(Baonghean) - Việc xây dựng sản phẩm lưu niệm đặc trưng cho từng vùng miền đang là trăn trở của những địa phương làm du lịch hiện nay. Tại Nam Đàn - một trong những điểm đến hấp dẫn không chỉ với khách du lịch trong nước mà hàng năm còn đón tiếp hàng nghìn lượt khách quốc tế cũng đang bước đầu hình thành những sản phẩm du lịch đặc trưng.
Dịp này, nhiều sản vật của Nam Đàn đã được bày bán tại các điểm du lịch, như tương của làng nghề Sa Nam, kẹo lạc của Nam Giang, hạt sen khô, chè tâm sen của Kim Liên… Đặc biệt, trong các quầy bày bán đồ lưu niệm tại quê nội, quê ngoại Bác Hồ đã xuất hiện tranh thêu của Hợp tác xã Thanh Thủy (Nam Thanh), sản phẩm được thêu bằng tay khá tỉ mỉ đặc tả hình ảnh đặc trưng quê nội, quê ngoại của Người.
Trao đổi với chị Hồ Thị Ngọc - chủ cửa hàng bán đồ lưu niệm tại quê ngoại Bác Hồ, được biết năm 2011 chị bắt đầu nhận ký gửi bán tranh thêu cho HTX Thanh Thủy, thời gian đầu khó tiếp cận với khách du lịch do tranh thêu chưa đẹp, có nhiều bức chưa giống với phong cảnh thật của nhà Bác, kể cả màu sắc cũng chưa hấp dẫn. Sau khi nghe những ý kiến phản hồi của khách, chị đã trao đổi trực tiếp với chị Hồ Thị Thúy, Chủ nhiệm HTX tranh thêu Thanh Thủy để kịp thời điều chỉnh... Hiện nay, rất nhiều khách du lịch khi về quê Bác đã tìm mua những bức tranh thêu của HTX Thanh Thủy làm quà lưu niệm, họ rất thích vì treo được lâu, lại rất phù hợp khi biếu, tặng hay kỷ niệm cho người thân, bạn bè.
Có thể nói, hiện nay tranh thêu bằng tay của HTX Thanh Thủy đang là sản phẩm lưu niệm có ý nghĩa nhất cho khách du lịch khi về thăm quan Kim Liên - Nam Đàn. Gặp chị Hồ Thị Thúy - chủ nhiệm HTX Thanh Thủy, chị cho hay, năm 2010, chị trực tiếp gặp lãnh đạo huyện Nam Đàn để trình bày ý tưởng mở cơ sở tranh thêu phục vụ du lịch và được lãnh đạo huyện hết sức ủng hộ. Mặc dù trước đó năm 2004, huyện Nam Đàn đã từng được đầu tư một khoản kinh phí không nhỏ để duy trì sản phẩm thêu tranh tại Kim Liên, thế nhưng không thành công. Để khuyến khích HTX, huyện ủng hộ chị 10 triệu đồng làm vốn ban đầu để mua sắm dụng cụ thêu. Chị Thúy huy động 4 – 5 chị em trong xóm và trực tiếp cầm tay chỉ việc cho họ. Thời gian đầu chưa tìm được thị trường tiêu thụ, chị Thúy làm thủ công cho các làng nghề ở phía Bắc. Vừa làm thủ công, vừa tìm hiểu thị trường. Cũng trong năm này, sản phẩm thêu tay của chị Thúy đã tiếp cận được với thị trường Sài Gòn. Tuy nhiên, việc sản phẩm được khách du lịch khi về quê Bác chọn mua – đó mới là mục tiêu chính của chị.
Hiện nay, tranh thêu của HTX Thanh Thủy đã có mặt ở 6 cửa hàng bán đồ lưu niệm ở quê ngoại và quê nội Bác Hồ. Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, thời gian tới, chị Thúy sẽ thêu đa dạng các bức tranh về hình ảnh Bác, chân dung Bác, về khung cảnh cây đa, giếng Cốc, những người thân trong gia đình Bác, ao sen… Điều đáng mừng là năm 2014, sản phẩm tranh thêu của HTX Thanh Thủy nằm trong 11 sản phẩm tiêu biểu được Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn bình chọn. Ngoài việc xây dựng hình ảnh và quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, việc tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu còn tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Một sản phẩm lưu niệm nữa là sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái – từ lâu đã trở thành sản phẩm lưu niệm đặc trưng đối với khách du lịch khi về thăm quan du lịch miền Tây xứ Nghệ. Sản phẩm phải làm hoàn toàn bằng thủ công nên rất tinh xảo, phù hợp với thị trường du lịch hiện nay. Trao đổi với chị Sầm Thị Bích, chủ nhiệm hợp tác xã Hoa Tiến (Qùy Châu) được biết: Hiện nay những sản phẩm của HTX đã bước đầu gây dựng được thương hiệu trên thị trường Hà Nội, Hội An, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… Ở thị trường nước ngoài, sản phẩm đã đến được các nước láng giềng lân cận như Lào, Thái Lan… Tuy nhiên, điều chị trăn trở nhất là do giá khá cao nên sản phẩm chưa thể tiếp cận với thị trường trong tỉnh, nhất là ở những điểm du lịch chính như TP .Vinh, TX. Cửa Lò, Nam Đàn. Nếu có đến được những nơi trong tỉnh thì mới thông qua các hội chợ, các cuộc triển lãm.
Thời gian qua, tỉnh ta đã tổ chức rất nhiều các cuộc hội thảo, hội nghị nhằm xây dựng sản phẩm lưu niệm đặc trưng cho các điểm du lịch. Cùng với sự vào cuộc của tỉnh, các địa phương như Nam Đàn, Cửa Lò, các huyện miền Tây cũng đang nỗ lực tìm kiếm. Vấn đề đặt ra đối với ngành du lịch tỉnh ta hiện nay là làm sao để tạo ra những sản phẩm quà lưu niệm mang dấu ấn đặc trưng, có thương hiệu riêng không chỉ kích thích tiêu dùng, tăng trưởng thương mại mà còn quảng bá và khắc sâu hình ảnh du lịch xứ Nghệ trong lòng du khách.
Nam Đàn đã có tranh thêu của HTX Thanh Thủy, du lịch miền Tây đang có thổ cẩm; băn khoăn là Cửa Lò, trước đây Cửa Lò đã từng có sản phẩm ốc biển của Xí nghiệp thanh niên Cửa Hội, nay cũng trên nền sản phẩm làm từ ốc biển đó, có thể biến tấu để sản xuất những sản phẩm lưu niệm có hình ảnh đảo Lan Châu, đảo Ngư, hay hình đền Vạn Lộc chăng?
T. Thủy – P. Thảo