(Baonghean) - Tạo lập một cộng đồng và cùng nhau sinh tồn, chia sẻ lợi ích cũng như đương đầu với khó khăn là một bản năng tự nhiên, không chỉ ở con người mà còn xuất hiện ở động vật. Ở con người, gây dựng mối quan hệ giữa các cá thể không dừng lại ở mức độ chia sẻ thức ăn, nước uống và chỗ trú ẩn như động vật, mà đạt đến mức độ cao hơn nhiều: Đó là sự hỗ trợ, giúp đỡ, hợp tác cùng phát triển, thậm chí là tình thân ái, tình đồng bào, tình bạn bè, anh em. Chúng ta gọi đó là tinh thần đoàn kết.

Trong Từ điển tiếng Việt, đoàn kết nghĩa là làm thành một khối thống nhất, hoạt động vì một mục đích chung. Sở dĩ trong chiến tranh, lời kêu gọi khối đại đoàn kết của Bác Hồ được toàn dân một lòng hưởng ứng bởi mục đích, tôn chỉ hành động chung của chúng ta thời điểm đó là cấp thiết, rõ ràng và duy nhất: tiêu diệt thù trong, giặc ngoài, thống nhất đất nước, thành lập nền tự chủ. Cũng chính nhờ trên dưới một lòng mà cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của nhân dân và Đảng ta đã đi đến thắng lợi rực rỡ, đem lại nền hoà bình và chủ quyền dân tộc ngày hôm nay.

787820_small_88642.jpg

Những năm tháng bom đạn giờ chỉ còn sống trong những câu chuyện của bậc ông, bà, cha, mẹ. Bước sang thời kì xây dựng và kiến thiết đất nước, có phải vì ngủ quên trên chiến thắng năm xưa mà chúng ta rời bỏ vị trí của mình trong khối đại đoàn kết? Cuộc sống hiện đại, sung túc và những giá trị vật chất đang khiến ta mờ mắt, mê mải chạy theo những thứ phù phiếm xa hoa và mưu lợi cá nhân hơn là tự hỏi bản thân: Ta đang ở đâu trong công cuộc xây dựng đất nước? Ta có nghĩa vụ phải làm gì? Và quan trọng hơn cả, ta đang kề vai sát cánh với ai? Cứ thế, lối mòn của sự lười biếng, vô trách nhiệm và vị kỉ sẽ đẩy chúng ta xa nhau đến vô cùng, khiến những công dân vệ tinh đi lệch khỏi quỹ đạo vốn dĩ xoay quanh sự lớn mạnh, giàu đẹp của đất nước. Một ngày kia, chúng ta thấy mình ở hai bờ chiến tuyến, vì đồng tiền hay chút danh lợi mà đấu đá, làm tổn thương lẫn nhau. Các thế hệ đi trước, những người đã từng san sẻ mồ hôi, nước mắt, xương máu và thậm chí là cả mảnh đất nơi họ ngã xuống sẽ biết nói gì ngoài sự thất vọng tràn trề khi trang sử đau thương của ngày hôm qua vẫn còn chưa khô mực, mà chúng ta hôm nay gà cùng một mẹ lại đấu đá nhau, tạo cơ hội cho những thế lực xấu đang ngày đêm rắp tâm chống phá những gì cha ông ta để lại.

Nói về sự đoàn kết trong thời kỳ đổi mới, thiết nghĩ cần phải làm được ba điều như sau:

Thứ nhất, định nghĩa rõ ràng thế nào là đoàn kết, đưa ra những biểu hiện, hành vi dẫn chứng cụ thể để dân ta lấy đó làm chuẩn mực noi theo. Đoàn kết nghĩa là hoà hợp, thống nhất, là kết thành sức mạnh tổng hợp từ mỗi cá nhân để chèo chống con thuyền chung của đất nước tiến theo một và chỉ một hướng. Tất nhiên tinh thần đoàn kết trong thời bình không biểu hiện mạnh mẽ như trong thời chiến, nhưng đâu cứ phải kề vai sát cánh bên nhau dưới chiến hào, chung lưng đấu cật đẩy một xe pháo hay liều mình cứu đồng đội dưới mưa bom bão đạn mới là đoàn kết. Đoàn kết cũng có thể là manh áo ấm chia nhau cái rét mùa đông, là bát cơm thảo thơm miền xuôi gửi về đồng bào miền ngược bị lũ quét, là tình thân ái "nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng". Những điều ấy thực ra đâu quá khó, chỉ là khi chúng ta sống trong gấm vóc, lụa là, dễ quên rằng những thứ với ta là thừa thãi có khi là niềm mong ước của nhiều mảnh đời thiếu thốn. Chỉ cần ta mở lòng mình ra thêm một chút thôi, có phải đời sẽ đẹp hơn và tình người sẽ thắm đượm hơn nhiều?

Thứ hai, cần phải xác định mục tiêu chung mà khối đại đoàn kết hướng đến, vì một tập thể muốn tồn tại và lớn mạnh lâu dài không thể không có tôn chỉ, đường lối. Nếu như trong thời chiến, hoà bình độc lập là mục tiêu lớn nhất thì ngày nay, cuộc chiến của chúng ta chuyển sang mặt trận xây dựng, kiến thiết, đổi mới và giữ gìn, phát huy. Cuộc chiến đổ nhiều máu nhất chưa chắc đã là ác liệt, khó khăn nhất! Ngày nay, đất nước thông thương, mở cửa với nhiều quốc gia khác, đón nhận và trao đổi hàng hoá, kiến thức, văn hoá ngoại nhập, âu là cơ hội để ta phát triển, cải tiến nhưng cũng khiến cho bề dày văn hoá, truyền thống, lịch sử của ta bị suy yếu, sơ hở. Chính lúc này là lúc cần kêu gọi khối đại đoàn kết để thống nhất lối đi, chiến lược phát triển chung, có như thế con thuyền đất nước trước thềm hội nhập mới không mong manh như bèo gặp sóng cả, vị thế của chúng ta trên trường quốc tế mới được bạn bè coi trọng và chủ quyền dân tộc mới được giữ vững.

Cuối cùng, cần xác định đâu là lực lượng tham gia cuộc chiến của thời đại mới. Thực ra điều này vô cùng đơn giản: Lực lượng của khối đại đoàn kết phải là toàn dân, không phân biệt già-trẻ, gái-trai, nông thôn-thành thị, giàu-nghèo, tôn giáo, nghề nghiệp, cấp bậc. Nói thì rất dễ, làm mới thấy khó! Một trong những bất cập làm rạn nứt khối đại đoàn kết ngày nay chính là sự phân biệt, kì thị, chia rẽ trong cộng đồng. Vừa qua, việc một số bạn trẻ có thái độ phân biệt, kỳ thị đối với những người miền Trung, trong đó có người Nghệ An, đã khiến toàn xã hội phải lên tiếng, vì những hành vi này có thể là mầm mống hậu hoạ cho sự nứt vỡ của khối đoàn kết dân tộc. Qua đó, hẳn ta cũng nên tự hỏi mình, thực ra ta đã xoá bỏ được định kiến, rào cản vùng miền, tiếng nói hay chưa? Có phải mỗi chúng ta đều có xu hướng ít nhiều khép kín trong cộng đồng nhỏ của mình, từ chối hoà nhập với những cộng đồng khác, thậm chí có những người khép mình đến mức cực đoan, phê phán, chỉ trích và làm tổn hại đến những người xung quanh mà quên mất rằng dù là người miền nào, nói tiếng địa phương nào thì chúng ta cũng đều mang cái tên chung là người Việt Nam và chảy trong tim dòng máu Lạc Hồng. Sự phân biệt không chỉ ở chuyện vùng miền mà còn ở cả tôn giáo, dân tộc, cũng chính là những điểm trọng yếu của khối đoàn kết dân tộc, nếu không có biện pháp tăng cường, quan tâm vun đắp sẽ trở thành nơi dễ sụp đổ nhất một khi những thế lực thù địch ra tay phá hoại.

Nói tóm lại, bài toán đặt ra cho khối đại đoàn kết của thời đại mới là làm sao để dung hoà được những cái tôi, cái khác biệt trong một thể thống nhất, vừa giữ được sự đa dạng và tự do phát triển của mọi cá nhân, vừa đảm bảo sự vận hành đồng bộ, nhịp nhàng của cỗ máy tổng thể. Cái tôi cá nhân cần có cộng đồng bao bọc để được công nhận và tạo môi trường, điều kiện phát huy, ngược lại, một cộng đồng không cần những cỗ máy rập khuôn mà cần những tư duy, khả năng và cái nhìn khác nhau để đạt đến sự toàn mỹ, khái quát.

Có nghĩa là bài toán vừa hợp lại vừa chia, chia để hợp, chia để bổ sung hỗ trợ lẫn nhau chứ không phải chia để trị như cách thức mà những quốc gia xâm lược dùng để chia rẽ đất nước thuộc địa. Mà xem chừng chia để hợp còn khó hơn chia để trị gấp trăm nghìn lần. Tại sao lại phải chia? Bác Hồ nói về vấn đề này bằng chuyện chiếc đồng hồ như sau: Trong một chiếc đồng hồ có kim giờ, kim phút, kim giây và cỗ máy điều khiển các kim chạy. Vậy thì bộ phận nào là quan trọng nhất trong chiếc đồng hồ? Bỏ đi một trong các bộ phận trên, chiếc đồng hồ có còn đảm bảo được chức năng của nó hay không? Như vậy để ta hiểu rằng, không có thành phần nào trong xã hội là thừa thãi, vô dụng, từ người quét rác, anh công nhân, bà bán hàng rong cho đến kĩ sư, bác sĩ hay ông chủ tịch nước, ai ai cũng cần thiết cho sự phát triển đi lên của xã hội. Thậm chí những người trong quá khứ đã từng phạm phải sai lầm (những người có tiền án, tiền sự hay có người thân trong gia đình có tiền án, tiền sự) ngày nay thường bị cô lập, lãng quên trong công cuộc xây dựng đất nước, nhưng nếu họ có tài năng, nhiệt huyết và khát vọng được cống hiến thì họ cũng là những cánh tay, bộ não và trái tim của đất nước được chứ sao? Chính Bác Hồ cũng luôn chủ trương bao dung "đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại", nếu chúng ta cứ khư khư lối suy nghĩ thiển cận, hẹp hòi trên, sẽ là một sự lãng phí nguồn lực vô cùng to lớn cho sự phát triển của đất nước. Thay vì chỉ trích, đấu đá lẫn nhau, dòm ngó vị trí, thứ bậc của người khác hay luồn lách, chạy chọt, cố gắng giữ mình để ngồi lên chiếc ghế không dành cho mình, mỗi người nên biết rõ mình cần và có khả năng ở đâu, nhiệm vụ của mình là gì, làm sao để hoàn thành nhiệm vụ, chức năng của mình, như thế thì cỗ máy chung mới phát triển lành mạnh và vững bền.

Chắc hẳn không ít bạn đọc sẽ cho là Hải Triều tôi đang nhai đi nhai lại một vấn đề cũ mèm mà ai cũng biết, ai cũng nói. Nhưng thiết nghĩ, là một người cầm bút và ít nhiều nghĩ ngợi cho vận mệnh đất nước trước nhiều biến động văn hoá, kinh tế và quân sự, suy cho cùng tôi cũng chỉ đang hoàn thành sứ mệnh, chức năng của mình là gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho suy nghĩ, lối sống, hành vi của cộng đồng mà thôi. Tôi không có tự tin và tư cách nói mình sẽ giải quyết được bài toán hóc búa của khối đoàn kết dân tộc trong thời đại mới, việc đó, có lẽ không chỉ riêng tôi, mà tất cả các bộ phận, linh kiện trong cỗ máy chung phải chung tay góp sức mới có thể cáng đáng nổi. Trong lúc chờ đợi, xin dành đôi phút để đọc, để ngẫm những điều cũ mèm mà Hải Triều tôi viết ra ở trên đây, không biết có làm cho các bạn ngộ ra được điều gì hay không?


Hải Triều (Email từ Paris)