Vì những lí do riêng, tôi không xin cô ghi âm cuộc nói chuyện, nên chuyện kể dưới đây hoàn toàn dựa vào trí nhớ của mình.
Gọi là gặp cô để trò chuyện nhưng thực ra tôi nói nhiều hơn nghe, vì cô hỏi và tôi trả lời.
Trong buổi nói chuyện đó, tất cả đều xoay quanh giáo dục, trong đó có một chủ đề về đạo đức xã hội và đạo đức học đường.
Cô Bình, sau khi nói về những phản ánh trên phương tiện truyền thông những góc tối trong giáo dục, cô kêu lên: “Phải làm một cái gì đó đi chứ!”
Nhiều hành vi của thầy cô giáo, của phụ huynh và học trò diễn ra làm xấu hình ảnh của giáo dục nước nhà mà bất cứ một công dân nào cũng không muốn nhắc lại! Đó có phải chỉ là những hạt sạn, “con sâu làm rầu nồi canh”… hay thực sự đã trở thành “chuyện hàng ngày ở huyện”? Tôi vẫn hi vọng, những điểm tối trong giáo dục chỉ là trường hợp cá biệt và có thể được khắc phục trong một thời gian sớm nhất, mà ở đó, mỗi bên đều cần có trách nhiệm của mình.
Thứ nhất, truyền thông không thể là nguyên nhân của những sự việc xấu, nhưng truyền thông có thể đưa sự việc theo chiều hướng giải quyết tích cực hay tiêu cực là chuyện có thật, nhất là khi ngày nay với sự phát triển của công nghệ, có sự tương tác. Những bình luận có tính xây dựng nhiều hơn đối với các sự kiện, cùng nhau cắt nghĩa nguyên nhân, tìm cách thức giải quyết luôn là những bình luận cần thiết để giải quyết vấn đề. Tôi nói điều này để báo chí kiểm soát thật tốt câu từ trong các bình luận, yêu cầu người góp ý có ý thức xây dựng, có văn hóa xây dựng. Làm tốt được việc này, tôi chắc chắn, những nhà quản lí giáo dục, người vi phạm sẽ sớm nhận ra sai lầm, cho dù không có cơ hội sửa chữa.
Thứ hai, cha mẹ, xã hội và nhất là học sinh kì vọng ở thầy cô quá nhiều, thậm chí hơn cả những việc thầy cô có thể làm. Sự kì vọng này vừa là vinh dự, vừa là áp lực cho thầy cô giáo. Tôi cho rằng, trong giáo dục hiện đại, thầy cô chỉ là người tổ chức cho học sinh tìm kiếm tri thức, hình thành kĩ năng và thái độ đối với cuộc sống hiện tại và tương lai của chính học trò. Thầy cô là người đồng hành cùng học trò chuẩn bị cho tương lai.
Hiện nay, lao động trong ngành giáo dục, đặc biệt là lao động của giáo viên là một loại hình lao động nặng nhọc. Công bố của một nhóm nghiên cứu cho thấy thời gian lao động của thầy cô giáo cao hơn luật định khoảng từ 30% đến 70%. Đó là một áp lực lớn.
Phần lớn các lớp học trong các đô thị có sĩ số quá đông. Chính việc có quá đông học trò trong một lớp làm cho việc áp dụng các lí thuyết, phương pháp dạy học vào lớp học khá khó khăn như việc cá thể hóa việc dạy học. Phần lớn những sai phạm trong cách ứng xử của thầy cô đối với học trò diễn ra trong các lớp học có sĩ số đông, nhất là trong lớp học đó, có nhiều học sinh có cá tính mạnh.
Tuy nhiên, vẫn phải mở ngoặc để nhấn mạnh rằng tôi không ủng hộ bất cứ một hành vi phản giáo dục nào của thầy cô đối với học sinh. Thầy cô giáo, cần phải biết kìm chế, thậm chí hi sinh mình vì học trò - đó chính là một trong những phẩm chất hàng đầu của thầy cô.
Mỗi khi làm một việc gì đó không phải, các em phải tự vấn mình và bè bạn phải có thái độ không đồng tình với những sai trái của bạn bè, giúp nhau cùng tiến bộ, xây dựng một tập thể mạnh, gắn bó, yêu thương.
Thứ tư, phụ huynh và xã hội cũng cần có trách nhiệm phát triển giáo dục thông qua việc cùng thầy cô giáo, cùng nhà trường dạy con nên người: có năng lực giải quyết cuộc sống của con em hiện tại và tương lai, có trách nhiệm với cha mẹ và cộng đồng. Thật bình tĩnh và có thái độ tích cực nhằm loại bỏ những hành vi xấu trong gia đình, nhà trường và cộng đồng. Một mình nhà trường không thể làm cho mọi công dân tương lai của chúng ta có đầy đủ hành trang bước vào cuộc sống – đó phải là trách nhiệm chung.
"Chúng ta hãy cùng làm một việc gì cho con em mình đi chứ!"
Tôi muốn dùng câu nói của cô Nguyễn Thị Bình để kêu gọi mọi người cùng chung tay đưa con em chúng ta vào tương lai tươi đẹp hơn!
Nguyễn Kim Hồng (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Cần xác lập chuẩn giá trị mới
Nhà giáo Nguyễn Hữu Quyền (Nghệ An)