(Baonghean) - Sáng 24/12, Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã nghe Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao giải trình về việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật và pháp lệnh.
Theo thông tư của Bộ Công an, do Phó chủ nhiệm ủy ban PLQH Lê Minh Thông trình bày, các chi tiết trong chứng minh nhân dân (CMND) mới được thiết kế như sau: Mặt trước, thông tin cơ bản cá nhân công dân như họ, tên, ngày tháng năm sinh, dân tộc, quê quán, nơi thường trú. Mặt sau: Mã vạch 2 chiều, dấu vân tay ngón trỏ trái, phải- Họ tên cha, họ tên mẹ.
Trong mẫu CMND mới này, các thông tin cá nhân không có gì phải bàn, nhưng vấn đề là tại sao lại phải ghi họ tên cha, họ tên mẹ vào CMND? Đại diện Bộ Công an và một vài luật sư trả lời rằng, phải ghi tên cha mẹ vào CMND là vì có những trường hợp hai người trùng tên, trùng họ, trùng ngày sinh tháng đẻ, trùng quê quán, trùng cả nơi tạm trú... thì lấy thông tin cha mẹ để phân biệt(!). Vả lại, ghi đầy đủ như thế để sau này có thể dùng CMND thay thế cho một số giấy tờ trong giao dịch các vụ việc hành chính khác! Tuy nhiên, đa phần các đại biểu Quốc hội không đồng tình với cách giải thích đó. Điều đáng nói ở đây là lần thảo luận này, nhiều đại biểu Quốc hội đã nhìn nhận vấn đề không chỉ bằng tinh thần khoa học, mà còn nhìn nó dưới góc độ của các quan điểm về nhân văn, nhân đạo. Đại biểu Mã Điền Cư, Phó Chủ tịch HĐDTQH nói: "Vấn đề này liên quan đến lợi ích của rất nhiều người, nên không lấy ý kiến, không thăm dò dư luận là không được!". Ông cho rằng: "Nếu làm không khéo thì sẽ vi phạm nhân quyền, bởi quyền con người đã được quy định rất rõ trong hiến pháp rồi! Qua theo dõi, tôi được biết có nhiều người không đồng tình với chủ trương trên. Với tư cách là ĐBQH, nếu trong quá trình đi tiếp xúc cử tri mà có nhiều người thắc mắc thì tôi sẽ xem xét và sẽ chất vấn ở trước Quốc hội". Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi thì nói thẳng: "Đưa tên cha mẹ lên chứng minh thư là không cần thiết". Ông và nhiều đại biểu khác cùng nhấn mạnh tính chất nhân văn, nhân đạo của vấn đề. Có thể coi ý kiến của đại biểu Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp là tiêu biểu cho quan điểm này: "Việc đưa nguồn gốc con người lên CMND rất dễ gây xúc động tâm lý không tốt với nhiều người đã có cha mẹ mất từ lâu, thiếu cha mẹ, hoặc sinh ra đã không biết cha mẹ là ai! Dù Bộ Công an giải thích trường hợp này có thể để trống, nhưng thử hỏi khi ấy công dân sẽ cảm thấy tủi thân, xấu hổ ra sao khi đưa CMND cho người khác xem? Quan điểm của tôi là không thể thực hiện quy định này!". Ngoài ra, những người có cha mẹ bị tù đày, bị án phạt nặng nề, người ta muốn quên đi thì không nên dùng CMND để nhắc lại. Rồi lại còn trường hợp sinh con đơn thân, con ngoài giá thú, con từ thụ tinh nhân tạo... Bao nhiêu là oái oăm khi phải kê khai ở hạng mục này! Cuối cùng, Tiến sĩ Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp xác nhận: "Việc đưa tên cha mẹ vào CMND là trái với bộ Luật Dân sự và Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Chính phủ ta đã ký năm 1989". (Điều 38 bộ Luật Dân sự 2005 về quyền bí mật đời tư nói rằng, người mẹ có quyền giữ kín thông tin về người cha, nên Bộ Công an yêu cầu ghi tên cha mẹ vào CMND sẽ xâm phạm vào quy định đó!). Vậy thì rõ ràng là việc ghi tên cha mẹ vào CMND là không dễ thực hiện.
Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam kết luận: Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Công an làm thí điểm, tham khảo ý kiến các chuyên gia luật pháp, ý kiến nhân dân và học hỏi kinh nghiệm các nước tiên tiến để xem xét và quyết định sau, trên tinh thần quản lý xã hội chặt chẽ nhưng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân và phù hợp với tình hình thực tiễn...". Chúng ta hoan nghênh tinh thần nhân văn nhân đạo của Chính phủ, Quốc hội và các đại biểu, các bộ, ngành trong việc nhìn nhận và xem xét vấn đề ngày một hợp tình hợp lý và thỏa đáng hơn đối với nguyện vọng của nhân dân.
Về việc ghi tên cha mẹ trong CMND
Thạch Quỳ (TP. Vinh)