Tham gia hội nghị có hàng trăm doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp phân phối, chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm... của 10 tỉnh, thành phố trong nước. Có thể kể đến các sản phẩm tiêu biểu như: Hoa quả sạch (ổi, dưa lê, mướp) của thành phố Hà Nội; thịt chua Phú Thọ, nhung hươu khô tán bột, sứa ăn liền, dầu lạc của tỉnh Hà Tĩnh; mây tre đan Bao La của tỉnh Thừa Thiên Huế; gạo sạch Triệu Phong, hạt tiêu Cùa, gạo men lá của tỉnh Quảng Trị...
Theo báo cáo của Liên minh HTX Nghệ An, hiện toàn tỉnh có 780 HTX, trong đó có khoảng 46% HTX hoạt động nhiệu quả. Các HTX đã chú trọng nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa, dịch vụ, xây dựng các chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; mạnh dạn đầu tư vốn, khoa học, kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp như nhà màng, nhà lưới, máy sấy…, từ đó sản xuất và cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, có tem, nhãn mác, mã vạch hàng hóa đảm bảo tiêu chuẩn.
Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 48 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao, 4 sao, trong đó có rất nhiều sản phẩm của khu vực kinh tế hợp tác, HTX.
Sau 3 năm thực hiện chương trình xúc tiến thương mại, đã có 12 đơn vị, 12 sản phẩm của Nghệ An có mặt tại thị trường các tỉnh phía Bắc; 150 lượt HTX được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai hoạt động kết nối giao thương giữa Nghệ An và các tỉnh, thành phố còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Nguyên nhân do sản xuất các mặt hàng nông sản còn manh mún, nhỏ lẻ, việc quản lý chất lượng sản phẩm cả trong quá trình trồng trọt và quá trình lưu thông còn hạn chế. Các hộ gia đình, hợp tác xã sản xuất hàng hóa, nông sản vẫn theo hướng tập quán truyền thống, nhiều loại nông sản chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục giấy tờ đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã, bao bì sản phẩm... Việc hỗ trợ nắm bắt nhu cầu về cung - cầu trên thị trường của các doanh nghiệp, địa phương chưa kịp thời, dẫn đến một số sản phẩm hàng hóa sản xuất cung vượt cầu, dư cung lớn ảnh hưởng đến giá cả, khó khăn trong việc tiêu thụ...
Tại hội nghị, nhiều ý kiến tham luận của các HTX cho rằng, các cấp, ngành cần tăng cường chỉ đạo, phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố triển khai, định hướng tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản có chất lượng cao, đảm bảo đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong cả nước; Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng thương mại, bố trí kinh phí, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại hiệu quả, đặc biệt là các chương trình liên kết vùng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tại hội nghị, các đơn vị HTX, doanh nghiệp giữa Nghệ An và các tỉnh đã tham gia ký kết hợp đồng, biên bản ghi nhớ trong tiêu thụ sản phẩm.