(Baonghean) - Để thực hiện thành công chỉ thị, nghị quyết các cấp, thời gian qua, các Chi bộ Đảng ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc đã tăng cường gắn kết với già làng, người có uy tín. Đây được xem là một trong những giải pháp có tính “then chốt” nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của Đảng ở các bản làng vùng cao.
Chúng tôi đến bản Ăng, xã Thông Thụ (Quế Phong) vào một chiều cuối tháng 2. Đây là một trong 9 bản của xã Thông Thụ phải di dời tái định cư để xây dựng Thủy điện Hủa Na. Trong nắng chiều, 62 ngôi nhà của bản kết thành mảng màu sáng ấm với ngói mới, mái tôn đỏ, xanh. Hệ thống giao thông của bản mở rộng, thuận tiện đi lại, điện lưới kéo đến từng nhà. Bí thư chi bộ bản, đồng chí Quang Văn Huy dẫn chúng tôi tham quan bản làng, đồng chí phấn khởi khoe nhiều kết quả đạt được của bản, trong đó, đáng tự hào nhất là thành tích 8 năm qua, bản Ăng không có gia đình sinh con thứ 3. Điều đó thể hiện quyết tâm cao của dân bản trong thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình.
Theo ông Huy, bên cạnh sự chỉ đạo của chi bộ, sự vào cuộc tích cực của các tổ chức đoàn thể, tiếng nói của già làng có ý nghĩa quan trọng. Thuận lợi ở chỗ, già làng của bản, ông Lô Văn Nhân là một đảng viên có 47 năm tuổi đảng, luôn có uy tín cao trong cộng đồng. Bằng uy tín, trách nhiệm “hai trong một”, già làng đóng góp tích cực trong mọi phong trào của bản. “Trong các cuộc sinh hoạt chi bộ, ban cán sự thôn bản và các đoàn thể, chúng tôi luôn mời già làng tham gia. Thông qua đó phối hợp, triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện thành công các chủ trương, nghị quyết của chi bộ và cấp trên. Nhờ tiếng nói uy tín của già làng Lô Văn Nhân nên dân bản nghe theo, không sinh nhiều con để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, chăm lo cho con cháu học hành đến nơi, đến chốn…” - đồng chí Quang Văn Huy - Bí thư Chi bộ bản Ăng chia sẻ.
Già làng Cụt Phò Xúc (thứ 2 bên phải) và Bí thư Chi bộ Cụt Văn Hiệu, bản Huồi Cáng 2 (Bắc Lý, Kỳ Sơn) trao đổi với người dân. Còn đối với bản Huồi Cáng 2, xã Bắc Lý (Kỳ Sơn), già làng Cụt Phò Xúc không phải là đảng viên nhưng thỉnh thoảng được mời dự trong các cuộc sinh hoạt chi bộ đảng khi có những nội dung quan trọng. Thông qua hoạt động này, chi bộ kịp thời thông tin đến già làng những chủ trương, chính sách cần triển khai để cùng tuyên truyền đến tận dân bản. Qua đó, hỗ trợ chi bộ làm tốt công tác dân vận, nhất là khi chi bộ có ít đảng viên và đều là những người trẻ. Tâm sự với chúng tôi, đồng chí Cụt Văn Hiệu- Bí thư chi bộ, sinh năm 1982, có 6 năm tuổi đảng cũng tự nhận thấy mình thiếu kinh nghiệm trong triển khai công việc. Vì vậy, sự vào cuộc, phối hợp, ủng hộ tích cực của già làng có vai trò to lớn giúp chi bộ cũng như ban cán sự bản hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trung tá Hà Đình Tín - Bí thư Đảng ủy xã Bắc Lý cho biết: “Chúng tôi đánh giá cao vai trò của già làng, người có uy tín ở các bản làng. Trong mỗi hoạt động ở cơ sở, chúng tôi luôn mời các già làng, người có uy tín tham gia cùng chi bộ, ban cán sự, các tổ chức đoàn thể. Có đủ thành phần như vậy để thống nhất cao, triển khai xuống dân bản. Chính vì vậy, Đảng ủy xã yêu cầu các chi bộ thường xuyên tổ chức sinh hoạt mở rộng có sự tham dự của già làng, người có uy tín trong cộng đồng. Những nơi nào già làng, người có uy tín là đảng viên thì công việc triển khai thuận lợi hơn…”.
Trong thực tế, việc phối hợp giữa các chi bộ đảng với già làng, người có uy tín đã được chú trọng qua nhiều giai đoạn. Tuy nhiên, có một số địa bàn, do có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong lúc đó, các đảng viên ở chi bộ chỉ tập trung ở một hay hai dân tộc, vì thế, chưa kết nối đồng bộ giữa chi bộ và các già làng, người có uy tín. Ông Lô Đình Núi - Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp (Tương Dương) cho biết: “Lâu nay, mỗi địa phương từ thôn, bản đến xã, huyện, tỉnh luôn đánh giá cao vai trò của già làng, người có uy tín. Ở nơi nào có sự phối hợp tốt giữa chi bộ với già làng, ở đó sẽ phát huy được sự đoàn kết các dân tộc, góp sức xây dựng cuộc sống ấm no. Và ngược lại nếu sự phối hợp đó “lỏng lẻo” sẽ khó huy động được sức dân trong mọi lĩnh vực. Điều đó từng diễn ra ở một số địa bàn có nhiều dân tộc, dòng họ cùng sinh sống và chất lượng đảng viên chưa cao…Vấn đề này đỏi hỏi mỗi cấp ủy đảng cơ sở phải tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp…”.
Những ý kiến của Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp là điều đáng quan tâm. Bởi lẽ, thông thường ở nhiều bản làng vùng cao, khi dân cư sống lâu đời, ít dòng họ thì mỗi bản có một già làng, người có uy tín. Nhưng nhiều bản làng có tới 2-3 già làng, người có uy tín do ở đó có 2-3 dòng họ hoặc 2-3 dân tộc cùng chung sống. Vấn đề không phải dân bản thiếu thống nhất, mà do tập quán của đồng bào, họ chỉ suy tôn già làng, người có uy tín trong dòng họ hoặc trong dân tộc của mình. Điển hình như ở bản Phà Lõm, Huồi Sơn của xã Tam Hợp, mỗi bản chỉ có 47 đến 52 hộ dân, đều là đồng bào Mông sinh sống quần cư nhưng mỗi bản có tới 2 già làng của các dòng họ Xồng, Lầu, Vừ. Chính vì thế, việc phối hợp giữa các chi bộ bản với già làng, người có uy tín càng đòi hỏi phải bao quát, hài hòa và hiệu quả.
Từ khi thực hiện Chỉ thị 06/2008/CT-TTg ngày 1/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Tỉnh ủy, UBND, UB MTTQ tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh và các huyện đã có nhiều chương trình tổ chức cho già làng, người có uy tín đi tham quan học tập; hỗ trợ mua báo hàng ngày cho người có uy tín cập nhật thông tin, nắm bắt kịp thời tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội… Hằng năm, các cấp tổ chức gặp gỡ động viên, suy tôn, khen thưởng những người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của bản làng, quê hương. Hoạt động đó đang tạo động lực cho những già làng, người uy tín tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm ở các bản làng vùng cao. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa sự phối hợp giữa già làng, người có uy tín với chi bộ, ban quản lý các bản làng, đòi hỏi cần tính đến những “qui chế” vừa có tính khuyến khích, đồng thời ràng buộc trách nhiệm với cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc.
Nguyên Sơn