(Baonghean) - Đã mấy mươi lần đi qua, về lại trên mảnh đất Đông Thành xưa, rồi cũng ngót ngần ấy lần bần thần ngắm hoàng hôn đỏ ối đổ xuống sông Bùng  thu nguyệt  như dát cả sắc màu nồng ấm xuống mênh mang lòng sông, mà lần nào cũng lấy làm lạ kỳ cho sự hữu tình của đất trời. Con sông được xếp vào hàng “bát cảnh tuyệt sắc” xứ Đông Yên nhị huyện ấy cong mềm như eo thon thiếu nữ, chảy qua khắp bãi bờ thôn dã, rồi thắt nhẹ ngay khúc rẽ chỉ cách biển lớn độ dăm cây số...

Ngay khúc thắt eo sông Bùng sóng sánh ấy, là vỗ về ăm ắp lên thế đất của một dòng họ khoa bảng danh tiếng nhất Việt Nam - dòng họ Ngô của vùng đất cổ Lý Trai. Quần thể di tích dòng họ Ngô - Lý Trai thâm trầm như nốt lặng bình yên trên trục đường cái quan ồn ã. Cánh cổng gỗ lim nặng nề mở ra, cả một không gian cố thổ như ướp hương cổ tích ùa vào khách lạ. Nghe danh quần thể di tích nổi tiếng này đã lâu, nhưng có đến và trực tiếp chứng kiến mới thấy, nhịp hải hà của thời gian dường như chẳng mấy can hệ đến vẻ đẹp linh thiêng chốn phụng thờ này.
images1089549__ng_ng__s__h_p_k_nh_d_n_d_ng_h__ng_l_n_ban_th__d_ng_h_.jpgÔng Ngô Sỹ Hợp kính cẩn dâng hương lên ban thờ dòng họ.
Ông Ngô Sỹ Hợp - thành viên Hội đồng gia tộc họ Ngô, trò chuyện chất phác, nghiêm trang và không giấu niềm tự hào về quần thể di tích dòng họ mình. Hiện, quần thể di tích nhà thờ họ Ngô đang phụng thờ ba vị: Ngô Trí Tri, Ngô Trí Hòa và Ngô Sỹ Vinh, thể theo thứ bậc từ ông đến cháu. Nhà thờ dòng họ Ngô nay đã 386 năm tuổi, tuyền gỗ lim, chạm trổ tinh xảo đạt đến đỉnh cao về nghệ thuật kiến trúc thế kỷ XVII. Qua dâu bể vẫn không mờ đi vẻ lộng lẫy sơn son, mà càng nhân lên vẻ uy nghi nhờ tâm đức của cháu con bốn phương, ngày sóc vọng nuối về nguồn cội mà sắm sửa thêm những lộng vàng, hạc quý. Niềm tri ân và tự hào ấy đúng quá còn gì, vì cả nước Việt Nam chỉ có duy nhất dòng họ Ngô - Lý Trai được hưởng vinh hiển phụ tử đồng khoa, tức là hai cha con đều đỗ giải cao trong cùng một khoa thi (Khoa thi Nhâm Thìn năm Quang Hưng thứ 15, tức năm 1592). 
 
Mải lan man suy tưởng, bỗng ông Ngô Sỹ Hợp vồn vã chỉ tay về phía hạ điện - nơi trưng tấm biển lồng khung sáng chói mà nhìn từ xa, tôi chưa định hình rõ là biển viết gì trên đó? À, thì ra, hậu thế của các vị tiên tổ họ Ngô đang rờ rỡ mừng vui mà “khoe” với tôi tấm bằng công nhận kỷ lục Guiness Việt Nam với nội dung “Tôn vinh kỷ lục cha và con cùng đỗ tiến sỹ lần đầu tiên trong một khoa thi” dành cho cha là danh nhân Ngô Trí Tri và con là danh nhân Ngô Trí Hòa. Sự kiện nức tiếng này thì tôi đã được biết đến qua các phương tiện thông tin đại chúng, vào đâu quãng đầu tháng 9 năm ngoái. Nghe bảo, tổ chức quy mô, hoành tráng với sự tham dự của nhiều nhà sử học nổi tiếng trong nước, lại có cả các vị lãnh đạo tỉnh và Trung ương góp mặt. Hữu xạ tự nhiên hương, dòng họ Ngô trải bao thế hệ đã đóng góp cho đất Việt nhiều danh tướng, công thần, kể cả thời nay, thì những cái tên như Thiếu tướng Ngô Sỹ Quân, Trung tướng Ngô Văn Sơn, Thiếu tướng Ngô Sỹ Hiền, ông Ngô Quang Xuân - Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội... , thậm chí “còn có chắt là Ngô Phương Lan,  Hoa hậu Thế giới người Việt năm 2007”, đều là con cháu dòng dõi họ Ngô. Hàng năm, mỗi dịp tế tổ, lễ, tết, dẫu xa ngái bốn phương, thì cháu con vẫn tụ hội về cố thổ ven dòng sông Bùng này để dâng hương tưởng nhớ cội nguồn. 
 
Trong không gian chiêm bái ấy, tôi mạo muội hỏi khẽ ông Ngô Sỹ Hợp, rằng dẫu là hậu thế thật đấy, nhưng ông có nghe gì về huyền tích sấm truyền cho sự vinh hiển nối đời của dòng họ mình hay không? Thoáng trầm ngâm, ông bảo: “Muốn nghe rõ chuyện sấm truyền, thì tôi không mấy thạo. Đối diện cổng chính di tích, vống sang bên kia đường có nhà của cụ Ngô Sỹ Lịnh. Cụ Lịnh độ này yếu đi nhiều, nhưng giờ chỉ mỗi cụ là còn thông hiểu gốc tích chuyện xưa. Chính sử hay dã sở, truyền sách hay truyền miệng, cứ hỏi cụ là ra nhẽ!”.
 
Theo lời mách nhỏ quý giá của ông Ngô Sỹ Hợp, tôi dò sang nhà cụ Lịnh. Năm nay, cụ đã 96 tuổi. Ngần ấy tuổi đời vắt qua mấy thế kỷ và bao vật đổi, sao dời thời cuộc, cụ trò chuyện chậm rãi, phần vì sức khỏe không cho phép, phần vì, dễ “đọc” được cái ngầm ý cẩn trọng và nghiêm cẩn khi nhắc đến chuyện dòng họ. Cụ bảo, khởi tổ của họ Ngô ở Diễn Châu là từ ông Ngô Nhật Đại. Ông là một hào trưởng sống tại vùng Cửa Sót (Hà Tĩnh), từng tham gia cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan chống lại quân xâm lược nhà Đường năm 722. Con cháu dòng họ Ngô, qua nhiều tao loạn mà di cư khắp nơi. Đến đời thứ 22 có ông Ngô Nguyên ở xã Vọng Nguyệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Vợ của ông Ngô Nguyên là bà Chu Thị Bột, có tính thương người, thấy nhân dân trong vùng đói kém, bèn dốc kho thóc của nhà mà bố thí đến khánh kiệt gia sản. 
 
Ông bà có hai người con trai là Ngô Ngọc, con thứ là Ngô Định. Sau khi bố mẹ qua đời, gia cảnh nghèo khó, con trai cả Ngô Ngọc được người cậu ở Bắc Ninh nhận nuôi và cho ăn học tử tế để nối giữ dòng trưởng. Còn con trai thứ Ngô Định, về sau trải dâu bể mà thiên di vào thôn Lý Trai, xã Lý Trai, huyện Đông Thành (nay thuộc xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu). Vị Ngô Định này trở thành Thủy tổ của họ Ngô ở Diễn Châu nói riêng và ở Nghệ An nói chung, được xem là dòng thứ của họ Ngô. Bấy giờ, dân gian lưu truyền bài sấm: “Một gốc trăm cành nẩy họ Ngô/Chuyện bà thí thóc để muôn thu/Mất mùa thương kẻ ăn rau cháo/Làm phúc đến lúc dốc bịch bồ/Hai chữ vinh hoa bia miệng dệt/Năm đời liền trúng phấn son tô/Còn trời còn đất còn non nước/Thóc tổ còn nhiều chẳng phải lo”.
 
Cụ Lịnh đọc cho tôi nghe bài sấm truyền miệng, rồi nhỏ nhẹ phân tích: Người ta chiếu theo cái câu “Năm đời liền trúng phấn son tô” mà ứng vào cho 5 đời của dòng trưởng họ Ngô ở Bắc Ninh liên tiếp đỗ tiến sỹ, rồi câu chốt “Thóc tổ còn nhiều chẳng phải lo” là ám chỉ 5 đời tiếp theo dòng thứ họ Ngô - Lý Trai nối truyền thống vinh hiển ấy. Thực hư thế nào ai dám chắc, nhưng bài sấm ấy vẫn được lưu trong dân gian như bài học quý về tính nhân văn, hướng thiện, về đức hiếu học và nhẫn nại vượt khó của một dòng họ khoa bảng nước Nam.
 
Một thoáng im lìm trôi qua... Cụ Lịnh ngừng lời, khẽ ho húng hắng. Trời ngả về chiều, gió đầu mùa đã đưa giá lạnh từ hướng sông Bùng lùa vào căn phòng nhỏ. Cụ khoát tay về phía sông, bảo, dòng họ Ngô - Lý Trai, hưởng cái phúc phần của tổ tiên, đằm địa nghĩa đất, tình sông vùng đất cổ nơi cửa bể mấy ngàn năm tuổi mà hơn người ở cái chí hiếu học vươn lên. Cụ dạy thế thì thấm thía lắm. Bởi, ngẫm lại những danh vị tiến sỹ hiển hách sử còn ghi, là những tấm gương vượt khó, thoát nghèo, lấy sự học làm trọng suốt đời. Thì như danh nhân Ngô Trí Tri, theo Đông Yên nhị huyện khoa phổ, ông đậu Hương Cống khoa Mậu Ngọ năm Thiên hữu thứ 2 (1558) dưới triều vua Lê Anh Tông. Ba mươi tư năm sau, khoa Nhâm Thìn năm Quang Hưng thứ 15 (1592), ông mới đậu Tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân, tên đứng thứ nhất. Bấy giờ, ông tròn 56 tuổi.  Nối đời cháu là Ngô Sĩ Vinh cũng danh xưng bảng vàng lúc ngoại ngũ tuần… 
 
Giờ, trong quần thể di tích nhà thờ Ngô Trí Hòa và Ngô Sỹ Vinh, còn lưu giữ được nhiều sắc phong quý mà triều đình các thời kỳ ban tặng. Bản thân danh nhân Ngô Trí Hòa là người học rộng nhớ nhiều, là danh thần của 3 triều vua: Thế Tông, Kính Tông, Thần Tông. Đặc biệt, mười chữ vàng vua ban: Khoa danh thiên hạ hữu/ Phụ tử thế gian vô, nghĩa là Danh lợi thiên hạ có, cha con đậu cùng bảng thế gian không đã đúc kết cô đọng nhất về ý nghĩa của sự vinh hiển, đỗ đạt khoa bảng từ nền tảng nhân văn của dòng họ. Cụ Ngô Sỹ Lịnh bảo, chữ vàng vua ban là quý, nhưng với con cháu dòng họ, quý hơn cả là câu đối truyền ngôn được dân quê truyền nhau, mộc mạc mà thấm thía: “Sớm khoai, trưa khoai, tối khoai, khoai ba bữa/ Cha đỗ, con đỗ, con đỗ, cháu đỗ, đỗ cả nhà”.
 
Mạch nguồn truyền thống hiếu học ấy qua bao thế hệ vẫn được duy trì, tiếp nối. Dẫu đời nay, cảnh “khoai ba bữa” đã không còn nữa, cuộc sống nhìn chung của cháu con đã khởi sắc nhiều, thì ngọn lửa sự học vẫn luôn ngời sáng trong ý thức dòng họ. Dòng họ Ngô - Lý Trai đến nay vẫn giữ vững danh xưng dòng họ hiếu học qua những con số thống kê đáng mừng về thành tích của cháu con trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp, đỗ đại học và thành đạt trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Quỹ khuyến học của dòng họ cũng là nét đáng trọng, khi được duy trì qua nhiều năm với nguồn quỹ ổn định, ngoài làm phần thưởng, động viên cháu con vươn lên trong học tập và công việc, còn được trích để hỗ trợ lâu dài cho một số đối tượng con em gia đình hoàn cảnh. Từ mảnh đất nhỏ bé ven dòng sông Bùng trữ tình ấy, nhiều cánh chim hiếu học của dòng họ đã bay xa khắp bốn phương trời. Cụ Lịnh và tôi, cùng nhãng ánh mắt xa xăm sang tán thị cổ tỏa rộng nơi khoảng sân gạch rêu xanh thẫm của khuôn viên nhà thờ. Nghe bảo, mới tháng trước đây thôi, Hiệp hội di sản xanh Việt Nam đã về lấy mẫu phân tích, và cho kết quả chắc nịch là 3 cây thị sừng sững ấy phải hơn 300 năm tuổi, xấp xỉ bằng bề dày của quần thể di tích nhà thờ dòng họ Ngô - Lý Trai này. Thế là, âm vọng trăm năm hiển hiện trong những chứng tích bền màu thời gian lại thêm một lần nữa bồi đắp niềm tự hào vinh hiển trong thế hệ cháu con, để tiếp mạch truyền đời gìn giữ...
 
Bài, ảnh: Phương Chi