(Baonghean) - Sáng nay (22-2), Giải thưởng toàn quốc "Nhân ái Việt Nam" lần thứ 2 đã  được trao tại thủ đô Hà Nội. Giải thưởng này là dịp để tôn vinh những tập thể và cá nhân tiêu biểu trong hoạt động nhân đạo, từ thiện xã hội và  đền ơn đáp nghĩa. Trong số 73 tập thể và 7 cá nhân được trao giảI năm nay, Nghệ An duy nhất có một cá nhân đoạt giải. Đó là Thích Nữ Diệu Nhẫn - Trụ trì chùa Cần Linh – thành phố Vinh.

762564_small_47102.jpgSư Thích Nữ Diệu Nhẫn tặng quà cho người già, người neo đơn dịp tết Kỷ Sửu.
Gần 4 tỷ đồng làm từ thiện
 
Thích Nữ Diệu Nhẫn làm pháp danh, nhưng các tăng ni phật tử lại thường gọi bà là Sư Hoà. Tôi đến gặp sư Hoà ngay khi danh sách 80 cá nhân và tập thể do Ban Thi đua và Khen thưởng Trung ương công bố có tên của bà: Thích Nữ Diệu Nhẫn.
 
Vượt quan 518 đề cử của cả nước, giải thưởng này là phần thưởng xứng đáng với một ngườI đã âm thầm hơn 10 năm nay làm từ thiện như sư Hoà. Mặc dù có những đóng góp to lớn nhưng sư Hoà lại hết sức khiêm tốn. Ngay với  giải "Nhân ái Việt Nam" đơn vị đứng ra đề xướng cũng như lập hồ sơ đăng ký hoàn toàn là do bên thành phố Vinh, bản thân sư khi biết tin cũng hết sức bất ngờ. Với sư công việc này cũng bình thường như bao công việc khác, vì " giáo lý nhà Phật là từ bi hỉ xả. Mình làm thiện cũng chỉ là theo dấu chân của Phật, của các vị chư tổ của Bác Hồ thôi".
 
Có lẽ cũng bởi triết lý đơn giản ấy nên đến bây giờ sư làm được bao nhiêu, cho ai, đến địa chỉ nào sư cũng không thể nhớ hết. Sư chỉ còn nhớ rằng gần như tất cả các huyện thành thị trên địa bàn tỉnh Nghệ An không có nới nào sư chưa tớI, cũng như không có sự kiện thương tâm nào xảy ra ở tỉnh mà vắng đi đoàn từ thiện của chùa Cần Linh. Đó là vụ tai nạn thương tâm ở Rú Nguộc, vụ tai nạn sập đá ở bản Vẽ, vụ tai nạn sập mỏ đá Hoàng Mai và hàng trăm chuyến từ thiện không biết mệt mỏi khác. Tính sơ sơ trong 10 năm qua tổng số tiền sư làm từ thiện lên đến 4 tỷ, trung bình một năm khoảng 500 triệu đồng.
 

Chuẩn bị gói quà tết.
Cái tiếng làm từ thiện của sư Hòa đến nay không ai là không biết. Vì thế nên nhiều khách đến viếng chùa cũng như đệ tử gần xa không còn lạ lẫm nữa, nếu như lâu lâu trong chùa lại xuất hiện một em bé bị lạc được cưu mang hay là một người cơ nhỡ không nơi nương tựa tìm đến xin tá túc.
 
Chỉ cho tôi xem những hình ảnh còn lưu lại ở nhà chùa sư Hòa kể với tôi rằng: Em bé này quê ở Tân Kỳ, bố mẹ bỏ nhau nên xuống đây đi tìm mẹ. Nhà chùa đã huy động mọi người tỏa ra khắp thành phố tìm mẹ cho em. Cậu này khi vào chùa thì chân tay bị lở loét hết, tá túc ở đây hơn một tháng cho đến ngày chữa hết bệnh...
 
Thế sư không nhớ tên củamọi người sao ? - Tôi cố tình để sư nói ra một cái tên cụ thể: "Nhiều lắm ta không biết hết đâu, làm thiện là từ cái tâm mà, ai đói khó rách mướt đến đây đều được nhà chùa cưu mang hết. Dù sư cố dấu nhưng qua lời của ông Nguyễn Công Thực (Bí thư Đảng ủy  phường Cửa Nam) tôi được biết thêm: Năm vừa rồi mặc dù rất khó khăn nhưng dịp Tết nhà chùa vẫn dành 200 suất quà để tặng cho Hội chữ thập đỏ của phường. Sư Hòa còn trực tiếp giúp đỡ cho gia đình anh Nguyễn Văn Lam (khối 1, phường Cửa Nam) có  hoàn cảnh rất khó khăn, từ một người nát rượu bị vợ bỏ, hàng xóm xa lánh trở thành một người công dân gương mẫu. Nhà  chùa cũng đã mua tặng anh một chiếc xe xích lô để anh sinh sống.
 
Lá rách ít đùm lá rách nhiều 

Thời điểm bận rộn nhất trong năm nhưng cũng "nan giải" nhất của sư Hòa là dịp tết đến xuân về. Thường thì vào dịp này nhà chùa nhận được rất nhiều lời kêu gọi ủng hộ từ các tổ chức như Hội người tàn tật, hội người mù và nhiều tổ chức nhân đạo khác. Đấy là còn chưa kể hoạt động từ thiện thường niên của nhà chùa hàng năm và những trường hợp nhà chùa nhận giúp đỡ. Không có kinh phí nhưng cũng không để mọi người phải thất vọng, sư Hòa và nhà chùa quyết định đi... mua nợ. Như trong dịp Tết Kỷ Sửu vừa rồi sư Hòa đã nợ công ty dầu Tường An hơn 1.600 chai dầu, nhờ các phật tử ở huyện Nam Đàn mua chịu cho 10 tấn gạo, chưa kể đường, mì chính. Sau đó phật tử khắp nơi cùng với nhà chùa đã phải thức mấy đêm liền gói quà gửi đến cho người nghèo, với gần 2.000 suất quà. 
 
Chùa Cần Linh là nơi tá túc của nhiều người bất hạnh, tàn tật.
Cười hóm hỉnh, sư Hòa tâm sự với tôi rất thật lòng: Nhà chùa cũng còn khó khăn lắm, nhiều chỗ trong chùa đã xuống cấp trầm trọng chưa được sửa chữa nhưng mọi người vẫn bảo nhau tích đức làm thiện.

Quay trở vào nơi nghỉ ngơi của mình, sư lấy cho tôi xem một thùng sắt được niêm phong cẩn thận, phía trên có dòng chữ "Chúc tết Sư", rồi nói thêm: Số tiền nợ hàng ấy sư và nhà chùa trông chờ tất cả vào đây, nếu thiếu thì nhà chùa xin thêm vào số tiền du khách thập phương xin đóng góp ủng hộ công đức, xin giải hạn.

Hàng năm cứ đến rằm Thịnh Nguyên nhà chùa lại bóc ra để trả nợ..Mình cũng chỉ "lá rách ít đùm lá rách nhiều thôi".
 
Trước khi chia tay với sư Hòa, tôi hỏi thêm: Sư có vui với giải thưởng này không, sư chia sẻ hết sức chân thành: Cũng vui, nhưng sau đó mình lại càng nỗ lực nhiều hơn. Mình làm phúc, làm từ thiện, nhất là người đã xuất gia thì đâu vướng bận gì với những vinh hoa đời thường đó...Tôi biết sư nói thật, bởi nhiều năm nay sư đã nhận được rất nhiều bằng khen, kỷ niệm chương cho công việc từ thiện của mình. Nhưng sau khi nhận về sư xếp lại thành một chồng dày rồi cất kín, thanh thảnh trở lại với công việc của mình.
Bài, ảnh: Mỹ Hà