(Baonghean) - Làng Hàu (nay thuộc xã Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu) là vùng đất cuối cùng của vùng Bãi Ngang. Ngày xưa gọi là vùng Lục Phú (6 làng bãi ngang giàu có nhất huyện Quỳnh Lưu). Phía Tây là sông Mơ (còn gọi là sông Mai Giang) bao bọc đổ ra cửa Lạch Quèn, một bên là biển. Nằm sát cửa Lạch Quèn có núi Rồng vươn ra biển, có nhiều hang động kỳ thú và cảnh quan đẹp như bức tranh thuỷ mặc... 
 
images1141680_20150301_075944.jpgLễ rước trong Lễ hội Đền Thượng năm 2015. Ảnh: Hồ Ngọc Quý
 
Dưới chân núi Rồng cạnh sông Mơ là hệ thống đền đài, đẹp cổ kính và giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân. Đền Thượng ẩn mình dưới cây trôi cổ thụ, đền tọa Tây hướng Đông, kiến trúc theo kiểu tam toà: chính tẩm, thiên hương và ca vũ. Mái lợp ngói to bản, mũi hài, trên đỉnh nhà ca vũ có lưỡng long chầu nguyệt, 4 cột hiên trước cửa sơn son thiếp vàng mang dấu ấn của nền văn hoá thời Lý. Bên ngoài hai đốc nhà thiêu hương hiện còn tượng 2 hổ phù ngậm thư trời, dấu ấn văn hoá thời hậu Lê, phía trong đền có bức đại tự “Thượng đẳng tối linh thần’’, có long ngai bài vị, có hòm sắc và thần y, có cả một hệ thống bàn thờ, lư hương... Phía trước có cổng Tam quan đường bệ, có đôi voi, đôi ngựa chầu kim khuyết, có đôi câu đối tạm dịch như sau: “Chúa tể chốn sơn lâm về chầu cửa khuyết/ Sao sáng trên trời dọi xuống làm sáng cả thế gian”. Đền Thượng là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Quỳnh Nghĩa; nơi tập trung cất giấu lương thực và đạn dược trong thời gian kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hiện nay đền Thượng đã được Nhà nước xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia. Hàng năm có lễ hội rước thần, tổ chức vào tháng 2 âm lịch.
 
Lễ rước trong Lễ hội Đền Thượng năm 2015. Ảnh: Hồ Ngọc Quý
 
Đình Trung được xây dựng vào thế kỷ XVII, tu sửa nhiều lần vào thời Nguyễn, tọa lạc trên nền đất cao, cổng đình hướng về đền Thượng. Đình xưa bề thế, xây cất 5 gian, 24 hàng cột, lát gạch, lợp ngói âm dương. Bên trong, trước 2 cột chính có câu đối tạm dịch như sau:
 
Đình trung sau biển trước sông, là nơi chung linh tú khí,
Dân tình cày ruộng, đào giếng và ưa thích hát ca.
 
Trên các đường kèo được chạm khắc các mảng đề tài dân gian, cảnh sinh hoạt đồng quê, cảnh đua thuyền đánh cá, cảnh chơi Xuân, đánh cờ người, chọi gà... Xưa kia đình có đủ chiêng, trống, tế lễ vào tháng 2 âm lịch, như lễ cầu yên, cầu mưa thuận, gió hoà vào những năm đại hạn. Theo các cụ cao niên, những ngày đầu cách mạng, dân làng đã tập trung trước đình để mít tinh trước khi đi cướp chính quyền, sau đó đình trở thành trụ sở của Ủy ban hành chính kháng chiến xã, trường bình dân học vụ. Sau này do thời gian đình bị hư hỏng và được dỡ bỏ. 
 
Làng Hàu xưa có nhiều giếng làng cùng những cây cổ thụ như giếng nước cây trôi đền Thượng, giếng nước cây gạo đình Trung, giếng nước cây đa đồi Ý, cây bồ đề Đồng Trọn, cây phượng xóm Đông, lùm gác, lùm sanh, đồng Mưng, đồng Sanh và hàng chục giếng nhỏ khác như giếng Văn, giếng Eo, giếng Sộp, giếng Sui, giếng Lòi... đã đi vào câu ca:
 
Nhớ hôm bên giếng chàng ơi,
Chàng đưa mắt liếc khiến em rơi chiếc gàu.
Nhớ chàng ra đứng gốc đa,
Nhớ ăn cùng giếng, nhớ đi cùng đường.
Ta về uống nước giếng ta,
Soi gương thấy mặt nàng nhà vẫn hơn.
 
Cây trôi cổ thụ đã bị bão quật ngã cách đây vài chục năm, nhưng hiện nay xã Quỳnh Nghĩa đã khôi phục trồng lại cây bên cạnh giếng thiêng trên nền đất cũ, đồng thời khôi phục lại ngôi đền thiêng cạnh giếng và cây trôi cũ. 
 
Làng Hàu có phong cảnh đẹp trữ tình, là chốn đất lành chim đậu. Nhiều dòng họ về đây sinh cơ lập nghiệp nhiều nhất là họ Hồ. Làng nổi tiếng hiển đạt với 17 người đỗ đạt, trong đó có 2 vị tiến sỹ, 2 vị phó bảng và 13 vị cử nhân; có 25 vị quan võ từ chánh đội trưởng trở lên, ngoài ra có 21 vị danh y, thầy đồ nổi tiếng. Làng Hàu nổi tiếng là làng quan nhiều người được phong tước hầu nên có tên làng Hầu, về sau gọi chệch sang làng Hàu. Chợ của làng cũng gọi chợ Hàu, phía dưới có đò Mai tấp nập buôn bán đông vui:
 
“Đò hai bên xôn xao khách qua lại,
Chợ đôi chiều người xum họp bán mua’’.
“Chợ Hàu một tháng sáu phiên,
Em năng đi chợ cho duyên mặn nồng’’.
 
Làng Hàu là cái nôi của làn điệu dân ca. Những đêm thu gió mát trăng thanh, điệu hát đò đưa bên sông như “nhớ thương người theo nhịp mái chèo từ sông Mai vọng lên hoà với tiếng hát ví, hát giặm, hát phường vải êm êm như liễu, nhẹ nhàng như tơ” gợi lên sự quyến luyến: 
 
“Anh về mai anh lên chưa,
Để em bưng bát cơm trưa em chờ.
Em ơi anh đợi em chờ,
Tối mai đến giờ ta lại gặp nhau’’.
 
Trên vùng quê sông nước đang từng ngày thay da đổi thịt, phố hoá đường làng, vẫn còn đó những không gian tĩnh lặng của cây đa, bến nước, sân đình, vẫn còn đó những câu ca trữ tình vang mãi trên sông...
 
Trần Hữu Đức