Kết quả của việc bình chọn từ cơ sở cũng sẽ là một trong những căn cứ để Hội đồng lựa chọn SGK tỉnh chọn ra bộ sách giáo khoa cho Nghệ An trong năm học 2021 - 2022. Báo Nghệ An đã ghi lại ý kiến của một số giáo viên tại các nhà trường.
Cô giáo Phan Thị Vân Hường - Giáo viên Trường THCS Phú Hồng (Yên Thành):
Đến thời điểm này, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ 3 bộ sách giáo khoa lớp 6 môn Ngữ văn theo chương trình mới và cá nhân tôi lựa chọn bộ sách “Kết nối tri thức”.
Tổng quan ban đầu, bộ sách này được viết theo hướng phát triển năng lực học sinh, cấu trúc tường minh, rõ ràng và giúp học sinh phát triển các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết đúng như mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Về phần nội dung của bộ sách này không nặng, giúp học sinh vận dụng kiến thức kỹ năng đã học vào ứng dụng với thực tiễn, các văn bản đọc hiểu phù hợp với trình độ học sinh lớp 6. Đặc biệt, các vấn đề được đưa ra trong bài học rất gần gũi với học sinh lớp 6 và đời sống của các em. Ví dụ, trong các văn bản, tôi rất thích bài thơ “Bắt nạt” của Nguyễn Thế Hoàng Linh, một bài thơ hay, dễ hiểu với những ngữ liệu đơn giản, khơi gợi cảm xúc.
Ở cuốn sách này, hệ thống câu hỏi khoa học, theo hướng mở và không nặng về tính hàn lâm như chương trình cũ. Một ưu điểm khác là các nội dung trong bài học kết nối chặt chẽ với nhau, trung tâm của bài học là văn bản, phù hợp với định hướng dạy học hiện nay.
Với cuốn sách này, tôi nghĩ việc tổ chức dạy học không quá khó bởi cuốn sách được viết trên cơ sở kế thừa chương trình cũ với một số bài học cũ. Đồng thời phát triển các phần mới, phát triển kỹ năng của học sinh. Với thiết kế chương trình mới, học sinh cũng sẽ tiếp thu bài học nhẹ nhàng, đơn giản và có thể vận dụng vào tình huống thực tiễn”.
Clip: Đức Anh |
Thầy giáo Trần Sơn Hồng - Giáo viên môn Toán, Trường THCS Đội Cung (thành phố Vinh):
“Qua nghiên cứu bộ sách giáo khoa lớp 6 mới được thực hiện từ năm học 2021 - 2022, chúng tôi thấy có nhiều ưu điểm. Thứ nhất là hình thức trình bày đẹp và phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh. Thứ hai là cách tiếp cận vấn đề toán học của Chương trình phổ thông 2018 nó phù hợp với hình thành các năng lực cơ bản và đặc thù của môn Toán. Chẳng hạn, cách tiếp cận các phần hình học của lớp 6 nó sẽ dễ dàng hơn so với chương trình cũ. Bởi lẽ trước đây cách thiết kế chương trình rời rạc nhưng nặng tính hàn lâm và đòi hỏi học sinh phải ghi nhớ nhiều. Nhưng cách tiếp cận hình học của lớp 6 mới là thông qua việc ghép hình, vẽ hình giúp học sinh tiếp cận một cách tự nhiên các tính chất của hình học để rồi sau này lên lớp 7, lớp 8 và lớp 9 học sinh sẽ khắc sâu hơn và củng cố chắc chắn hơn lý thuyết. Với môn số học lớp 6, cách trình bày cân đối nhưng so với chương trình cũ thì chương trình mới giảm được tính lý thuyết và tăng cường thực hành cho học sinh. Cách tiếp cận này nhẹ nhàng và hiệu quả hơn cho sự phát triển tư duy của học sinh. Tôi cũng rất lạc quan với chương trình mới bởi nó phù hợp với tâm sinh lý học sinh, giảm bớt tính hàn lâm.
Thời gian qua, để thực hiện chương trình thay sách giáo khoa lớp 6, giáo viên trên địa bàn thành phố Vinh đã được tập huấn khá nhiều. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, chương trình phổ thông 2018 khác khá nhiều so với chương trình cũ nhằm mục đích định hướng năng lực học sinh. Do vậy, đòi hỏi cách tiếp cận của giáo viên cũng phải đảm bảo hình thành các năng lực cơ bản cho học sinh. Như vậy, giáo viên phải có trình độ công nghệ thông tin để có thể xây dựng học liệu và đặc biệt là thiết kế các bài dạy sao cho phù hợp với việc phát triển năng lực học sinh. Ngoài ra, giáo viên cũng phải đầu tư công sức và tâm huyết, chuẩn bị nguồn học liệu tốt cho bài dạy của mình.
Hiện tại, tuy đã được tập huấn nhưng chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan quản lý giáo dục, các trường đại học tổ chức nhiều hơn nữa các chủ đề để tập huấn cho toàn bộ giáo viên. Đồng thời, phải tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất như bảng tương tác, máy chiếu... bởi chương trình mới đòi hỏi việc ứng dụng công nghệ thông tin khá nhiều”.
Clip: Đức Anh |
Cô giáo Phạm Thị Tú Oanh - Trường Tiểu học Mường Lống 2 (Kỳ Sơn):
“Tôi đang dạy chương trình sách giáo khoa mới cho học sinh lớp 1 là con em đồng bào dân tộc thiểu số và cho đến thời điểm này thì việc dạy và học khá ổn, học sinh đã biết đọc và biết viết khá thành thạo. Tuy nhiên, so với mọi năm thì khó khăn hơn bởi có những lý do khách quan, như năm học trước các cháu mầm non nghỉ học quá nhiều do ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nên chưa được làm quen nhiều với chữ cái. Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy chúng tôi cũng gặp những trở ngại bởi bộ đồ dùng của học sinh bị thiếu, trang thiết bị của nhà trường thì không đủ. Bộ sách bài tập thực hành với môn Toán và Tiếng Việt còn nặng với đặc thù học sinh vùng cao, bởi không chỉ viết mà việc nói Tiếng Việt là một ngôn ngữ thứ 2 của các cháu.
Từ những khó khăn này, chúng tôi mong muốn bộ sách giáo khoa mới lớp 2 cần tiếp tục giảm tải hơn. Nên chăng cần tách thành những bài nhỏ để học sinh thuận lợi trong khi học. Quan điểm của tôi là học ít, viết không cần dài nhưng các em chắc chắn được kiến thức, học đến đâu biết đến đó.