(Baonghean.vn) - Nhiều ca sỹ, nhạc sỹ, học trò của Thiếu tướng- nhạc sỹ An Thuyên bày tỏ nỗi xúc động trước sự kiện 1 năm ngày ông ra đi, và quê hương đón ông trở về trong đêm nhạc “Neo đậu bến quê” được tổ chức tại Nhà Văn hóa Quân khu 4, thành phố Vinh vào ngày 25/6.

resize_images1593968_nguyen_a_11_1436001966_660x0_1036.jpgNhạc sỹ An Thuyên

* NSƯT – Trung tá Bích Ngọc (Đoàn Nghệ thuật Quân khu 4): Nếu không có thầy, sẽ không có NSƯT Bích Ngọc hôm nay

Tôi nhớ ngày này cách đây 1 năm. Cô Thanh Xuân, cô giáo chủ nhiệm năm xưa gọi báo tin: Ngọc à, thầy Thuyên mất rồi! Sau đó, 2 cô trò cứ thế nghẹn ngào khóc nấc trong điện thoại.

Trong ký ức tôi, thầy giáo – nhạc sĩ An Thuyên luôn hiền hậu, ân cần và thương yêu học trò hết mực, dạy bảo như con cái trong nhà. Những ngày tôi- cô trò nhà quê theo học ở Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Quân đội (giờ là Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội).

NSƯT Bích Ngọc

Chiều chiều, thầy lại gọi mấy đứa ra ghế đá ngồi nhổ tóc sâu và cặn dặn từ những điều rất nhỏ trong cuộc sống: cách ứng xử, lời ăn tiếng nói, sống tình cảm yêu thương, gắn bó với quê hương, đất nước. Thầy nói tuổi thơ của thầy cũng vất vả ngoài đồng ruộng, trên lưng trâu, thầy tập sáng tác những giai điệu đầu tiên bằng cây sáo trúc, lúc đó có ai dạy cho mình đâu? Từ những câu dân ca, từ lời ru, điệu ví, giặm… mà có được thầy bây giờ, các con cũng phải chịu thương, chịu khó.

Thế nhưng trong công việc, biểu diễn thầy hết sức nghiêm khắc với học trò: Thầy nhắc đi nhắc lại và yêu cầu chúng tôi phải luôn giữ và rèn luyện tác phong, phẩm chất của một người trong quân đội. Thầy nói, ở đây là một ngôi trường quân đội, và các con cũng là những người lính.

Hơn 20 năm trôi qua. Lớp học 18 người ngày ấy, bây giờ đã có 6 NSƯT… Nếu không có thầy, thì sẽ không bao giờ có NSƯT Bích Ngọc hôm nay!

* Ca sĩ Nguyễn Đình Thanh Tâm (T.P Hồ Chí Minh): Tôi muốn nói lời biết ơn với thầy

Khi Tâm tham gia chương trình Sao Mai Điểm Hẹn đã may mắn được hát ca khúc mới của thầy. Lúc ấy hai thầy trò chỉ trao đổi qua điện thoại, mãi sau này, Tâm mới được gặp gỡ trò chuyện với thầy ngoài đời.

Sau chương trình Sao Mai Điểm Hẹn, khi vừa tốt nghiệp trường Kiến trúc, thầy đã giục Tâm làm album, để giới thiệu tới khán giả. Tâm mới nói với thầy: “Con muốn lắm, mà con không có tiền thầy ạ”.Vậy mà mấy ngày sau, thầy đã gọi Tâm tới gặp. Lúc đó Tâm chỉ nghĩ thầy gọi sang để trao đổi về bài vở, nhưng ngờ đâu thầy đưa cho Tâm một phong bì 10 triệu đồng và bảo mấy nữa có tiền thầy cho thêm. Tâm thực sự bất ngờ và xúc động trước tình cảm của thầy dành cho một người trẻ như Tâm. CD “Cánh diều lạc phố” sau này được đề cử giải thưởng Cống Hiến 2012, Tâm muốn nói lời biết ơn với thầy nhiều lắm.

Ca sỹ, kiến trúc sư Nguyễn Đình Thanh Tâm

Trong gia đình, Tâm rất ít nói chuyện được với ai, vậy mà Tâm lại có thể trò chuyện với thầy đủ thứ chuyện. Vài lần, hai thầy trò cùng nhau lên vùng cao biểu diễn, đó là những kỷ niệm thật đẹp. Thầy thật bình dị, luôn tôn trọng và khiến những người trẻ như Tâm cảm thấy tự tin. Thầy giúp Tâm hiểu được để cống hiến nghệ thuật là phải từ trái tim mình.

Đến bây giờ thì Tâm đã có thể tự lo cho mình cho những dự án mới, nhưng người đã dìu dắt mình ở những bước chập chững đầu tiên, là Thầy, thì Tâm sẽ luôn tri ân mãi. Từ tận đáy lòng của mình, Tâm biết Thầy vẫn đang dõi theo và ủng hộ mình, Tâm sẽ nghiêm túc và hết lòng với nghề, như lời thầy dạy lúc còn sinh thời

* NSƯT Vân Khánh (Nhạc viện TP Hồ Chí Minh): Chú An Thuyên còn mãi...

Lần đầu tôi gặp chú An Thuyên cách đây đúng 20 năm, trong một cuộc thi tiếng hát HSSV. Khánh hát bài “Huế thương” của chú. Đó cũng là ca khúc Khánh được nhiều khán giả yêu mến khi hát. Bên cạnh Huế thương còn có “Ca dao em và tôi”, “Chiều sông Thương”, “Neo đậu bến quê”... của chú An Thuyên là những ca khúc Khánh thể hiện nhiều lần.

NSƯT Vân Khánh

Với ca khúc nào Khánh cũng được chú tận tình góp ý. Lúc ở HN khi ở TP. HCM và nhiều nơi khác, nhiều chương trình của chú hoặc trường chú đều mời Khánh tham gia. Đó là điều rất đáng trân trọng với Khánh và Khánh nghĩ vì giữa hai chú cháu có duyên với nhau, mối duyên của những người con miền Trung, yêu quê hương xứ sở bằng cả tấm lòng.

Với chú An Thuyên và gia đình chú, Khánh coi trọng và yêu quý như ruột thịt. Mỗi lần ra Hà Nội, Khánh đều đến thăm cô chú, chơi với Bông Mai, thân tình như người trong nhà. Vì thế, với Khánh, nhạc sĩ An Thuyên luôn còn mãi.

* Ca sĩ Huyền Trang (Nhà hát ca múa nhạc Quân đội): Nhớ cái cốc đầu của thầy An Thuyên

Tôi có may mắn được nhạc sỹ An Thuyên xem như là một trong những học trò “cưng” của thầy. Con đường đến với âm nhạc của tôi luôn in dấu ấn của người thầy tài hoa ấy.

Sau khi thầy qua đời, tôi được nhạc sỹ Lê An Tuyên và nhạc sỹ Quốc Nam giao cho bản nhạc mới mang tên “Anh mãi là vầng trăng” để thể hiện. Ca khúc được viết ra nhằm tưởng nhớ thầy. Tôi đã hát với tất cả niềm kính yêu đối với người thầy của mình. Cho tới giờ, tôi vẫn nghẹn ngào khi mỗi lần cất tiếng hát ca khúc ấy.

Ca sỹ Huyền Trang

Tôi được cố nhạc sỹ An Thuyên cố vấn từ đầu đến cuối khi tham gia giải Sao Mai 2013. Khi đăng ký tham gia những ngày đầu tiên ấy, tôi mải miết tìm mãi không ra ca khúc để dự thi. Đúng lúc ấy, nhạc sỹ An Thuyên “cốc” lên đầu tôi bảo, con cứ lấy những gì cũ, cái gốc ra để làm thành cái mới. Và  được thầy cố vấn chọn bài “Buông áo em ra”. Cái “cốc” đầu ấy sẽ chẳng bao giờ phai nhòa đi trong tâm trí tôi. Giải Sao Mai năm đó, tôi may mắn đã đoạt giải nhất dòng nhạc dân gian.

Đêm tưởng nhớ nhạc sỹ An Thuyên sẽ diễn ra vào đêm 25/6/2016 tại thành phố Vinh (Nghệ An), dù không tham gia đêm nhạc này, nhưng trái tim tôi luôn hướng về người thầy của mình – hướng về quê hương xứ Nghệ.  

Nhóm PV- CTV

TIN LIÊN QUAN