(Baonghean.vn)- Một nguyên nhân lớn khiến nạn phá rừng ở Quỳ Châu là bởi tình trạng thiếu đất sản xuất trong nhân dân. Tuy nhiên có những hộ dân vẫn vin vào lý do này để hợp thức hóa việc phá rừng.
Qua việc xác minh của phóng viên Báo Nghệ An, chính quyền địa phương đều thừa nhận có thực trạng phá rừng. Trong năm 2015 chính quyền xã Châu Nga đã xử lý 9 vụ vi phạm phát lấn sang diện tích rừng không được cải tạo. Riêng từ đầu năm 2016, ở xã Châu Hội đã xử lý 10 hộ dân tự ý phát diện tích rừng được Nhà nước giao khoanh nuôi bảo vệ. Về hiện tượng chặt gỗ rừng về bán cho đầu nậu, ban đầu chính quyền địa phương không khẳng định là có hiện tượng này, đến khi phóng viên xuất trình bằng chứng, lãnh đạo 2 xã Châu Nga và Châu Hội mới tỏ ra “ngớ người” và nói rằng sẽ cho kiểm tra xử lý.
Chính quyền địa phương cũng như cán bộ thôn bản đều có chung một ý kiến rằng nguyên nhân của tình trạng phá rừng ồ ạt tại một số xã trên địa bàn huyện Quỳ Châu đều do người dân thiếu đất sản xuất và việc làm. Những diện tích rừng được giao ngày càng trở nên nghèo kiệt, còn rất ít gỗ có giá trị kinh tế trong khi người dân lại gặp khó khăn trong việc cải tạo để chuyển đổi sang trồng keo hay các loại cây trồng khác có thể mang lại thu nhập.
Thiếu đất sản xuất, người dân đành phải vào rừng phát rẫy trồng keo, đào ao nuôi cá, khai hoang ruộng nước, trong khi phần lớn những diện tích này chỉ được giao khoanh nuôi bảo vệ. Khi thiếu ăn hoặc cần tiền trang trải các sinh hoạt phí, cách khả dĩ nhất của bà con vẫn là vào rừng đốn gỗ đem bán.
Một nguyên nhân nữa khiến những cánh rừng ở xã Châu Nga, Châu Hội vẫn bị rút ruột là trên địa bàn vẫn còn những đầu nậu gỗ, những xưởng cưa ngang nhiên hoạt động. Theo ông Nguyễn Viết Khánh - Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Quỳ Châu thì chỉ có một số xưởng cưa ở xã Châu Nga được cấp giấy phép kinh doanh. Có cầu, ắt sẽ có cung. Những đầu nậu gỗ vẫn ngang nhiên hoạt động nên người dân vẫn vào rừng đốn gỗ về bán.
Trong chuyến thâm nhập thực tế tại bản Kẻ Tằn 2, chúng tôi ghé thăm nhà ông Lữ Văn Phong. Người đàn ông 44 tuổi có vẻ ngoài khắc khổ cho biết gia đình có 5 miệng ăn, lại phải đang nuôi 2 con ăn học nhưng chỉ có 700m2 ruộng nước, trong khi số diện tích đất rừng được giao lại không được phép cải tạo. Rừng ít, gia đình này phải mua củi từ người khác để đốt than trang trải các khoản sinh hoạt hàng ngày và nuôi con ăn học.
Còn tại bản Thanh Sơn xã châu Nga có 76 hộ dân và hầu hết đều đã được giao đất giao rừng theo Nghị đinh 163 nhưng vì không được phép cải tạo mặc dù nhiều diện tích đã trở nên nghèo kiệt nên phần lớn người dân vẫn thiếu đất sản xuất. Trưởng bản Thanh Sơn, ông Lô Văn Cương chia sẻ: Trong bản có đến nửa số hộ dân hiện đang vào rừng đốt củi đốt than hoặc chặt gỗ về bán cho đầu nậu, nói chung là những hoạt động trái phép làm hại đến rừng.
Ông Nguyễn Xuân Hòa, chủ tịch UBND xã Châu Nga cũng cho biết toàn xã có 2.115 nhân khẩu phân bố tại 6 bản nhưng chỉ có 59 ha đất nông nghiệp. Để phát triển kinh tế đa ngành trên địa bàn này là một điều rất khó khăn. Thời gian nông nhàn người dân chủ yếu vào rừng hái măng, kiếm củi. Nhiều nhà nghĩ rằng để rừng vậy sẽ không sinh lời nên muốn phát cải tạo làm đất sản xuất.
Như vậy có thể thấy rằng một nguyên nhân lớn khiến nạn phá rừng ở Quỳ Châu là bởi tình trạng thiếu đất sản xuất trong nhân dân. Tuy nhiên vẫn phải nói thêm rằng vẫn có những hộ dân vẫn vin vào lý do này để phá rừng. Chính vì thế giải pháp của chính quyền huyện vẫn là “kiên quyết xử lý”.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Đức Thuận, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết: Từ ngày 01/03/2016 huyện đã thành lập đoàn truy quét xử lý nạn chặt phá rừng, kiểm tra xử lý những xưởng cưa xẻ trái phép, cho cắt điện những xưởng không giấy phép kinh doanh. Trên địa bàn có nhiều chủ rừng. Nếu chủ rừng nào sai phạm sẽ kiên quyết xử lý chủ rừng đó.
Để tránh việc người dân phát lấn vào những diện tích không được phép cải tạo, ông Ngô Đức Thuận cho biết thêm: Hàng năm chính quyền huyện phối hợp với xã kiểm tra, rà soát những diện tích rừng nghèo kiệt để người dân cải tạo, tìm thêm kế sinh nhai. Còn đối với những diện tích đất rừng thuộc quy định của Nghị định 163 mà người dân vi phạm chính quyền đã lập biên bản, xử lý hành chính và sẽ ra quyết định thu hồi lại số diện tích này.
Xem ra việc xử lý bằng hành chính hay thu hồi đất của người dân có lẽ chỉ là biện pháp trước mắt. Đối với những người dân sống gần rừng lại khó phát triển ngành nghề như các địa bàn Châu Nga, Châu Hội việc bà con vào rừng lúc nông nhàn hay phát rừng lấy đất sản xuất cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên cũng có những người xem thường pháp luật, “thấy người khác phát rừng được thì mình cũng làm được” là cần kiên quyết xử lý. Ngoài ra thì việc tuyên truyền về luật bảo vệ rừng vẫn chưa được chính quyền các cấp quan tâm. Ngay khi phát hiện hiện tượng chặt lấn rừng chỉ được khoanh nuôi bảo vệ, chính quyền xã Châu Hội chỉ họp các trưởng bản lại để tuyên truyền mà chưa có kế hoạch tuyên truyền về luật bảo vệ rừng đến tận người dân.
NPV