, nợ nộp nhầm vào tài khoản vãng lai, nợ tiền thuê đất chờ ghi thu, ghi chi, nợ có hồ sơ miễn, giảm... Ngoài ra, thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo kết luận hội nghị với các doanh nghiệp nợ thuế lớn tại Thông báo số 375/TB-UBND.TM của Chủ tịch UBND tỉnh...
 
Theo số liệu tổng hợp, tổng số nợ thuế trên địa bàn tỉnh đến 31/10/2014 là 782 tỷ đồng,  giảm 64 tỷ  so với 6 tháng đầu năm 2014. Tỷ lệ nợ thuế trong ước thu ngân sách 2014 là 12,5%. Như vậy, mặc dù ngành Thuế đã triển khai nhiều biện pháp để thu hồi nợ thuế, nhưng số nợ đến thời điểm này vẫn chưa giảm nhiều so với nợ tại thời điểm trước 30/6/2014. Nguyên nhân được ngành Thuế lý giải là do thuế GTGT (khai quý) phát sinh quý 3/2014 kê khai vào ngày 30/10/2014 các doanh nghiệp chưa nộp vào ngân sách làm tăng nợ (19,9 tỷ đồng); tăng tiền chậm nộp phát sinh từ tháng 7/2014 đến tháng 10/2014 (19,3 tỷ đồng); chính sách quy định về khai thuế thay đổi giảm tần suất nên có nhiều doanh nghiệp khai thuế tháng chuyển sang khai quý, doanh nghiệp không có khả năng tài chính để thanh toán một lần; chính sách quy định về hoàn thuế GTGT chuyển đổi từ âm thuế 3 tháng lên 12 tháng, dẫn đến nhiều doanh nghiệp có số thuế âm kéo dài nhưng vẫn chưa đủ 12 tháng nên không đủ điều kiện hoàn thuế để bù trừ nợ… 
 
Hiện nay, thị trường bất động sản tuy có dấu hiệu ấm lên nhưng chưa bền vững, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; các đơn vị trong lĩnh vực xây dựng gặp nhiều khó khăn; đồng thời việc giải ngân đối với các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách còn chậm; điều kiện cho vay chặt chẽ của các ngân hàng cũng đã tác động lớn tới khả năng tài chính của người nộp thuế. Vì thế, số nợ thuế trong lĩnh vực xây dựng cơ bản chiếm tỷ trọng cao trong tổng số nợ thuế, nên công tác đôn đốc nợ thuế đối với các khu vực này gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh, tự giải thể không tuân thủ theo Luật Doanh nghiệp; bỏ trốn hoặc có dấu hiệu tội phạm còn nợ thuế dẫn đến nợ khó thu tăng. Nợ thuế đối với các trường hợp này đã tăng từ 83,6 tỷ đồng (30/6/2014) lên 92 tỷ đồng (thời điểm này) và dự báo vẫn có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. 
 
Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2014 cũng như thời gian tiếp theo, bên cạnh việc khai thác thêm nguồn thu, ngành Thuế đưa ra các giải pháp tăng cường thu hồi nợ thuế. Cục trưởng Cục Thuế Nguyễn Đình Hòa cho biết: “Thời gian tới, tình hình kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn, tác động đến kết quả sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế. Các doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính, không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình, dẫn tới nợ đọng tiền thuế. Để phấn đấu giảm nợ đến mức thấp nhất đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, ngoài sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cơ quan thuế từ tỉnh, huyện, đến các đội thuế đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp tích cực của các ngành.
 
Đối với ngành Thuế, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục  làm tốt công tác tham mưu; chủ động phối hợp với các ngành trong công tác thu ngân sách, thu hồi nợ thuế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; Rà soát phân loại các khoản nợ, các doanh nghiệp nợ thuế để áp dụng biện pháp cưỡng chế cho phù hợp với từng đối tượng; tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp thu nợ đối với các phòng, Chi cục Thuế. Với những biện pháp đó, chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp nâng cao tinh thần phối hợp để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách…”. 
 
Bài, ảnh: Thu Huyền