(Baonghean) - Tuần qua, bài viết “Hoạt động khuyến công: Được và chưa được” của phóng viên Hoàng Vĩnh - Phạm Bằng đăng ngày 7/3, số  báo 9759 nhận được số phiếu bình chọn bài hay của tuần cao nhất. Sau đây là lời bình dành cho bài viết:

Bài viết thể hiện khá toàn diện về hoạt động khuyến công hiện nay trên địa bàn tỉnh ta. Mặc dù trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm của UBND tỉnh nên hàng năm, kinh phí khuyến công đều được bố trí ổn định và tăng đều. Nhờ sự vào cuộc của khuyến công, giá trị sản xuất ngành công nghiệp - TTCN có chuyển biến. Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân hàng năm 18,32%, ngành nghề nông thôn phát triển mạnh, nhất là các nghề mây tre đan xuất khẩu, đồ gỗ, chế biến hải sản, dệt thổ cẩm... Các ví dụ điển hình về mô hình khuyến công ở cơ sở được bài viết thể hiện rõ, cụ thể, đó là những doanh nghiệp được đầu tư từ nguồn vốn khuyến công để đào tạo nghề cho công nhân, mua sắm máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại, tạo kết quả tốt trong sản xuất, kinh doanh. Những kết quả đạt được tạo tiền đề để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khuyến công trong thời gian tới. 
images945609_images944086_s_n_xu_t_t_i_c_ng_ty_tnhh___c_phong.jpgSản xuất mây tre đan tại Công ty TNHH Đức Phong.
 
Bài viết có sự tìm tòi công phu qua số liệu, qua tìm hiểu ở thực tế tại một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, mang tính định hướng cho hoạt động kinh tế tầm cấp tỉnh, sẽ là tiền đề cho các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ lẻ trên địa bàn cùng nhìn nhận lại, đánh giá lại những mặt được, những vướng mắc, tồn tại, “chưa được” để tìm hướng giải quyết tích cực. Đó là, nguồn vốn cho hoạt động khuyến công còn dựa vào ngân sách tỉnh và quốc gia mà chưa có sự huy động từ nguồn lực khác; hệ thống cán bộ theo dõi hoạt động khuyến công ở cấp huyện thiếu ổn định, hồ sơ thủ tục khuyến công vẫn còn phức tạp. Chưa xây dựng được các dự án khuyến công có tầm ảnh hưởng lớn, có vai trò làm hạt nhân thúc đẩy. Bất cập lớn nhất là tư tưởng “dễ làm khó bỏ” đã khiến cho quy mô các hoạt động khuyến công trong thời gian qua còn quá nhỏ và mất cân đối giữa các nhiệm vụ. Nhiều địa phương vẫn chỉ tập trung thực hiện các hoạt động đào tạo nghề và xây dựng dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chưa mở rộng thực hiện các nội dung hoạt động khuyến công khác theo 7 tiểu chương trình tại Quyết định số 136/2007/QĐ- TTg.
 
Để hoạt động khuyến công tỉnh nhà phát triển trong bối cảnh khó khăn hiện nay cần phải có sự trăn trở đổi mới, tạo đòn bẩy mạnh mẽ thúc đẩy phong trào sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hiện nay. Như bài viết có nêu là: “Các địa phương cần phối hợp với Trung tâm Khuyến công để trong việc xác định những ngành, nghề, sản phẩm mũi nhọn phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn cũng phải chủ động cập nhật thông tin, tìm kiếm thị trường, đổi mới công nghệ, học hỏi kỹ năng và kiến thức quản lý, mạnh dạn đầu tư, quan tâm người lao động. Chỉ khi nâng cao được tính chuyên nghiệp trong hoạt động khuyến công thì các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn mới có thể phát triển ngày càng mạnh mẽ”.
 
NGƯỜI XÂY DỰNG