(Baonghean) - Hôm ấy, vừa gặp thầy, Lỳ quỳ xụp van xin: “Thầy ơi, em bị mù có được đi học không ? Thầy cho em đi học với !”. Thầy Hùng bảo hơn 30 năm gắn trọn với nghề giáo chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng cảm động đến thế ! 
 
Đó là em Già Bá Lỳ, dân tộc Mông ở bản Huồi Pốc (xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An). Từ quốc lộ 7 muốn vào tới bản Huồi Pốc phải cuốc bộ nửa ngày trời, men theo những lối mòn chênh vênh lưng chừng núi, lội qua nhiều khe suối với những con dốc dựng đứng, những vỉa đá sắc nhọn tựa răng cá mập. Vậy mà, nơi tận rừng xanh ấy, cậu bé Lỳ đã viết lên câu chuyện cổ tích đầy cảm động về tính hiếu học. 

762560_small_47077.jpgGià Bá Lỳ (áo đen, bên phải) đang học cùng bạn.
 
Lỳ kể: "Nhà đông anh em lắm, ngay cả ngày sinh từng đứa bố mẹ cũng không nhớ. Năm lên hai tuổi em bị một trận sốt cao, bệnh thoái hóa giác mạc đã làm đôi mắt em mờ dần và mù hẳn khi vừa 3 tuổi. Lỳ hỏi mẹ, mẹ bảo lớn lên mắt sẽ sáng lại, em đã đợi và hy vọng sẽ nhìn thấy ánh sáng, nhưng hơn 10 năm rồi…”. Nỗi khát khao được nhìn thấy ánh sáng, thấy mọi người trong gia đình khiến cậu bé Lỳ luôn tưởng tượng nhiều điều. Có lúc nghe bạn bè kể những câu chuyện cổ tích có bà tiên xuất hiện ban cho những điều ước, Lỳ ngóng đợi bà tiên ấy sẽ đến gõ cửa nhà em...

Đôi lúc nằm bên bậu cửa, Lỳ lắng nghe tiếng bước chân của bạn bè râm ran gọi nhau đến lớp khiến em chạnh lòng. Và, một ngày kia Lỳ nằng nặc đòi bố mẹ đến lớp. Chuyện “thằng mù đòi đến lớp” khiến  người dân bản bất ngờ và ngạc nhiên. Cũng đúng thôi, bởi từ lâu chuyện học sinh nơi vùng núi cao của Kỳ Sơn chỉ có đua nhau bỏ học chứ “mù” như Lỳ mà đến lớp thì cũng lạ lắm!. Lạ như câu chuyện cổ tích vậy.
 
Ông Già Chừ Pó, bố Lỳ chua xót: Thấy nó xin đi học, gia đình đâu có ai đồng ý. Mắt sáng đi học còn khó chứ nói chi đến mù. Gia đình thấy thương nên cũng gật đầu động viên, nghĩ nó đến lớp cho vui thôi, rồi mấy hôm chán mà tự bỏ, ai ngờ nó quyết tâm đi học thật”.

Cho đến giờ, ông Pó và bà Xồng Y Sò vẫn hằn in hình ảnh chứng kiến Lỳ vừa lên 8 tuổi chập chững đến trường. Ngày đầu tiên đi học, Lỳ nhờ đứa em gái Già Y Xê dẫn tới lớp. Nhìn 2 anh em xấp xỉ 8 tuổi dìu nhau  trên đường khiến các thầy cô cắm bản không cầm được nước mắt.

Mỗi khi tiếng thầy cô giảng bài vang lên, Lỳ cố vểnh đôi tai lên để “hứng” lấy kiến thức. Lỳ biết mình chỉ có thể nghe nên buộc phải nhớ tất cả những gì thầy cô giảng bài. Phần nào chưa hiểu, em lại nhờ các bạn ngồi bên cạnh đánh vần từng chữ cái để có thể hình dung ra con chữ và ghi nhớ nó. Các phép tính đơn giản của môn toán học cũng vậy, Lỳ cũng chỉ có thể mường tượng và tự nhẩm tính trong đầu, nếu có thể trả lời được thì em lại hăng hái xung phong trả lời.
 
Thầy cho em đi học với !
 
Chuyện học của Lỳ tưởng đứt nửa chừng. Năm lớp 7, một giáo viên khuyên nhủ: Em đi lại còn không nên huống chi đi học, đừng đi học nữa, học cũng không biết được gì đâu”. Lỳ trở về nhà, một ngày, rồi hai ngày không đến lớp, thẫn thờ ngồi trước bậu cửa, nước mắt Lỳ cứ trào dâng. Những lúc một mình Lỳ nhớ đến những lời giảng của thầy cô, tiếng đọc bài của các bạn, rồi cả tiếng trống trường... cứ văng vẳng bên tai càng làm bùng lên nỗi khát khao được tiếp tục học tập.
 
Thế rồi, đến đầu năm học 2008-2009, nghe tin thầy Trần Đăng Hùng (Hiệu trưởng Trường PTCS dân tộc bán trú Nậm Cắn I vào bản Huồi Pốc họp, Lỳ mạnh dạn nhờ em gái dẫn đến gặp thầy. Thầy Hùng bảo cuộc đời mình hơn 30 năm gắn trọn với nghề giáo chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng cảm động đến thế.

Hôm ấy, vừa gặp thầy, Lỳ quỳ xụp trước mặt và van xin: “Thầy ơi, em bị mù có được đi học không ? Thầy cho em đi học với !”. Cảm động trước sự hiếu học của Lỳ, thầy Hùng đã vận động nhà trường, gia đình đưa em ra ngoài bản trung tâm của xã Nậm Cắn học chữ. Thế nhưng, con đường đến trường của Lỳ vẫn gập ghềnh như chính số phận và cuộc đời của em vậy.
 
Buổi sáng, khi tiếng gà chưa cất tiếng gáy, Lỳ đã tỉnh giấc cùng đứa em gái cơm đùm đến lớp. Từ bản Huồi Pốc, Lỳ phải men theo đường rừng, cuốc bộ băng qua những khe suối, đối chọi với đám muỗi vằn, sên vắt đi hơn 5 tiếng đồng hồ, vượt hơn 15 km với hàng chục dốc núi cao để tiếp tục nuôi ước mơ học chữ. “Anh biết không, những hôm mưa rừng bất chợt, áo quần ướt nhũn, bàn chân trầy chật bám núi, lạnh đến thấu xương nhưng em vẫn cắn răng bước. Các thầy đã thương thì mình phải cố gắng. Em không muốn là gánh nặng cho gia đình” - Lỳ tâm sự.
 
Cô giáo Võ Thị Thuý, Chủ nhiệm lớp 8C tự hào: “Khi Lỳ nhập học, ai cũng e ngại, nhưng nghị lực và sức học của em làm mọi người cảm động, thán phục, yêu mến". Hiệu trưởng Hùng cho biết thêm, ước mơ của Lỳ là có được một chiếc máy ghi âm để ghi bài giảng nhưng đến nay vẫn chưa thoả nguyện. Giáo viên ở vùng cao khó khăn bộn bề nào đâu dễ chu toàn với em ấy.

Mới đây thôi, thấy Lỳ vất vả nên nhà trường vận động hỗ trợ và tạo điều kiện cho em ở KTX và miễn các khoản tiền đóng góp. Mọi sinh hoạt hàng ngày của Lỳ, các giáo viên thay phiên nhau giúp đỡ. Thầy Trần Văn Khánh - Trưởng phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn chia sẻ: "Chúng tôi lấy đó làm tấm gương để giáo dục tinh thần vượt khó và hiếu học cho các em" .
 
Tôi lặng lẽ quan sát em học bài, đôi vai gầy lọt trong chiếc áo sờn, khuôn mặt xanh xao và yếu ớt, đôi mắt dướn lên như cố nhìn vào một khoảng không bao la....Bất chợt, Lỳ ngoái lại: “Giá như em được đi phẫu thuật mắt...Giá như em có được điều kỳ diệu như trong câu chuyện cổ tích anh nhỉ !?".


Ngọc Bình - Hoàng Hà