(Baonghean) - Xác định nông nghiệp, nông thôn là cơ sở, động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, cấp ủy, chính quyền huyện Hưng Nguyên thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hoá. Đó là hướng đi tạo đà cho nền kinh tế của huyện có những bước tiến vững chắc.

Ông Hoàng Đức Ân, Quyền Trưởng phòng nông nghiệp huyện dẫn chúng tôi đi thăm những cánh đồng mẫu lớn ở xã Hưng Tây và tự hào giới thiệu: “Từ nhiều năm nay Hưng Tây đã được xem là vựa lúa của huyện. Cây lúa thực sự là cây chủ lực giúp bà con cải thiện đời sống”. 5 năm nay, lúa hàng hóa đã giúp bà con Hưng Tây làm giàu. Trên những sạp hàng nông sản tại các chợ truyền thống hay các siêu thị lớn nhỏ người ta thường thấy nhãn hàng gạo AC5 Hưng Tây được đề dẫn trang trọng bên cạnh những giống gạo Thái, gạo Bắc… Hiện nay, xã có 800 ha đất hai lúa thì có tới 85% diện tích lúa hàng hóa với sản lượng mỗi năm trên 5.600 tấn.
images1182417_m__h_nh_nu_i_l__n_c_a_anh_b_i_v_n_hi_u___x_m_2___h_ng_kh_nh.jpgMô hình nuôi lươn của anh Bùi Văn Hiếu ở xóm 2, xã Hưng Khánh.
Cùng đó, các xã Hưng Tân, Hưng Thắng, Hưng Xá, Hưng Long đều có những cánh đồng liền vùng, liền thửa bội thu. Xã Hưng Thắng thực hiện sản xuất lúa hàng hóa trên cánh đồng mẫu lớn với 80ha/254ha, chiếm 60% diện tích đất hai lúa. Ông Phan Văn Hiền, Trưởng Ban nông nghiệp xã Hưng Thắng cho biết: “Thực hiện nghị quyết chuyên đề về việc ưu tiên phát triển lúa hàng hoá, chúng tôi đã khảo nghiệm và lựa chọn những loại giống thuần ngắn ngày cho năng suất cao. Bên cạnh đó xã đã phối hợp với Công ty Vĩnh Hòa bao tiêu sản phẩm cho bà con, tạo đầu ra bền vững, để bà con yên tâm gắn bó với cây lúa”. Đến nay, cây lúa ở Hưng Nguyên chiếm tỷ trọng trên 60% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện. Và trong tương lai, lúa vẫn là cây chủ lực. Chính vì vậy, bên cạnh tích cực chuyển đổi giống lúa chất lượng cao, huyện khuyến khích bà con đưa vào sản xuất những giống lúa thuần ngắn ngày cho năng suất như AC5, Nàng Xuân, Bắc thơm số 7, DT 52… mục đích để tạo ra giá trị tối đa trên một đơn vị diện tích. Trong năm 2014, năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt gần 65,74 tạ/KH 62 tạ/ha, bằng 106% KH, đây cũng là sản lượng đạt cao nhất từ trước đến nay. Hiện toàn huyện đã có trên 40 cánh đồng thu nhập cao, sản xuất hiệu quả. Từ kết quả sản xuất mô hình cánh đồng mẫu, các địa phương đã mở rộng diện tích lúa chất lượng cao trên diện rộng. Hàng năm toàn huyện có 1.700 – 2.000 ha lúa chất lượng cao, đưa sản lượng lúa hàng hóa vượt chỉ tiêu đại hội.
 
Từ nhiều năm nay, cây rau màu vụ đông xuân cũng được xem là thế mạnh nông nghiệp của huyện Hưng Nguyên với 90% diện tích ngô; 50% diện tích đậu được gieo trồng bằng các giống mới và nhiều vùng rau, ớt cay, dưa hấu, bí xanh. Đặc biệt huyện đã triển khai thành công mô hình trồng cà rốt theo chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng đất bãi ven sông Lam tại xã Hưng Khánh trong vụ xuân 2014 với tổng diện tích 6 ha. Mô hình do Công ty Á Châu hỗ trợ về giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đang được bà con các xã vùng bãi ngang Hưng Xá, Hưng Long… tích cực thâm canh trên diện rộng.
 
Cùng đó, việc chuyển đổi đàn vật nuôi và phát triển các hình thức trang trại gia trại được xem là những bước đột phá đáng ghi nhận của cấp ủy, chính quyền và người dân Hưng Nguyên. Các địa phương như Hưng Long, Hưng Tân, Hưng Khánh đã ra tạo bước đột phá mạnh trong phát triển chăn nuôi đại gia súc. Năm 2014, huyện có đàn trâu 6.725 con; đàn bò 15.383 con; đàn lợn 22.542 con; đàn gia cầm 803.000 con. Mặc dù tốc độ tăng trưởng đàn không lớn, song sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng đều qua các năm từ 15 – 20%, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học mới trong chăn nuôi, dẫn đến vòng quay xuất chuồng nhanh hơn. Xu thế chăn nuôi đang chuyển dần sang chăn nuôi gia trại và trang trại với quy mô ngày càng lớn. Một số trang trại trồng trọt kết hợp chăn nuôi bò lai Sind đã hình thành trên đất bãi ven sông Lam, tạo nên những mô hình kiểu mẫu. 
 
Hiện toàn huyện có trên 400 trang trại, gia trại kinh doanh tổng hợp (có 21 trang trại đạt tiêu chí theo quy định của Bộ NN-PTNT) đi vào sản xuất khá ổn định, trong đó có những trang trại, gia trại trồng rau, màu và chăn nuôi kết hợp cho thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng/ha ở các xã: Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam, Hưng Nhân, Hưng Phúc, Hưng Thịnh, Hưng Long, Hưng Phú, Hưng Khánh. Điển hình có trang trại nuôi lươn của anh Bùi Văn Hiếu – xóm 2 – xã Hưng Khánh với năng suất 4 tạ/m2, từ kỹ thuật mà anh được học tại An Giang, sau 4 tháng ương nuôi đến nay anh đã cho xuất chuồng lứa đầu tiên với giá thành 200 nghìn đồng/kg. Sắp tới anh sẽ mở rộng mô hình trên 2ha nước mặt để tăng năng suất sản lượng trên một đơn vị diện tích. Đây là mô hình đang được đảng ủy xã chỉ đạo nhân rộng để tạo nên vùng đặc sản lươn Nghệ An, nâng cao đời sống và thu nhập cho nhân dân. Nói đến mô hình trang trại gia trại cho thu nhập cao còn phải kể đến những trang trại gà, vịt siêu đẻ cho tiền tỷ của anh Trần Minh Dương ở xóm 4 – Hưng Đạo; hay như mô hình chăn nuôi gà bằng công nghệ sinh học của ông Nguyễn Huy Tiến ở xóm 5, xã Hưng Tiến, sau 9 năm triển khai, tổng đàn của trang trại anh hiện tại hơn 1,3 vạn con. Thu nhập bình quân hàng năm của trang trại là trên 3 tỷ đồng.
 
Nhờ những nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương và cả những nỗ lực đi tắt đón đầu của bà con nông dân bám đồng bám ruộng, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương. Đến nay giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng trưởng bình quân 2010 - 2015 là 3,41% tăng 1,11 lần so nhiệm kỳ trước. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ và cơ giới hóa được quan tâm, nhiều cơ chế chính sách phát huy tốt hiệu quả, đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. 
 
Thanh Nga