(Baonghean) - Từ trung tâm xã Châu Khê vào Khe Nóng, xã Châu Khê (Con Cuông), chúng tôi đếm được 6 con khe. Mùa mưa, những con khe này nước dâng cao, chia cắt khe Nóng với  các vùng bên  ngoài. Dọc đường dốc đá, thấp thoáng người Đan Lai gùi măng đem ra chợ huyện bán...
images1042183_b_n_mang_l_y_ti_n_dong_g_o.jpgPhơi măng.
 
Trước đây, đồng bào tộc người Đan Lai sinh sống tại Khe Nóng,  đời sống gặp nhiều khó khăn, giao thông cách trở. Năm 1979, bà con ra tái định cư tại bản Châu Sơn, xã Châu Khê. Do đất sản xuất thiếu, 30 hộ quay lại vào khu vực cũ sinh sống. Măng, rau rừng vẫn là món ăn chính. Khó khăn chồng chất khó khăn. Những ngôi nhà dựng tạm thấp lè tè, mùa mưa gió, bà con nơi đây luôn đối mặt với đói, rét.
 
Đến bản Khe Nóng đã gần chiều, nhà nhà cửa đóng, then cài, chỉ còn một số trẻ nhỏ, người già ở nhà. Cụ La Thị Thỏa (81 tuổi) đang ôm đứa bé độ 2 tuổi trên tay, đứa bé sốt cao, nóng ran cả tay bà cụ. Cụ Thỏa đi vào nhà hâm lại bát cháo cho cháu. Nói là cháo, nhưng măng nhiều hơn gạo. Cụ Thỏa cho biết: “Người dân ở đây một ngày hái măng cũng đong được vài ba lô gạo, nhưng do đường xa xôi, cách trở,  nên chủ yếu ăn măng thay cơm. Một người đi chợ huyện mua gạo, mấy nhà cùng nhờ mua, thay phiên nhau. Nhà nhiều nhất cũng chỉ đong được dăm bảy cân gạo từ tiền bán măng thôi”. 
 
Gian nhà nhỏ làm bằng phên nứa bốn bên thông thống gió, không giường, một chiếc chiếu cũ trải cho 5 người trong gia đình. Gian bếp với mấy chiếc nồi, bát, đũa cũ. Đứa bé đã ngủ, bà cụ Thỏa lấy măng ra hong. “Như mọi hôm, già vào rừng đi măng rồi. Bà con lâu nay sống nhờ vào cây măng nứa của Công ty Lâm nghiệp một thành viên - Con Cuông. Thương dân nghèo, công ty cho vào rừng hái, chỉ có đồng bào Đan Lai nghèo đói mới đi măng thôi. Măng hái về đem luộc, phơi khô, gùi ra chợ huyện bán. Mùa mưa không dám đi sợ nước khe dâng cao không về được...”.
 
Nhiều cụ tuổi đời đã ngoài 80, ngày ngày vẫn mang gùi đi măng. Những em bé chưa đầy tuổi cũng phải ăn cháo măng. Nghèo đói là thế, nhưng khi hỏi về con chữ thì tộc người Đai Lai nơi đây nặng lòng lắm. Cụ Thỏa ánh lên niềm vui: “Đói ăn thì chịu được, chứ nhất quyết không để cho con đói chữ được mô, nhà báo ạ! Có một điểm trưởng lẻ cho tộc người Đan Lai đi học, thầy trò cứ quấn quýt lấy nhau...”.
 
Huyện Con Cuông đang quy hoạch lại khu đất ở, đất sản xuất, công trình phúc lợi để đưa 50 dân Khe Nóng trở lại bản cũ. Khó khăn vẫn là nguồn vốn xây dựng khu tái định cư.  Mong sao sớm ổn định khu tái định cư Khe Nóng để 50 hộ dân tộc người Đai Lai có đất trồng lúa, trồng ngô, ổn định cuộc sống...
 
 
Bài, ảnh: An Ngọc