(Baonghean) - Những năm qua, phong trào xây chợ, chỉnh trang chợ sôi động với nhiều hy vọng. Tuy nhiên, nhìn toàn cảnh trong công tác xây dựng, phát triển chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh ta cho thấy vẫn còn nhiều bất cập…
 
Qua tìm hiểu, được biết, tháng 5/2010, Trung tâm thương mại chợ Rộ (Võ Liệt - Thanh Chương) được cắt băng khánh thành sau 2 năm thi công, nhưng sau ngày khai trương đến nay, chợ vẫn chưa một lần họp. Hiện tại sân chợ cỏ dại mọc um tùm, nhiều hạng mục đã bị xuống cấp, các khu đất trống xung quanh được người dân đào ao nuôi vịt, thả cá, phơi nông sản... Tương tự, chợ Cô Ba ở xã Châu Bình - huyện Quỳ Châu được xây dựng trên diện tích hơn 2.000m2, gồm có 10 ki-ốt phía ngoài bám mặt đường và 1 đình chợ, có bờ rào bao xung quanh và hệ thống nhà vệ sinh, mương thoát nước (thay thế cho chợ tạm trước đây họp tự phát tại chân cầu Tràn), nhưng xã đã tổ chức cưới chợ 2 lần mà dân vẫn không chịu vào họp. Nguyên do là trong quá trình xây dựng một số hộ đã làm ki-ốt, lán kinh doanh ổn định tại nhà, hoặc dùng xe máy đi rao bán, dần dần người dân quen mua bán kiểu phục vụ tận nơi; một số tiểu thương khác lại cho rằng chợ nằm khuất, sâu cách mặt đường hơn 30m nên khó kinh doanh. Hiện tại, để tránh lãng phí khu đình chợ, UBND xã đã cho các gia đình thuê cải tạo lại để kinh doanh cà phê, nước giải khát… 
 
Còn tại TP. Vinh, chợ Cọi sau khi được nâng cấp (ở xã Hưng Lộc - TP Vinh) từ tháng 1/2011 với tổng kinh phí 14,5 tỉ đồng. Sau hơn 1 năm thi công xây dựng, chợ Cọi mới được đưa vào sử dụng nhưng hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với vốn đầu tư. Chợ có tổng diện tích mặt sàn hơn 8.600m2, theo quy hoạch được phê duyệt chợ xây 2 tầng, phần đình chính của tầng 1 sử dụng vào mục đích kinh doanh, buôn bán, mặt bằng tầng 2 của dãy nhà phía trước khu chợ được phép cho thuê làm văn phòng đại diện của các công ty. Nhưng hiện nay, các quầy ốt tầng 1 chưa được sử dụng hết, còn ở tầng 2,  Hợp tác xã Hưng Lộc (đơn vị quản lý chợ Cọi) lại cho một số hộ thuê ở sinh hoạt hàng ngày. Theo Quyết định số 1050/QĐ - UBND ngày 15/4/2014, chợ Cọi được phân loại chợ hạng 2 nhưng BQL chợ đề nghị muốn giữ ở mức chợ hạng 3 vì hiện tại và thời gian tới sức mua vẫn chưa nhiều, doanh thu lợi nhuận thấp…
 
Việc các chợ chưa phát huy được hiệu quả nguyên do ở mô hình tổ chức quản lý, khai thác chợ bộc lộ nhiều nhược điểm. Đội ngũ quản lý chợ không phát huy được chức năng, mức thu phí còn tuỳ tiện. Đặc biệt, khi xây dựng các chợ ở miền núi vùng cao chưa nghiên cứu kỹ về tâm lý, phong tục, tập quán cũng như các mặt hàng trao đổi buôn bán tại địa phương; chưa lấy ý kiến người dân trong việc quy hoạch chợ gắn với quy hoạch sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm... Để phát triển chợ một cách hợp lý, đồng bộ thì các cấp, các ngành và địa phương cần chủ động rà soát, bảo đảm cơ sở khoa học và thực tế của các quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển chợ, lựa chọn cơ chế quản lý phù hợp, cân đối các lợi ích giữa chủ đầu tư với tiểu thương và các mục tiêu kinh tế - xã hội khác.
 
Cần coi trọng các yêu cầu thiết kế kỹ thuật, phát triển các cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ kinh doanh chợ theo hướng đồng bộ; khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tiểu thương, hộ gia đình vào chợ kinh doanh đúng chức năng, ngành nghề... Vấn đề đặt ra là xây dựng và quản lý chợ phải thực hiện đồng bộ, phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân, hạn chế được tình trạng lãng phí chợ, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương phát triển và hoàn thiện tiêu chí chợ trong xây dựng nông thôn mới.
 
 Ngọc Anh