(Baonghean) - Ngày 28/11/2013, Quốc hội khóa XIII, Kỳ họp thứ 6 đã thông qua Hiến pháp sửa đổi. Bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Hiến pháp sửa đổi lần này có nhiều điểm mới về nội dung và cách thức thể hiện. Với bố cục 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992) Hiến pháp có bố cục gọn và kỹ thuật lập hiến chặt chẽ, hiện đại hơn. 
 
Về chế độ chính trị, Hiến pháp quy định: “Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”, bổ sung đầy đủ các hình thức nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước, không chỉ bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội và HĐND như Hiến pháp năm 1992 mà còn bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, bằng quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trong đó có trưng cầu ý dân về Hiến pháp. Hiến pháp tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời, Hiến pháp làm rõ hơn và sâu sắc hơn tính tiên phong, bản chất giai cấp công nhân và nhân dân của Đảng; bổ sung một quy định rất quan trọng từ yêu cầu của nhân dân đó là “Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.
images938673__o_n_c_n_b__li_n_ng_nh_ki_m_tra_ho_t_d_ng_t_i_si_u_th__bigc.__nh_mai_hoa.jpgĐoàn cán bộ liên ngành kiểm tra hoạt động kinh doanh tại Siêu thị BigC. Ảnh: Mai Hoa
 
Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân: Hiến pháp đã ghi nhận các quyền cơ bản của con người về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa theo các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Hiến pháp tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992; Thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân.  
 
Hiến pháp tiếp tục quy định: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Quy định này làm rõ hơn bản chất nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN của nền kinh tế nước ta. Mặt khác, những quy định của Hiến pháp mang tính khái quát, ổn định về mục tiêu, định hướng và các chính sách cơ bản ở tầm vĩ mô làm căn cứ pháp lý cao nhất cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ và môi trường.
 
Hiến pháp mới bổ sung quy định lực lượng vũ trang góp phần gìn giữ hòa bình ở khu vực và trên thế giới; có nhiệm vụ tuyệt đối trung thành với Đảng và bảo vệ Đảng. Hiến pháp cũng quy định biện pháp bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ chiến sỹ phù hợp với tính chất hoạt động của công an nhân dân; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh.
 
Hiến pháp khẳng định Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân, dựa trên nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; đồng thời, bổ sung thêm một nguyên tắc mới về tổ chức quyền lực nhà nước ở nước ta. Đó là quyền lực nhà nước là thống nhất không chỉ được phân công, phối hợp mà còn có sự kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
 
Hiến pháp quy định Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Đồng thời, theo định hướng cải cách tư pháp để đảm bảo tính độc lập trong việc thực hiện quyền tư pháp, tăng cường tranh tụng trong hoạt động xét xử, Hiến pháp đã bổ sung một số nguyên tắc nền tảng mang tính Hiến định về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp.
 
Về chính quyền địa phương, trong quá trình lấy ý kiến nhân dân góp ý  vào dự thảo còn nhiều quan điểm khác nhau, tôn trọng và ghi nhận cũng như tạo hành lang pháp lý để ban hành Luật tổ chức chính quyền địa phương sau khi triển khai thi hành Hiến pháp. Hiến pháp đã quy định một cách khái quát và nguyên tắc về mô hình chính quyền địa phương làm cơ sở Hiến định để Luật Tổ chức chính quyền địa phương sau này cụ thể hóa. Quy định những vấn đề có tính nguyên tắc về phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương; đồng thời, phát huy tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
 
Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước lần đầu tiên được thể chế hóa trong Hiến pháp nước ta với tư cách là các thiết chế Hiến định và được quy định trong một chương riêng của Hiến pháp. Đây là xu hướng lập hiến, pháp quyền hiện đại. Việc ra đời hai thiết chế này trong Hiến pháp nước ta là tiếp tục phát huy dân chủ, thực hiện nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, Nhà nước ta do nhân dân làm chủ, tạo điều kiện và cơ chế để nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình trong bầu cử và trong kiểm soát quyền lực nhà nước. Theo đó, Hội đồng bầu cử quốc gia có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, chỉ đạo và hướng dẫn bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của đất nước.
 
 Hiến pháp đã có các quy định cụ thể về hiệu lực và quy trình thủ tục làm và sửa đổi Hiến pháp; thể hiện tính chất dân chủ và pháp quyền của Nhà nước ta ngày càng hoàn thiện và phát triển. Quốc hội được nhân dân giao cho thực hiện một số quyền lập hiến như thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp, thảo luận và thông qua Hiến pháp khi có 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội tán thành; quyết định việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp.
 
Luật sư: Trọng Hải