(Baonghean.vn) Bệnh thường xảy ra với trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở trẻ dưới 3 tuổi. Biểu hiện sớm nhất là sốt nhẹ, chán ăn, mệt mỏi. Trong 1, 2 ngày sẽ xuất hiện những nốt ban màu hồng nổi trên da, sau đó phát triển thành bọng nước.
Ở miệng trẻ có dạng vết loét, đường kính 4-8mm, thường ở phía trong khoang miệng, trên lưỡi, trên lợi làm trẻ nuốt đau, dễ nhầm lẫn với bệnh loét miệng thông thường. Những bọng nước ngoài da thường xuất hiện trong lòng bàn tay, bàn chân, cẳng chân hoặc cánh tay, trẻ sơ sinh có thể nổi ban dạng sẩn ở vùng mông, vùng quấn tã lót.
Trong giai đoạn cấp, ngoài dấu hiệu trên còn có thể có triệu chứng nổi hạch ở cổ, hạch dưới hàm, ho, sổ mũi, tiêu chảy, buồn nôn và nôn. Trong giai đoạn diễn tiến, siêu vi gây bệnh có thể xâm nhập hệ thần kinh trung ương, xuất hiện triệu chứng rối loạn tri giác như: lơ mơ, li bì, mê sảng hay co giật. Trẻ có thể tử vong hay phục hồi sau thời gian điều trị nhưng vẫn còn những rối loạn tâm thần kinh kéo dài.
Bệnh nếu nhẹ thì không gây sốt và có thể tự khỏi sau 5-7 ngày, nếu nặng thì gây sốt, nôn hay tiêu chảy. Trường hợp nặng thì trẻ thường nôn hoặc rối loạn vận mạch, khiến trẻ quấy khóc. Ngoài ra có thể ảnh hưởng đến não khiến trẻ bị co giật hoặc run chi.
Nếu trẻ không có những biến chứng nói trên thì có thể để trẻ điều trị tại nhà bằng thuốc giảm đau, cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, chia thành nhiều bữa. Nếu thấy trẻ có các triệu chứng nặng hơn kể trên thì nên đưa trẻ tới cơ sở y tế để có biện pháp chữa trị kịp thời.
Hiện bệnh này chưa có văcxin đặc trị để phòng ngừa mà chỉ mới điều trị theo triệu chứng. Cách phòng bệnh tốt nhất hiện nay vẫn là vấn đề giữ vệ sinh cho trẻ, đặc biệt trong ăn uống. Không nên cho trẻ mắc bệnh đến trường học hoặc nơi công cộng. Rửa tay trẻ và tay người lớn cho trẻ ăn bằng xà phòng trước khi ăn. Che miệng, mũi khi ho hay hắt hơi. Bảo đảm chỗ ở thoáng mát, sạch sẽ. Vệ sinh sạch sẽ các vật dụng trong gia đình và đồ chơi của trẻ. Không dùng chung đồ ăn uống.