Tôi ở trong TP.HCM quay phim mới từ ngày 18/2, làm việc từ sáng đến đêm nên không có thời gian để theo dõi phim hay lên mạng đọc bình luận. Đó cũng là cái khổ của mình, khi làm xong cảnh nào cứ hỏi đạo diễn ok chưa, cái nào chưa ổn quay lại nhưng khi phim chiếu lại không theo dõi ngay được.
- Vào vai một lãnh đạo công an nhưng lại là nhân vật biến chất, khi nhận đóng chắc chắn ông dự đoán nhân vật sẽ được chú ý?
Từ năm 1996 khi đạo diễn Lê Hùng chọn diễn viên cho 1 vai phản diện mà không tìm được nên đã cho tôi thử, đó là Khánh "trắng" trong vở kịch Quả báo. Sau đó, anh Bùi Bài Bình nhường cho tôi vai Trịnh Khả trong Chuyện làng Nhô. Sau đó, tôi cứ trượt dài trên cả sân khấu lẫn truyền hình trong những vai phản diện. Ở đâu có cướp, giết, tham ô, lừa đảo, mưu mô quỷ quái, tóm lại là mặt trái của xã hội là tôi được các đạo diễn trân trọng và yêu quý mời. Nhưng tôi vẫn lo làm sao mỗi vai diễn phải tạo ra sự hấp dẫn, mới lạ.
Trong lực lượng Công an nhân dân là một xã hội thu nhỏ, trong đó có người tốt, người xấu, nhưng đa số công an là người tốt. Nhưng công an cũng có một vài cá nhân ở các cấp độ, bậc hàm khác nhau, Tướng có, Tá có, lính có đã vi phạm những quy định của pháp luật và ngành Công an nhân dân làm con người ta không giữ vững được phẩm chất công an nhân dân, tư tưởng chính trị, lập trường không vững vàng. Lúc đó họ trở thành một con người ham muốn, không làm chủ được mình. Trong mỗi con người chúng ta đều có hai mặt, tốt và xấu. Khi cái xấu đè cái tốt thì họ sẽ trở thành con người biến chất và không đồng điệu với xã hội, nói đúng hơn là công an đánh mất mình.
Vai của tôi là một cán bộ sĩ quan cao cấp hàm Thượng tá giữ chức vụ Phó trưởng phòng điều tra về tội phạm ma túy và trật tự xã hội. Nhưng trong quá trình phấn đấu, anh ta đã có tư tưởng ham quyền muốn lên làm lãnh đạo, hơn nữa cũng muốn giàu sang hơn người. Khi con người ta bị tiền, quyền thống trị trong tư tưởng tham vọng mà đẩy càng nhanh thì trượt dài trên con đường đến cổng trại giam.
Tôi rất mê kịch bản Bão ngầm của Đào Trung Hiếu vì tác phẩm đạt giải A cuộc thi Tác phẩm công an nhân dân năm 2015. Tôi từng đề nghị Hiếu chuyển thành tác phẩm sân khấu nhưng với sân khấu thì khó dựng. Đầu Xuân 2016, tôi có nói với Hiếu nếu tác phẩm này chuyển thành phim truyền hình sẽ rất hay. Vai Thân Như Tuất sẽ phát triển theo cách là bộc lộ dần dần tham vọng về tiền quyền. Để chuẩn bị cho vai diễn này, tôi tham khảo và tìm hiểu nhiều tư liệu bằng thực tế, trải nghiệm và qua đời sống thực của nhiều cán bộ, chiến sĩ đã và đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân.
Tôi từng là cấp phó phòng phụ trách Nhà hát Kịch Công an nhân dân, từng đi họp gặp rất nhiều tướng lĩnh và hiểu tính cách của từng người. Rất nhiều lãnh đạo tổng cục đã bị kỷ luật và tôi rất hiểu tâm lý cũng như tư tưởng của những người đang ở vị trí đó cũng như đang làm những việc chưa đúng với quy định ngành Công an.
- Nhiều khán giả nhận xét nếu NSND Nguyễn Hải không từng là công an thì khó ai vào được vai công an biến chất tốt như Thượng tá Như Tuất vì ông đã quá hiểu về họ?
Việc từng làm công an thật sẽ bổ trợ nhiều cho vai diễn và nó chỉn chu cho tôi về tác phong điều lệnh, cung cách đi lại đúng như công an. Với tôi, vai diễn nào cũng đầu tư như một công trình khoa học, tôi phải nghiên cứu kỹ để diễn sao cho hay nhất. Vai Như Tuất trong Bão ngầm như một thông điệp nhắn với cán bộ, chiến sĩ rằng chúng ta phải xiết lại về công tác chính trị tư tưởng, công tác tổ chức chặt chẽ hơn để quản lý con người để lực lượng Công an nhân dân ngày càng vững mạnh.
- Ông đã đóng nhiều vai ấn tượng nhưng Thượng tá Như Tuất có phải là vai ấn tượng với cá nhân NSND Nguyễn Hải?
Đây là lần đầu tiên tôi đóng vai một công an biến chất nên phải thú thật là lo lắm. Không phải nhân vật có thật, động chạm người này người khác nhưng lại có nhiều chi tiết gài những tình huống có thật trong các vụ án của nhiều nhân vật đã hầu tòa. Nhưng phải nói rằng diễn vai phản diện là công an khiến tôi dằn vặt nhiều đêm. Phải diễn như thế nào để các bạn đang còn chức, các bạn đã nghỉ hưu, đồng đội của tôi, kể cả những người em - người anh đã là tội nhân không thể coi thường tôi được. Tôi rất thông cảm và chia sẻ với họ bởi biết đâu nếu ở vị trí như họ, bị hoàn cảnh xô đẩy cũng không làm chủ được chính mình rồi chính mình cũng trở thành tội nhân thì sao? Ai nói trước được.
- Tức là với ông, vào vai Thượng tá Như Tuất rất áp lực?
Rất áp lực, áp lực tư duy vai diễn! Bình thường diễn một công an tốt thực hiện chuyên án thì đơn giản vì cứ điều lệnh, tiêu chí mà làm. Nhưng diễn những vai như thế thì áp lực với ngoài đời nhiều hơn. Còn với nhân vật này tôi phải căn từng câu, từng chữ để làm sao cho đúng tính cách. Đôi khi mặc quần áo công an thì Như Tuất phải nói dịu dàng, nhẹ nhàng hơn nhưng khi mặc áo quần áo dân thường, làm ăn phi pháp giọng phải chợ giời hơn. Tôi muốn biến nhân vật này như một con kỳ nhông đổi màu để thích ứng với nhiều hoàn cảnh. Điều đó phản ánh tính thực tế và cũng cảnh tỉnh, đưa ra thông điệp rằng chúng ta luôn cảnh giác với sự đổi màu, diễn biến và biến chất ngay trong chính chúng ta.