Ngày 18/3, tiếp tục chương trình công tác, đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến kiểm tra và làm việc tại huyện Tương Dương về việc thực hiện quy hoạch mạng lưới phát triển giáo dục, bố trí sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tại các trường, các điểm trường, cơ sở vật chất và việc thực hiện các chính sách trên địa bàn.
Cùng dự có các đồng chí: Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; Phan Đức Sơn - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, đại diện Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các ban, ngành liên quan.
Việc dạy học gặp nhiều khó khăn do nhiều điểm trường lẻ
Trước khi làm việc với UBND huyện, đồng chí Bùi Đình Long đã đi thực tế tại một số điểm trường lẻ ở 2 xã Yên Tĩnh và Yên Thắng. Do đặc thù 2 xã này ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng chia cắt nên trong những năm qua các trường học trên địa bàn vẫn duy trì các điểm trường lẻ. Trong đó, Trường Tiểu học Yên Tĩnh có 4 điểm trường, Tiểu học Yên Thắng có 6 điểm trường.
Việc thực hiện các điểm trường lẻ đã góp phần không nhỏ tạo điều kiện cho con em trên địa bàn được đi học gần nhà. Tuy nhiên, mô hình này cũng có nhiều bất cập như học sinh có thể phải học lớp ghép, sĩ số ít nhưng phải bố trí nhiều giáo viên.
Đặc biệt, do bố trí quá nhiều điểm trường và khoảng cách khá xa nên ở những điểm trường xa trung tâm, học sinh không được học các môn như Tin học, Ngoại ngữ và tham gia các hoạt động tập thể, ngoại khóa. Trong khi đó, đây là một trong những yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Trực tiếp đến kiểm tra tại các điểm trường và qua tìm hiểu việc bố trí, sắp xếp các điểm trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ ra những bất cập trong quá trình vướng mắc.
Bên cạnh đó, hiện nay, tại Trường Tiểu học Yên Thắng, đang tổ chức bán trú cho 97 học sinh tiểu học từ lớp 3 - lớp 5. Tuy nhiên, mô hình này đang gặp nhiều khó khăn vì điều kiện sinh hoạt chưa đảm bảo. Trường thực hiện mô hình bán trú nhưng còn mang tính chất tự phát, giáo viên chưa được hưởng quyền lợi như các trường bán trú khác.
Cũng trong chương trình công tác, đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra việc dạy và học tại Trường PT DTBT THCS Yên Tĩnh, Trường PT DTNT THCS Tương Dương.
Đây là 2 mô hình trường bán trú đã đi vào hoạt động khá lâu và phát huy hiệu quả. Qua đó, góp phần thiết thực để nâng cao chất lượng dạy và học, duy trì sĩ số và đào tạo nguồn cho con em trên địa bàn.
Đưa mô hình trường bán trú tiểu học vào quy hoạch phát triển
Trong những năm qua, mạng lưới trường lớp trên địa bàn huyện Tương Dương đã được quy hoạch, sắp xếp lại một cách khoa học, hợp lý theo hướng tinh gọn, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.
Nhờ đó, đã giảm được 7 đơn vị trường học và trung tâm, 38 điểm trường lẻ các cấp học. Tương ứng với giảm 10,9% số đầu trường và 19,9% số điểm trường. Đồng thời, gom nhập giảm được 106 lớp để tăng sĩ số học sinh/lớp so với năm 2015.
Trên địa bàn Tương Dương vẫn còn 152 điểm trường lẻ, trong đó có 71 điểm trường ở bậc tiểu học. Toàn huyện đã có 7 trường tiểu học (10 điểm trường) tổ chức bán trú cho 273 học sinh. Nhưng tất cả các trường đều chưa được công nhận trường bán trú.
Tại buổi làm việc với UBND huyện Tương Dương và các sở, ban, ngành cùng các phòng, ban liên quan, đại diện các đơn vị cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, bất cập trong công tác giáo dục.
Cụ thể, chất lượng giáo dục mặc dù đã có sự chuyển biến nhưng vẫn chưa có sự đột phá, không đồng đều giữa các trường, các điểm trường; chất lượng vẫn thấp hơn mặt bằng chung của tỉnh. Hàng năm, vẫn còn nhiều học sinh cấp THCS và THPT bỏ học. Đội ngũ viên chức giáo dục mặc dù không thừa so với tỉnh giao nhưng lại thừa, thiếu cục bộ (theo bộ môn, cấp học).
Đặc biệt, tỷ lệ trường tổ chức dạy học Ngoại ngữ, Tin học bậc tiểu học còn thấp so với mặt bằng chung toàn tỉnh (dạy học Ngoại ngữ có 12/19 trường, đạt 63,2%; dạy Tin học có 4/19 trường đạt 21,1%). Số lượng giáo viên dạy Ngoại ngữ, Tin học còn thiếu so với yêu cầu.
Ngoài ra, cơ sở vật chất các trường học mặc dù đã được chăm lo đầu tư, xây dựng, nhưng do mạng lưới trường lớp trải rộng, manh mún nên đến nay nhiều hạng mục đã xuống cấp, còn thiếu nhiều hạng mục xây dựng như các phòng chức năng, nhà vệ sinh, bếp ăn, nhà ăn bán trú…; nhiều trang thiết bị dạy học đã cũ kỹ, lạc hậu, hư hỏng không đáp ứng với yêu cầu đổi mới.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long khẳng định: Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thì việc sáp nhập các điểm trường lẻ là rất cần thiết. Để chuẩn bị chương trình dạy học, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Tương Dương cần đảm bảo đủ các điều kiện, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, xanh, sạch, đẹp, tiến tới xây dựng các thư viện mở ở các nhà trường.
Huyện cần phải rà soát chi tiết quy hoạch mạng lưới trường lớp căn cứ vào các cấp học cụ thể và xác định trường nào có thể xây dựng trường bán trú để bố trí phù hợp với từng địa phương, không duy trì các điểm trường bán trú ở điểm trường lẻ. Khi xây dựng trường bán trú phải có đủ chỗ ở, chỗ sinh hoạt cho học sinh. Việc rà soát các điểm xây dựng trường bán trú phải hoàn thành trước tháng 9/2021. Huyện cũng cần sớm hoàn thiện đề án xây dựng trường bán trú trên toàn huyện.
Việc xây dựng mạng lưới trên địa bàn huyện sẽ là căn cứ để Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, xây dựng đề án quy hoạch mạng lưới trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Dịp này, đoàn công tác đã tặng huyện Tương Dương 100 triệu đồng để xây dựng thư viện cho các trường học trên địa bàn./.