Nỗi lo thiếu lớp
Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (TP.Vinh) là một trong những ngôi trường có khuôn viên khá đẹp trong hệ thống các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Vinh. Tuy nhiên, từ hơn 2 năm trở lại đây, do thiếu phòng học nên trong khuôn viên trường việc bố trí lớp học hết sức khó khăn. Bất cập nhất hiện nay là phòng Tin học. Từ đầu năm học 2020 - 2021, nhà trường phải trưng dụng 2/3 phòng đa chức năng để làm phòng học Tin cho học sinh, 1/3 diện tích còn lại được thưng tạm và trở thành phòng bếp dùng để chế biến thức ăn hàng ngày cho hơn 1.000 học sinh bán trú của trường.
Do dùng chung một khu nhà, việc học của thầy và trò hết sức chật vật. Chưa kể, dù đã được nhắc nhở và có ý thức để đảm bảo giờ học cho học sinh nhưng trong quá trình chế biến, khu vực nhà bếp vẫn thường xuyên phát ra tiếng động và mùi thức ăn, ảnh hưởng khá lớn đến khả năng tiếp thu bài của học sinh.
“Việc dạy học Tin học trong phòng chức năng khó khăn hơn nhiều so với dạy học ở lớp học bình thường, bởi phòng học quá rộng và học sinh thì chỉ ngồi có một dãy. Trong khi đó, tiếng ồn thì rất nhiều”.
Không chỉ riêng phòng Tin học, năm học này, phòng Âm nhạc, phòng Mỹ thuật và một số phòng chức năng khác của Trường Tiểu học Nguyễn Trãi đã phải chuyển đổi thành phòng học cho học sinh do sĩ số lớp tăng nhanh (tăng 4 lớp).
Trước thực tế này, UBND phường Quán Bàu vừa tiến hành xây dựng thêm 10 phòng học cho nhà trường, chuẩn bị cho năm học tới. Tuy nhiên, theo dự báo, năm học tới, số học sinh trên địa bàn tăng đến 8 lớp (tăng nhiều nhất trên toàn thành phố với hơn 200 học sinh) nên dù đã bổ sung phòng học thì trường vẫn thiếu 7 phòng học và các phòng chức năng (gồm 2 phòng dạy văn hóa, 2 phòng Ngoại ngữ, 1 phòng Tin học, 1 phòng Âm nhạc và 1 phòng Mỹ thuật).
Cô giáo Trần Thị Nga - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Những năm gần đây, trên địa bàn phường có khá nhiều chung cư mới được xây dựng nên số lượng học sinh đến tuổi phổ cập tăng nhanh, đặc biệt là học sinh lớp 1. Với thực trạng này kéo dài thì không chỉ sang năm học tới mà nhiều năm tiếp theo trường vẫn phải tiếp tục dạy học luân phiên và học sinh sẽ phải học thêm vào thứ Bảy. Vì vậy, chúng tôi cũng đang tham mưu để xây dựng cơ sở 2 hoặc bố trí thêm phòng học cho các năm tới”.
Ở Trường Tiểu học Hưng Lộc (TP. Vinh), tình trạng thiếu lớp cũng đã được dự báo trước nhiều năm nay, bởi năm học này trường đang thiếu 5 phòng học. Sang năm học tới, dự kiến trường sẽ tiếp tục tăng thêm 4 lớp 1 và việc bố trí phòng học cho học sinh rất vất vả, dù đã phải học luân phiên.
“Hiện UBND xã Hưng Lộc và thành phố đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở 2 cho Trường Tiểu học Hưng Lộc với 15 phòng học. Nếu dự án kịp tiến độ thì năm học tới, trường sẽ đảm bảo đủ lớp học cho học sinh và cũng thuận lợi hơn cho phụ huynh trong quá trình đưa đón”.
Trên toàn thành phố Vinh, năm học tới, dự kiến sẽ tăng thêm 30 lớp 1 với khoảng 4.000 học sinh. Điều này cũng có nghĩa, toàn thành phố sẽ thiếu khoảng 30 lớp học và chắc chắn sẽ gây áp lực cho rất nhiều nhà trường.
“Hiện nay, các nhà trường đã thực hiện chương trình phổ thông mới nên ngoài phòng học thì cũng cần bố trí đủ phòng chức năng để tổ chức các môn học như Tin học, Ngoại ngữ cho học sinh. Vì vậy, thành phố đang cố gắng để các công trình xây dựng sớm hoàn thành trước thời điểm năm học mới. Đồng thời, sẽ tiếp tục tham mưu để thực hiện quy hoạch lại mạng lưới trường lớp cho những năm tới, đảm bảo đủ phòng học tổ chức dạy và học ở các nhà trường”.
Sáp nhập điểm lẻ, bố trí bán trú
Nghệ An là tỉnh có diện tích rộng, nhiều huyện miền núi cao, giao thông đi lại khó khăn. Vì thế, ngoài hơn 1.530 trường học ở các cấp học, toàn tỉnh vẫn còn hơn 1.000 điểm trường lẻ. Đây cũng chính là khó khăn của các nhà trường nhằm thực hiện Chương trình phổ thông tổng thể 2018. Trong đó, theo quy định, tất cả học sinh lớp 3 sẽ phải học bắt buộc hai môn Tin học và Ngoại ngữ.
Tại các huyện miền núi cao, việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mớiđang tạo áp lực lên các nhà trường, bởi hiện nay ngoài thiếu giáo viên thì việc bố trí quá nhiều lớp ở quá nhiều điểm trường đang gây khó khăn cho các nhà trường. Tại huyện Tương Dương, theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo, hiện nay toàn huyện có 19 trường tiểu học nhưng có tới 71 điểm trường lẻ. Vì thế theo quy định, sĩ số tối thiểu ở một lớp tiểu học là 35 học sinh/lớp thì ở huyện Tương Dương chỉ đạt tỷ lệ 18,2 học sinh/lớp.
Việc bố trí quá nhiều điểm trường không chỉ gây khó khăn cho các nhà trường trong việc bố trí giáo viên, mà còn gây khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ dạy và học. Như tại Trường Tiểu học Yên Tĩnh, hiện trường có 4 điểm trường và điểm xa nhất cách điểm trường trung tâm khoảng 15 cây số. Để đảm bảo việc dạy và học cho học sinh, các giáo viên bộ môn như Mỹ thuật, Thể dục vẫn phải dạy “chạy” luân phiên giữa các điểm trường. Tuy nhiên, để dạy môn Tin học và Ngoại ngữ thì khó khả thi bởi đây là môn đặc thù cần phải có máy móc và các phòng học chuyên biệt và nếu được đầu tư thì chỉ tập trung ở điểm trường trung tâm.
Ông Kha Văn Lập - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương nói thêm: “Theo lộ trình, trong 2 năm tới chúng tôi phải tiến tới sáp nhập các điểm trường lẻ, trước mắt là chuyển học sinh từ lớp 3 đến lớp 5 về điểm trường chính. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là cơ sở vật chất ở các điểm trường chính chưa đảm bảo, thiếu phòng học, phòng chức năng và thiếu cả đội ngũ giáo viên. Thực tế hiện nay, tỷ lệ trường tiểu học tổ chức dạy Ngoại ngữ và Tin học còn thấp so với toàn tỉnh, trong đó Ngoại ngữ có 12/19 trường và Tin học là 4/19 trường”.
Để chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình phổ thông tổng thể mới, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đang tiến hành khảo sát thực tế mạng lưới trường lớp ở các địa phương để xây dựng đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, đối với các huyện miền núi cao, song song với việc sáp nhập các điểm trường lẻ, sẽ tiến hành xây dựng các trường tiểu học dân tộc bán trú nhằm tạo điều kiện cho những học sinh ở xa được ăn, ở tại trường.
Qua đó, để đảm bảo từ năm học 2022 - 2023 có 100% học sinh lớp 3, 4, 5 được học Ngoại ngữ, Tin học. Bên cạnh đó, Nghệ An cũng đang dự kiến sáp nhập các cơ sở giáo dục đối với các xã, phường có từ 2 cơ sở giáo dục công lập trở lên cùng cấp học nhưng có quy mô nhỏ hoặc xem xét sáp nhập với các cơ sở giáo dục khác cùng cấp ở các xã lân cận, hoặc liên cấp trong cùng một xã thành trường liên xã hoặc liên cấp...
Việc quy hoạch lại mạng lưới trường lớp là điều cần thiết để tạo điều kiện cho học sinh ở tất cả các địa bàn được học tập đầy đủ theo đúng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng thời, qua đó giải quyết được bài toán thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng dạy và học ở các nhà trường và xây dựng trường lớp ngày một khang trang, đẹp đẽ, đạt tiêu chí về trường chuẩn quốc gia.