(Baonghean) - Xây dựng mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi hiệu quả nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ đang là hướng đi tích cực ở nhiều địa phương. Qua đó, tạo bước chuyển nhanh về năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, đáp ứng tiêu chí 10 (về thu nhập) và tiêu chí số 12 (việc làm cho lao động) trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM).
Theo Hướng dẫn số 115 của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM, hàng năm mỗi xã xây dựng 1- 3 mô hình phát triển sản xuất, với mục tiêu đạt hiệu quả kinh tế tăng tối thiểu 10% so với đại trà, mỗi mô hình được lặp lại từ 2 - 3 vụ sản xuất. Nhân rộng 1 - 3 mô hình có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh, nhiều mô hình xây dựng chưa đạt mục tiêu đề ra hoặc mô hình có hiệu quả cao nhưng chưa nhân rộng được. Thậm chí có những mô hình thành công nhưng không được nhân rộng.
Từ năm 2011 đến nay, nguồn kinh phí cấp cho các xã gần 70 tỷ đồng để xây dựng mô hình phát triển sản xuất, chỉnh trang đồng ruộng. Nguồn kinh phí xây dựng mô hình được giao trực tiếp cho các xã làm chủ đầu tư, khuyến nông là đơn vị phối hợp nhưng vai trò khuyến nông cấp huyện trong việc hướng dẫn giúp các xã NTM lựa chọn nông sản chủ lực, nội dung mô hình, xây dựng dự toán kinh phí… giai đoạn đầu không được giao nhiệm vụ rõ ràng. Vì vậy, cán bộ khuyến nông rất khó khăn trong việc tiếp cận và hướng dẫn triển khai thực hiện mô hình tại các địa phương.
Ông Nguyễn Quý Linh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh chia sẻ: “Có những địa phương không phối hợp với khuyến nông mà tự triển khai mô hình, xã cũng không báo cáo tình hình với khuyến nông. Nhiều nơi vai trò phối hợp của chủ đầu tư với khuyến nông chưa tốt. Hệ thống khuyến nông là đơn vị chuyên môn về xây dựng mô hình, nhưng chỉ đóng vai trò phối hợp, hướng dẫn cho các chủ đầu tư là các xã. Vì vậy, mức độ tham gia của khuyến nông còn phụ thuộc vào sự chủ động phối hợp của từng huyện, xã. Hơn nữa việc phân khai nguồn vốn cho mô hình còn chung chung “hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình, chỉnh trang đồng ruộng, bảo vệ môi trường”, do đó có xã đã vận dụng nguồn vốn này để chỉnh trang đồng ruộng chưa chú trọng xây dựng mô hình kinh tế, dẫn đến nguồn vốn đầu tư chưa đúng như kỳ vọng”.
Mô hình trồng bí xanh tại xã Cẩm Sơn (Anh Sơn). Ảnh: Hữu Nghĩa
Xã Cẩm Sơn (huyện Anh Sơn) có 3 mô hình được hỗ trợ phát triển sản xuất, gồm mô hình nuôi gà thịt an toàn sinh học, phân viên nén nhả chậm trên lúa, trồng bí xanh. Anh Nguyễn Văn Khánh ở xóm 1-5 (xã Cẩm Sơn) là một trong những hộ nhận nuôi gà của mô hình. Anh Khánh cho biết, gia đình nhận nuôi 50 con gà lai, được cấp giống, thức ăn và thuốc phòng dịch, nuôi đúng quy trình kỹ thuật, đàn gà phát triển tốt, lớn nhanh, sau 3 tháng nuôi mỗi con gà có trọng lượng khoảng 1,8 kg. Song đầu ra không bán được vì thị trường không chấp nhận do thịt mềm, nhão, mặc dù giá bán chỉ 60.000 đồng/kg. Từ đó gia đình không nuôi gà theo mô hình này nữa chuyển sang nuôi gà cỏ. Cùng đó, tất cả 25 hộ nuôi triển khai mô hình ở xã đã chuyển đổi sau đợt nuôi thử nghiệm đầu tiên.
Mô hình phân viên nén nhả chậm được áp dụng cho hơn 40 ha lúa hè thu tập trung ở hai thôn Cẩm Lợi và Nhân Tài với gần 150 hộ tham gia. Sau khi đưa phân viên nén nhả chậm vào bón cây lúa hấp thụ dần dần trong quá trình phát triển, hiệu quả năng suất tăng khoảng 30 kg/sào so với không áp dụng loại phân này. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn: Hiệu quả thấy rõ song mô hình này không nhân rộng được vì bà con cho rằng áp dụng cách làm này tốn công bởi cứ 4 gốc mạ phải dúi một viên phân ở giữa, hơn nữa giá phân viên nén nhả chậm cao gấp gần 3 lần so với giá phân NPK.
Trong khi bà con còn sản xuất các loại cây trồng khác như chè, ngô, bí… Do đó, mô hình này cũng không thành công, chỉ áp dụng duy nhất một lần trong vụ hè thu năm 2013”. Riêng mô hình trồng bí xanh (vụ đông 2014) phát huy hiệu quả tốt. Với 32 ha, được bà con trồng trong 3 tháng cho thu hoạch quả đạt 1 tấn/sào, giá bán 4.300 đồng/kg. Nhận thấy hiệu quả từ cây bí xanh đem lại, bà con địa phương đã phát triển nhân rộng mô hình này, tuy nhiên giá cả đầu ra phụ thuộc thị trường nên thu nhập của người dân bấp bênh.
Ông Nguyễn Công Thế, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn cho rằng: Lâu nay người dân đang tự tìm đầu ra cho các sản phẩm của mình, đặc biệt những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa thì đầu ra cho hàng nông sản lại càng khó hơn. Trong khi phát triển sản xuất do thị trường quyết định, nhất là trong sản xuất nông nghiệp việc thiếu - thừa giữa cung cầu thường thiếu ổn định. Do đó, những sản phẩm có đầu ra đảm bảo sẽ dễ phát triển, Nhà nước nên có phân tích dự báo, dự tính thị trường ở các địa phương để người dân nắm bắt điều tiết sản xuất, chăn nuôi. Thời gian qua, đối với một số xã xây dựng NTM trên địa bàn huyện được hỗ trợ phát triển mô hình sản xuất, nhưng qua thực tế cho thấy hiệu quả còn hạn chế, nhiều mô hình không nhân rộng được vì bà con tính toán vẫn chưa đem lại lợi nhuận rõ rệt.
Do đó, Anh Sơn xác định xóa đói, giảm nghèo, nâng thu nhập để đáp ứng tiêu chí số 10 trong bộ tiêu chí NTM theo hướng tập trung phát triển kinh tế đồi rừng với đa dạng cây, con. Hiện nay địa phương có khoảng 200 ha bầu bí, dưa cho thu nhập khá nhưng nếu khuyến khích bà con phát triển mở rộng diện tích thêm nữa thì lo không tiêu thụ được. Tương tự, các giống vật nuôi như trâu bò, lợn, gà cũng vậy. Vấn đề mấu chốt là phải có đầu ra, khi thị trường trong nước đã bão hòa, phải vươn lên tìm hiểu, sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu nước ngoài. Làm được như vậy thì mức thu nhập của người nông dân mới có sự cải thiện đáng kể.
Từ năm 2011 - 2014, toàn tỉnh có 496 mô hình phát triển sản xuất được triển khai ở các huyện, trong đó 293 mô hình trồng trọt, 161 mô hình chăn nuôi, 20 mô hình thủy sản và 20 mô hình khác. Riêng năm 2014, có 110 xã/19 huyện, thành phố, thị xã triển khai xây dựng với tổng số 123 mô hình, tổng kinh phí đầu tư trên 15,7 tỷ đồng. Một số mô hình cho hiệu quả thu nhập tăng thêm so với phương thức sản xuất truyền thống từ 11- 200%, điển hình như mô hình trồng dưa hấu tại xã Diễn Thành (Diễn Châu); Mô hình thâm canh ớt cay xuất khẩu tại xã Nam Thành (Yên Thành); Mô hình trồng lạc phủ ni lông ở xã Nam Trung (Nam Đàn); Mô hình cá xen lúa vụ 3 ở xã Phú Thành (Yên Thành); Mô hình nuôi cua đồng ở xã Hưng Thắng (Hưng Nguyên)…
Tuy vậy, số lượng mô hình chưa triển khai được nhiều, ngoài một số mô hình có hiệu quả, nhiều mô hình chưa phù hợp với thời vụ, điều kiện sản xuất cũng như thị trường. Một số địa phương xác định nội dung mô hình và mức đầu tư đúng, đủ theo yêu cầu của quy trình kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nhưng chưa phù hợp với nông sản chủ lực, mức hỗ trợ đầu tư không đúng với quy định của chính sách khuyến nông… làm ảnh hưởng đến chất lượng và tổng kết mô hình để nhân ra diện rộng.
Theo ông Nguyễn Quý Linh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trong thời gian tới muốn xây dựng được các mô hình phát triển sản xuất hiệu quả thì cấp huyện, xã phải có trách nhiệm cao trong sử dụng nguồn kinh phí, phải thực sự gắn kết với Ban chỉ đạo NTM cấp huyện và Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện, Khuyến nông xã trong lựa chọn mô hình, tổ chức triển khai, đánh giá mô hình. Đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các hội thảo đầu bờ, ngay tại chuồng nuôi để bà con nông dân thấy hiệu quả. Đồng thời tiếp tục xây dựng mô hình nhắc lại có thể triển khai ở vùng khác, từ đó phát triển thành phong trào hiệu quả, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế, đẩy nhanh tiến động xây dựng NTM ở các địa phương.
Quỳnh Lan