(Baonghean) - Mô hình Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn (cấp xã) đã chứng minh được nhiều ưu thế nổi trội trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng, tạo chuyển biến rõ nét ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, qua đại hội đảng bộ cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh, mô hình này đang bị thu hẹp, mặc dù Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (Chỉ thị 36) tiếp tục khuyến khích áp dụng đối với những địa phương có đủ điều kiện.
Được cán bộ, được phong trào chung
Xã Nghi Lâm (Nghi Lộc) là địa phương thuần nông, còn nhiều khó khăn. Nhiệm kỳ 2010 - 2015, khi áp dụng mô hình nhất thể hóa, đồng chí Nguyễn Xuân Tý vừa giữ chức danh Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã đã chèo lái đưa phong trào của địa phương phát triển với nhiều dấu ấn nổi bật. Xã đã thu hút được một số dự án như: Nhà máy gạch tuynel Hoàng Nguyên; cơ sở sản xuất mộc mỹ nghệ xuất khẩu; xưởng may công nghiệp... giải quyết việc làm cho 400 - 500 lao động. Dịch vụ phát triển với hệ thống các nhà hàng ẩm thực tạo được thương hiệu cho khách gần xa. Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp cũng đã có những bước chuyển về cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyên sâu, nâng cao giá trị sản xuất.
Những chuyển động tích cực về kinh tế đã tạo động lực mạnh mẽ cho Nghi Lâm thực hiện xây dựng NTM. Hiện nay, xã đã hoàn thành 18/19 tiêu chí NTM và đang phấn đấu về đích năm 2015. Liên tục 5 năm Đảng bộ xã đạt Trong sạch vững mạnh; chính quyền được công nhận xuất sắc. Chia sẻ quá trình công tác của mình, đồng chí Nguyễn Văn Tý cho rằng, để gánh trọn 2 vai, ngoài sự nỗ lực của bản thân thì cần có đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, nhất là cán bộ cấp phó trong cấp ủy, chính quyền và trưởng các bộ phận đều tay, có năng lực chuyên môn, thực tiễn tốt, đồng thuận, thống nhất cao vì phong trào địa phương.
Còn tại xã Nghĩa Long (Nghĩa Đàn), việc áp dụng mô hình nhất thể hóa đã tạo nên bước ngoặt mạnh mẽ của địa phương. Từ một xã thuần nông có xuất phát điểm thấp, đến năm 2009 mới thoát khỏi danh sách xã 135, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 73% nhưng với bước đi phù hợp trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thu hút đầu tư trên địa bàn, Nghĩa Long đã phát triển nhanh, ngoạn mục. Kết quả là ngày 22/6 vừa qua, cán bộ, nhân dân Nghĩa Long vinh dự, tự hào tổ chức đón nhận xã đạt chuẩn NTM. Đó cũng là tiền đề để một xã thuộc diện khu vực 2 như Nghĩa Long đặt mục tiêu trở thành xã khá của vùng Đông Nam huyện Nghĩa Đàn trong nhiệm kỳ 2015 -2020. Những thành công trên là nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghĩa Long, trong đó phải ghi nhận vai trò rất lớn của người đứng đầu xã trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 là đồng chí Trương Đình Thống, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã. Trao đổi về hiệu quả mô hình nhất thể hóa, đồng chí Thống khẳng định: “Đây là mô hình có nhiều ưu thế nổi trội, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt. Tuy nhiên, người đứng đầu phải thực sự có tầm, là trung tâm đoàn kết và phân định rạch rồi lúc nào thể hiện vai bí thư, lúc nào thể hiện vai chủ tịch để tránh chồng chéo trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; đồng thời phải tin tưởng giao việc cho cán bộ cấp dưới để họ tự tin phát huy năng lực, vai trò, vị trí của bản thân”.
Tương tự tại xã Nghĩa Hòa (Thị xã Thái Hòa), việc áp dụng mô hình nhất thể hóa gần 2 năm qua đã tạo nên chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội của địa phương. Tháng 3/2014, đồng chí Hoàng Nghĩa Thái được Thị xã Thái Hòa luân chuyển về đảm nhận vị trí Bí thư Đảng ủy và được HĐND xã bầu kiêm giữ chức danh Chủ tịch UBND. Trẻ, năng động, đồng chí Thái đã cùng hệ thống chính trị ở địa phương triển khai nhiều mô hình kinh tế như: trồng cam, hoa ly và hiện nay đang liên kết với Nhà máy sữa Vinamilk để đưa mô hình chăn nuôi bò sữa vào triển khai cho 7 hộ dân với tổng cộng 42 con bò sữa nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân. Bên cạnh đó, việc phát huy tốt nội lực, tận dụng tối đa ngoại lực đã góp phần đẩy nhanh tốc độ xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn như hệ thống đường giao, trường học, nhà văn hóa… đã tạo diện mạo mới cho nông thôn Nghĩa Hòa. Hiện nay, xã đang làm hồ sơ để trình Thị xã Thái Hòa thẩm tra, tỉnh thẩm định để về đích NTM trong năm 2015. Đồng chí Hoàng Nghĩa Thái cho biết: “Đảm nhận 2 vai, người đứng đầu phải chủ động, nhanh nhạy trong công việc. Bên cạnh đó, cán bộ cấp dưới, đặc biệt là cấp phó phải thực sự mạnh nhằm hỗ trợ người đứng đầu cả về công tác đảng và chuyên môn. Cán bộ đảng và các ngành của UBND cũng phải được nâng cao cả chuyên môn lẫn chính trị để khi giao việc có thể hoàn thành tốt”.
Khó bài toán nhân sự
Từ thực tiễn cho thấy, việc triển khai thực hiện mô hình bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch UBND xã có ưu điểm vượt trội trong việc nâng cao hiệu quả điều hành của địa phương. Tuy nhiên, qua kỳ Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở, nhiệm kỳ 2015 -2020, mô hình bí thư kiêm chủ tịch xã đang bị thu hẹp dần, kể cả ở một số địa phương đã áp dụng nhiệm kỳ 2010 -2015, nay cũng không còn thực hiện. Qua trao đổi với một số đồng chí lãnh đạo cấp ủy được biết, có nhiều nguyên nhân để không tiếp tục áp dụng mô hình này, trong đó khó nhất là vấn đề nhân sự.
Đồng chí Phan Tiến Hải, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghĩa Đàn cho biết: “Việc áp dụng mô hình nhất thể hóa lãnh đạo cấp xã phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó con người là quyết định. Trước hết là nhân sự cho vị trí người đứng đầu, thứ nữa là những cán bộ cấp dưới giúp việc cho người đứng đầu. Từ những yêu cầu đó và căn cứ vào tình hình thực tế địa phương, huyện Nghĩa Đàn không thực hiện mô hình này trong nhiệm kỳ 2015 - 2020”.
Còn tại huyện Thanh Chương, mô hình bí thư kiêm chủ tịch được thực hiện tại xã Thanh Phong trong 2 nhiệm kỳ 2005 - 2010 và 2010 - 2015 do đồng chí Nguyễn Văn Ngọc đảm nhận. Qua đánh giá sau 2 nhiệm kỳ, tình hình kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng của Thanh Phong thu được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, sau đại hội nhiệm kỳ 2015 - 2020, đồng chí Nguyễn Văn Ngọc chỉ còn giữ “vai” Bí thư Đảng ủy xã. Đồng chí Lê Thiết Hùng, Phó trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Chương, cho rằng: Hiện nay, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy cũng chỉ mới mang tính khuyến kích, nơi nào có điều kiện thì áp dụng. Chính vì vậy chưa tạo được sự đồng bộ trong chỉ đạo, chính sách... Điều này vô tình tạo nên phần nào khó khăn cho cán bộ khi đảm nhận cả 2 chức danh.
Phải thấy rằng, mô hình nhất thể hóa lãnh đạo ở cấp xã đã cơ bản tạo được sự đồng bộ, thống nhất, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các mặt công tác của địa phương; bảo đảm tính nhất quán giữa lãnh đạo của cấp ủy đảng và quản lý điều hành của chính quyền; hạn chế được tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng lãnh đạo giữa cấp ủy đối với chính quyền ở cơ sở. Đồng thời, nâng cao được vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan Đảng với người đứng đầu chính quyền cơ sở, phát huy được tính năng động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành; góp phần thực hiện chủ trương cải cách hành chính, tinh giản biên chế cho bộ máy cán bộ cơ sở.
Cho nên, bước đầu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, hạn chế sự trì trệ, đùn đẩy trách nhiệm, từ đó có các giải pháp để làm tốt công tác tư tưởng, điều chỉnh nội dung, phương pháp làm việc, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, để nhất thể hóa không chỉ dừng lại ở mô hình, đòi hỏi phải có đường lối, hướng dẫn và cơ chế, chính sách rõ ràng, cụ thể nhằm định hướng cho cơ sở. Cùng với đó, công tác đào tạo cán bộ phải được thực hiện quyết liệt để tạo nguồn cho vị trí chủ chốt, cũng như nâng cao hiệu quả của hệ thống chính trị. Sau cùng là vấn đề xây dựng cơ chế giám sát bằng cả điều lệ, chính sách và cả pháp luật để tránh tình trạng chuyên quyền, độc đoán. Có như vậy, mô hình nhất thể hóa chức danh chủ chốt lãnh đạo cấp xã mới được cấp cơ sở “mặn mà” thực hiện và nhân rộng.
Nhật Lệ - Minh Chi