(Baonghean) - Thông qua các chương trình, dự án, nhiều công trình nước sạch ở Kỳ Sơn được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, không ít công trình đã bị xuống cấp, hư hỏng...

Tại huyện Kỳ Sơn, sau trận lũ lớn từ năm 2011 đến 2013, đã có trên 50% số công trình nước sinh hoạt tự chảy bị hư hỏng nặng. Những công trình hư hỏng nhẹ thì các xã có thể huy động người dân góp sức tự khắc phục, nhưng đối với những công trình hư hỏng nặng, nguồn kinh phí sửa chữa lớn thì bỏ hoang, trong khi người dân lại chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt.
 
images1488934_ks2.jpgDo công trình nước bị hư hỏng, bà con bản Phiêng Pô, Phà Đánh phải mua ống nhựa dẫn nước về sử dụng.

Bản Kim Đa, xã Phà Đánh có gần 100 hộ dân, tháng 3 đến tháng 10 hàng năm luon chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt. Chị Cụt Mẹ Tâm cho biết: Năm 2004, bản được xây dựng 1 bể nước. Tuy nhiên, do các đợt mưa lũ đã phá hỏng đường ống đầu nguồn. Sau đó, để có nước sinh hoạt, một số hộ góp tiền mua ống nhựa dẫn nước từ thượng nguồn khe Kim Đa về, các hộ khó khăn thì đi lấy nước gần bên vách núi.

Tương tự, tại bản Phiêng Pô, xã Phà Đánh có 62 hộ dân, lâu nay bể nước bỏ hoang, hầu hết người dân chung nhau mua ống nhựa lấy nước từ các khe suối về. Một số hộ chung nhau đào hố tráng bê tông để “lóng” nước từ vách núi.
 
Người dân bản Kim Đa, xã Phà Đánh lấy nguồn nước sinh hoạt bằng đường ống nhựa tự mua.

Bà Vi Thị Thanh - Phó Bí thư Đảng ủy xã Phà Đánh cho biết: Toàn xã Phà Đánh có 6 công trình nước sinh hoạt tự chảy, với tổng số 30 bể chứa nước tại 10 bản, Thế nhưng, đến thời điểm này đã có hơn 2/3 bể chứa nước bị bỏ hoang vì không còn nguồn nước cung cấp. Đặc biệt, đối với các bản Kèo Lực 1, Kèo Lực 2, Phà Khảo... do ở xa nguồn nước nên nhân dân phải đầu tư đường ống dẫn nước rất tốn kém. Bà con đang rất cần được Nhà nước quan tâm sớm sửa chữa công trình để người dân có nước sinh hoạt.

Tại xã Nậm Cắn, công trình nước sinh hoạt được xây dựng từ năm 2006, đã bị hư hỏng nặng do mưa lũ. Nhà nước đã đầu tư kinh phí sửa chữa, tuy nhiên vẫn không đáp ứng được. Ông Hờ Chống Nhìa - Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn cho hay: Xã có 6 bản, 10 bể nước nhưng hiện nay công trình nước sạch chỉ mới đáp ứng được 40%, hiện nay các bản Huồi Pốc, Na Kha, Noọng Dẻ... hệ thống đường ống dẫn nước bị hỏng.
 
Căng bạt để hứng nước mưa sử dụng - một giải pháp của người dân Mường Lồng. Ảnh: Thu Huyền

Ở xã Huồi Tụ, vấn đề nước sạch càng nan giải, hầu như thiếu nước quanh năm. Cả xã có 22 bể nước sinh hoạt, trong đó, 60% số bể đã xuống cấp không sử dụng được. Chưa kể một số khe suối đang trong tình trạng khô cạn do rừng đầu nguồn bị chặt phá. Do thiếu nước sinh hoạt, người dân Huồi Tụ phải cắt cử người ở nhà lấy nước. Có thời điểm nước khan hiếm, nhiều người phải vượt 3 - 4 km vào rừng tìm những mạch nước rỉ ra từ khe núi để hứng rồi gùi từng can nhựa mang về nhà.

Toàn huyện Kỳ Sơn có gần 150 công trình nước phục vụ sinh hoạt cộng đồng đồng bào các dân tộc với tổng kinh phí đầu tư gần 100 tỷ đồng từ các chương trình đầu tư như: Chương trình 134, 135/CP... Nhưng do nhiều nguyên nhân, do độ cao lớn, đầu tư thiếu đồng bộ cũng như quá trình khảo sát thi công hạn chế nên nhiều công trình nước sạch đã xuống cấp, hầu hết các xã đều thiếu nước sinh hoạt.
 
Bài, ảnh: Văn Trường