(Baonghean.vn) Bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non, hay còn gọi bệnh ROP (Retinopathy of prematurity) là tình trạng võng mạc mắt của trẻ phát triển bất thường có thể gây bong võng mạc và dẫn tới mù loà.

Trên thế giới và đặc biệt ở các nước đang phát triển như Việt Nam, ROP là nguyên nhân hàng đầu gây mù ở trẻ sinh non. Ở nước ta nhiều nghiên cứu cho thấy hơn 30 % những trẻ có cân nặng lúc sinh dưới 2 kg hoặc tuổi thai dưới 34 tuần bị bệnh võng mạc. Trong những trẻ bị bệnh, có khoảng 15 - 20% trẻ sẽ bị mù nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.


Võng mạc là phần cảm thụ hình ảnh của mắt, ở những trẻ sinh non, nhẹ cân, võng mạc chưa hoàn thiện, các mạch máu phát triển bất thường, tăng sinh tổ chức xơ dẫn tới co kéo và bong võng mạc nên có thể gây mù. Những trẻ sơ sinh nhẹ cân lại thường dễ mắc các bệnh toàn thân như nhiễm trùng, suy hô hấp phải thở oxy..., điều đó làm trầm trọng thêm bệnh cảnh của võng mạc.


Khi có chỉ định điều trị, có 2 phương pháp thường được áp dụng đó là Laser võng mạc và tiêm thuốc ức chế mạch máu, tổ chức xơ vào trong mắt (Avastin nội nhãn). Cả 2 phương pháp đều cho kết quả tốt.


Ở nước ta, khó khăn trong khống chế bệnh này là việc phát hiện bệnh, bởi vì để khám sàng lọc được ROP nhân viên y tế phải được đào tạo và được trang bị máy móc hiện đại. Tại Nghệ An, từ năm 2008, với sự tài trợ của tổ chức ORBIS, BV Nhi được chọn là 1 trong 8 đơn vị trọng điểm và đầu tiên của cả nước có đủ điều kiện tiến hành khám sàng lọc bệnh võng mạc ở trẻ sinh non.


Vậy, khi đứng trước một trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2kg hoặc tuổi thai dưới 34 tuần, nhân viên y tế cũng như người nhà cần gửi bé đến BV Nhi trong vòng 2 đến 3 tuần đầu sau sinh để được khám và phát hiện kịp thời.


Phan Đình Toàn