Vào thời điểm này, tại công trường Nhà máy may An Hưng ở xã Công Thành (Yên Thành) không khí khá nhộn nhịp. Các công nhân đang tích cực lợp mái cho các khu nhà xưởng, hệ thống máy móc đang xúc san gạt, lu lèn ở các vị trí nhà kho…
Đại diện Dự án Nhà máy may An Hưng (do Công ty CP Tập đoàn An Hưng làm chủ đầu tư) cho biết: Dự án Nhà máy may An Hưng được xây dựng trên khuôn viên khoảng 10 ha, tổng mức đầu tư trên 600 tỷ đồng, nhà máy được khởi công xây dựng từ tháng 1/2020. Đây là nhà máy may lớn nhất trên địa bàn huyện Yên Thành được đầu tư đồng bộ với quy mô hiện đại với các dây chuyền, thiết bị đều được nhập khẩu.
Tính đến thời điểm này, Nhà máy may An Hưng đã hoàn thành được trên 75% khối lượng công việc. Hiện đã lợp mái xong hệ thống nhà xưởng rộng trên 23.000 m2, nhà ăn rộng 6.000 m2, đang đẩy nhanh tiến độ thi công nhà kho, nhà ăn ca, nhà để xe và các hạng mục phụ trợ khác. Dự kiến tháng 8/2020 nhà máy sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động tạo việc làm cho trên 8.000 lao động trên địa bàn.
Sau khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cho ra nhiều sản phẩm có thương hiệu trong nước và xuất khẩu. Tại đây sẽ sản xuất gia công 8 loại sản phẩm như áo sơ mi, áo phông trẻ em, quần bò, quần dài, váy, bộ quần áo trẻ em…Toàn bộ sản phẩm gia công của Công ty sẽ được xuất sang các nước Nhật Bản, Ấn Độ, châu Mỹ và các nước châu Âu…
Nhà máy may An Hưng còn tự thiết kế thời trang, tiến hành đăng ký bảo hộ thương hiệu đối với các kiểu dáng do mình tự thiết kế. Thời điểm này, nhà máy vừa thi công, vừa tuyển dụng được trên 2.000 lao động. Các công nhân sản xuất sẽ được đào tạo nghề miễn phí tại xưởng sản xuất, được trang bị phương tiện bảo hộ lao động và công cụ lao động, được đóng BHXH và BHYT, hưởng các chế độ thưởng, được nghỉ phép năm và các chế độ đãi ngộ khác theo quy định của Nhà nước và công ty…
Trong quá trình xây dựng nhà máy may, Nhà máy may An Hưng đã được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi tối đa. UBND huyện Yên Thành, UBND xã Công Thành làm tốt công tác tuyên truyền, để người dân hiểu rõ chủ trương xây dựng nhà máy may tạo việc làm cho nhân dân, từ đó đồng thuận cao trong GPMB. Địa phương rà soát lại số hộ, diện tích bị ảnh hưởng, xác định rõ từng loại đất, chủ quản lý, sử dụng đất. Công khai, minh bạch giá bồi thường, GPMB theo quy định.
Ông Hồ Phi Hòe - Chủ tịch UBND xã Công Thành phấn khởi cho biết: Công Thành là xã còn nhiều khó khăn, người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Vì vậy, việc thu hút được Nhà máy may An Hưng về đầu tư trên địa bàn sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho trên 500 lao động tại xã Công Thành và hàng ngàn lao động ở các xã lân cận khác.
Ông Phan Văn Tuyên - Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết thêm: Cứ dịp sau Tết, như thường lệ tại các vùng quê ở Yên Thành người lao động vào Nam kiếm việc làm. Những lao động này chủ yếu là lao động phổ thông, chưa có tay nghề hay được đào tạo bài bản. Việc xây dựng Nhà máy may An Hưng với quy mô lớn tại địa bàn đáp ứng từ 8.000 - 10.000 công nhân sẽ góp phần thay đổi theo hướng “ly nông bất ly hương”.
Người lao động sẽ không còn phải làm ăn xa quê mà tự phát triển sản xuất ngay tại địa phương. Để tạo điều kiện phát triển cho nhà máy, trong năm 2020 huyện đang triển khai để xây dựng nhà máy nước vừa phục vụ cho xã Công Thành vừa phục vụ cho Nhà máy may An Hưng.