(Baonghean.vn) Trước tình hình diễn biến phức tạp của bệnh tay - chân - miệng, nhiều địa phương trong tỉnh đã chủ động tiến hành các giải pháp phòng chống có hiệu quả.
Là một trong những huyện có số trẻ em đông nhất tỉnh, hiện tại toàn huyện có hơn 25.000 trẻ từ 1 đến 6 tuổi, sinh sống học tập ở 39 xã, 460 xóm. Tuy đã được các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, các bậc phụ huynh quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng tốt, nhưng do thời tiết diễn biến phức tạp, bệnh tay - chân - miệng xẩy ra ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước nên trong 20 ngày cuối tháng 9 năm 2011, ở Diễn Châu đã có 46 trẻ có triệu chứng sốt và phỏng nước ở miệng, gan bàn chân, tay, tập trung vào 4 xã Diễn Liên, Diễn Hoa, Diễn Trường, Diễn Hùng, trong đó Diễn Liên có 22 ca. Qua chẩn đoán lâm sàng thì cả 46 cháu đều ở thể nhẹ, không có trường hợp biến chứng.
Bác sĩ Cao Văn Tương, Giám đốc Trung tâm Y tế Diễn Châu cho biết: Trước tình hình đó, chúng tôi đã trực tiếp chỉ đạo toàn thể cán bộ y tế ở 39 trạm y tế xã, thị trấn và 460 xóm trong huyện ra quân phòng ngừa căn bệnh này. Mặt khác, tham mưu cho UBND huyện ban hành Chỉ thị số 18/2011/CT-UBND về tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay - chân - miệng.
Thành lập 6 tổ cơ động phòng chống bệnh, kiện toàn củng cố đội ngũ y tế thôn đội, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ y tế học đường ở cả 117 cơ sở giáo dục trong toàn huyện, phát động toàn dân ra quân làm tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, thu gom rác thải, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với phòng Giáo dục đào tạo huyện mở 3 lớp tập huấn cho 230 hiệu trưởng, hiệu phó và 156 cán bộ phụ trách y tế học đường về kiến thức, nhận dạng bệnh, vệ sinh cơ thể và ăn uống cho trẻ. Ngoài việc làm tốt công tác dự tính, dự báo tình hình dịch bệnh của từng mùa vụ, lập dự trù kinh phí, phương tiện đi lại, mua sắm đầy đủ thuốc men y cụ, đảm bảo có đủ thuốc CloraminB.
Tổ chức đóng gói sẵn từng bao 50 kg để cung ứng kịp thời cho các trạm y tế xã, thị trấn, Trung tâm y tế Diễn Châu còn giúp cho 39 xã và 50 cơ quan, đơn vị, 117 cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh tay - chân - miệng. Đôn đốc các xóm ở xã, các phòng ban ở huyện thường xuyên tổ chức giám sát, cập nhật diễn biến bệnh tay - chân - miệng báo cáo hàng ngày về Phòng y tế huyện để kịp thời xử lý. Huyện và xã làm tốt công tác tuyên truyền, viết tin bài phát trên loa truyền thanh, kẻ vẽ pa nô, khẩu hiệu nơi công cộng. Đối với 4 xã có trẻ bị bệnh tay, chân, miệng khẩn trương khoanh vùng xử lý theo đúng quy định.
Chủ động phòng chống bệnh tay - chân - miệng, với phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh", đến nay cả 39 xã, thị trấn, 460 thôn xóm ở Diễn Châu đã lập được phương án, kế hoạch phòng chống căn bệnh này.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh tay - chân - miệng trên cả nước, huyện Quỳnh Lưu đã và đang có nhiều biện pháp nhằm chủ động phòng chống căn bệnh này. Do làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biếnkiến thức phòng chống bệnh và chăm sóc sức khỏe cho trẻ nên đến nay trên địa bàn Quỳnh Lưu chưa để xảy ra trường hợp nào.
Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, đặc biệt là của phòng Giáo dục và Trung tâm y tế nên ngay từ đầu năm học, Trường tiểu học Cầu Giát đã chủ động tổ chức phun thuốc diệt côn trùng xung quanh khu vực trường và dùng hóa chất Chloramin B để xử lý nguồn nước ăn. Địa bàn trường đóng chân là nơi có mật độ người qua lại đông, khu vực tuyển sinh rộng với gần chục đơn vị nên nguy cơ mắc bệnh là rất lớn.
Hơn nữa, tỷ lệ học sinh bán trú của trường cao, với gần 90 % nên công tác vệ sinh, an toàn cho học sinh luôn được đặt lên hàng đầu. Cô Nguyễn Thị Thu - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Để chủ động phòng chống bệnh tay - chân - miệng, lãnh đạo nhà trường đã họp và xây dựng kế hoạch. Việc đầu tiên đặt lên hàng đầu là đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Chỉ đạo tất cả công nhân viên tổng vệ sinh toàn trường, liên hệ với Trung tâm y tế Quỳnh Lưu hỗ trợ phun thuốc diệt trừ các loại côn trùng, xử lý nguồn nước ăn. Giáo dục học sinh, đặc biệt là trẻ lớp 1 vệ sinh tay, rửa mặt trước khi ăn và sau khi vệ sinh."
Ngoài ra, huyện đã thành lập ban chỉ đạo, phân công cán bộ tăng cường giám sát và báo dịch đến tận mỗi địa phương. Do địa bàn rộng, địa hình lại đa dạng gồm đồng bằng, miền núi, ven biển nên công tác phòng chống dịch bệnh gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành, sự vào cuộc đồng bộ của các địa phương, cán bộ y tế và đặc biệt là ý thức tự giác của mỗi người dân nên đến nay trên địa bàn Quỳnh Lưu vẫn chưa xuất hiện trường hợp nào bị bệnh tay - chân - miệng.
Ông Lê Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm y tế huyện cho biết:" Trung tâm y tế huyện đã chỉ đạo các xã bằng công văn, hướng dẫn cách phòng chống bệnh. Tổ chức tập huấn cho trưởng trạm và chuyên trách để chủ động phòng chống bệnh. Tăng cường giám sát, sớm phát hiện ca bệnh đầu tiên để cách ly và triển khai các biện pháp tẩy uế môi trường. Trung tâm đã mua chloraminB cấp cho tất cả các trạm mỗi trạm 3kg, đảm bảo sức khỏe cho trẻ, đặc biệt là trong dịp tựu trường."
Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành huyện Quỳnh Lưu sẽ làm tốt công tác phòng chống bệnh tay - chân - miệng, đảm bảo sức khỏe cho trẻ.